Oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22 với ngoại hình 'cực dị'

Oanh tạc cơ siêu thanh nổi tiếng Tu-22 do Liên Xô phát triển. Chúng có ngoại hình hoàn toàn khác biệt so với dòng Tu-22M3 đang được Nga sử dụng rộng rãi.

Tu-22 Blinder được Liên Xô phát triển vào thập niên 1950, có chuyến bay lần đầu vào năm 1958 và chính thức trang bị cho không quân vào năm 1962.

So với dòng Tu-22M3 được phát triển vào năm 1983 sau này thì chúng hoàn toàn khác biệt.

Nếu Tu-22M3 được thiết kế với cánh cụp cánh xòe và động cơ đặt trong thân thì Tu-22 lại có cánh cố định và cặp động cơ to gắn ở cánh đuôi đứng.

Tu-22 có phi đội điều khiển 3 người gồm phi công, hoa tiêu và sĩ quan điều khiển vũ khí.

Loại máy bay này có chiều dài 41,6m, sải cánh 23,17m và chiều cao 10,13m.

Trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 92.000 kg.

Máy bay được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực Dobrynin RD-7M-2, mỗi cái có sức đẩy lên tới 107,9 kN và tăng lên 161,9 kN khi đốt tăng lực.

Nhờ cặp động cơ cực khỏe này giúp chiếc máy bay lao đi với vận tốc 1.510km/h, tầm hoạt động 4.900 km, trần bay 13.300m.

Tu-22 có khả năng mang theo 9.000 kg vũ khí trong đó có một pháo 23mm AM23 trang bị ở đuôi, một tên lửa hành trình Kh-22 treo ở thân cùng với các loại bom đạn khác.

Dòng máy bay này có thiết kế cực kỳ hiện đại lúc đó với phần thân của nó được làm thấp, cánh nghiêng về sau một góc 55 độ.

Kèm theo việc đặt hai động cơ ở cánh đứng phía đuôi giúp nó giảm tối thiểu lực cản không khí khi bay.

Tuy nhiên ngay khi đi vào hoạt động người Liên Xô đã nhận ra vấn đề lớn trong thiết kế khi liên tục các vụ tai nạn diễn ra trong khoảng thời gian các năm 1962-1963.

Trong số những lỗi nghiêm trọng nhất có tình trạng nóng vỏ ở tốc độ siêu thanh, biến dạng thanh điều khiển.

Tốc độ hạ cánh là 100 km/h cũng cao hơn so với những chiếc máy bay ném bom trước đó và Tu-22 có khuynh hướng chúi mũi và đập cánh đuôi khi hạ cánh.

Bộ bánh đáp thỉnh thoảng sụp gãy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt khi mang tên lửa có nhiên liệu.

Thậm chí sau khi một số vấn đề ở giai đoạn đầu đã được giải quyết, Tu-22 vẫn luôn là chiếc máy bay khó lái và phải bảo dưỡng liên tục.

Dù Tu-22 được biết tới là máy bay ném bom phản lực đầu tiên trên thế giới có khả năng bay ở tốc độ siêu âm tuy nhiên thiết kế của chúng lại được coi là một thất bại.

Trong suốt thời gian hoạt động, Tu-22 đặc biệt xa lạ với cả nhân viên kỹ thuật mặt đất và các phi công, những người trong một số thời điểm ở thập niên 1960 đã từ chối điều khiển nó.

Tổng cộng đã có tới 311 chiếc Tu-22 với các phiên bản khác nhau đã được sản xuất.

Tu-22B dùng cho thử nghiệm, Tu-22R dùng cho trinh sát, Tu-22RD có thiết bị nạp nhiên liệu, Tu-22RK là phiên bản vừa trinh sát kiêm ném bom, Tu-22RDM phiên bản trinh sát nâng cấp, Tu-22P là phiên bản trinh sát điện tử, Tu-22PD là phiên bản Tu-22P được lắp thêm bộ phận tiếp nhiên liệu trên không.

Nhận thấy Tu-22 không đáp ứng hiệu quả như mong đợi, ban lãnh đạo Liên Xô đã chỉ thị gấp cho hãng Topolev phát triển một phiên bản hoàn toàn mới mang định danh Tu-22M/M3.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/oanh-tac-co-sieu-thanh-tu-22-voi-ngoai-hinh-cuc-di-post549524.antd