Trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt, oanh tạc cơ Su-34 của lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sử dụng một loạt vũ khí đặc biệt có sức công phá lớn để chống lại Quân đội Ukraine, đó chính là bom FAB-500SHN
Vào ngày 2/11/2022, Bộ Quốc phòng Nga đã giới thiệu tới công chúng một số hình ảnh về hoạt động tác chiến tại Ukraine, trong đó cho thấy các máy bay ném bom cũng như vũ khí có liên quan.
Cần lưu ý rằng các phi hành đoàn của máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 thực hiện nhiệm vụ suốt ngày đêm tại mọi khu vực diễn ra giao tranh, đảm nhiệm vai trò yểm trợ hỏa lực cho bộ binh cũng như phá hủy cơ sở hạ tầng của đối phương.
Ngoài ra, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cả ngày lẫn đêm, oanh tạc cơ Su-34 luôn tuần tra không phận, bao quát các hoạt động của những đơn vị mặt đất thuộc lực lượng vũ trang Nga, đi kèm chế áp phòng không, pháo binh và tiêu diệt công sự của địch.
Một trong những vũ khí được Bộ Quốc phòng Nga giới thiệu là bom không điều khiển mang lượng nổ lớn có ký hiệu FAB-500SHN cân nặng 500 kg, với hệ thống dù hãm để thả ở độ cao thấp và cực thấp (100 - 200 m).
Cần lưu ý rằng với sự gia tăng hiệu quả của tên lửa phòng không, ý tưởng ném bom phá hủy mục tiêu ở độ cao thấp đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX và cho thấy hiệu quả lớn.
Nhưng việc sử dụng những quả bom có sức công phá lớn ở độ cao thấp như vậy làm phát sinh rủi ro liên quan đến nguy cơ chính bản thân máy bay ném bom bị hư hại do trúng mảnh vỡ từ vũ khí của mình.
Vì vậy vào năm 1961, bom tấn công FAB-250Sh và FAB-1500ShA đã xuất hiện, và sau đó vào năm 1969, GNPP Bazalt (nay là Công ty cổ phần NPO Bazalt, Moskva, một thành viên của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec) đã tạo ra bom FAB-500Sh.
Vũ khí này được thiết kế để phá hủy các cơ sở công nghiệp quốc phòng, những điểm giao cắt đường sắt và phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Máy bay không cần bổ nhào mà cắt bom trong tư thế bay ngang tại độ cao định sẵn.
Bom được trang bị dù hãm và cơ cấu giữ chậm - đây là những thành phần không thể thiếu trong thiết kế. Việc giảm tốc độ rơi của một quả bom trên không cho phép máy bay rời khỏi vùng phân tán các mảnh vỡ sau khi nổ.
Một thời gian sau khi thả, dù hãm sẽ được cắt, sau đó bom sẽ lao xuống đất với tốc độ ngày càng tăng. Năm 1976, GNPP Basalt tiếp tục phát triển phiên bản cải tiến - FAB-500ShN và vào năm 1986 - một loại bom tấn công với đầu đạn nổ mạnh hơn là FAB-500SH ra đời.
Bom FAB-500ShN mặc dù không thu hút nhiều sự chú ý so với loại FAB-3000 trọng lượng 3 tấn được máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 sử dụng trong cuộc tấn công Nhà máy thép Azovstal nhưng vũ khí này nguy hiểm hơn ở chỗ có thể sử dụng trên diện rộng.
Nếu như số lượng bom FAB-3000 còn lại rất ít, những quả được sử dụng đã ra đời từ năm 1946 thì bom FAB-500ShN phổ biến hơn nhiều. Bên cạnh oanh tạc cơ Su-34, nó còn có thể ném đi từ Tu-22M3.
Tuy nhiên việc sử dụng loại bom không điều khiển có độ chính xác kém này sẽ yêu cầu phi công phải hạ thấp máy bay và duy trì tốc độ chậm, rất dễ trở thành "mồi ngon" cho tên lửa phòng không Ukraine.
Bạch Dương