Oanh tạc cơ Tu-160M2 được giới chức quân sự Nga tự tin nhận là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất thế giới, vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Liên bang Nga đang tiếp tục sản xuất hàng loạt máy bay ném bom chiến lược Tu-160M và chiếc oanh tạc cơ đầu tiên trong lô hiện đại hóa mới đây đã hoàn thành chuyến bay kéo dài 30 phút.
"Trước bối cảnh đó, cộng đồng thế giới đặt ra câu hỏi: tại sao Nga lại quyết định hồi sinh chiếc máy bay ném bom từ thời Chiến tranh Lạnh, bước đi của họ liệu có thực sự hợp lý?"tờ Military Watch đăng tải.
Tác giả của bài viết trên ấn phẩm Mỹ cho biết: “Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga kỳ vọng sẽ nhận được 50 máy bay ném bom Tu-160M2 mới, ngoài 17 chiếc đã được đưa vào biên chế từ khi Liên Xô tan rã".
Máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 "Thiên nga trắng" được đưa vào thành phần tác chiến của Quân đội Liên Xô từ năm 1987, ban đầu người ta dự định chế tạo 100 chiếc oanh tạc cơ loại này.
Khả năng tạo ra một số biến thể của phương tiện chiến đấu lợi hại nói trên cũng đã được xem xét. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên bang Xô viết đã ngăn cản những bản kế hoạch này trở thành hiện thực.
Tu-160 đã lập tổng cộng 44 kỷ lục trong nhiều năm hoạt động và là máy bay ném bom nhanh nhất cũng như nặng nhất từng được chế tạo. Ngoài ra, nó là phương tiện chiến đấu "cánh cụp cánh xòe" duy nhất còn được sản xuất.
Thiên nga trắng có động cơ mạnh hơn bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào trên thế giới. Phiên bản mới của nó được đặt tên là Tu-160M2 tích hợp hệ thống điều khiển và điện tử hàng không hiện đại, có màn hình kỹ thuật số trong buồng lái và nhiều cải tiến khác.
Các nhà quan sát của Military Watch lưu ý: “Các máy bay Tu-160 cũ hơn cũng đang được nâng cấp theo tiêu chuẩn tương tự với tên gọi Tu-160M".
Tờ báo Mỹ nói thêm rằng ngày nay Tu-160 vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh, nhưng trong thập kỷ tới, tính ưu việt của nó sẽ bị soán ngôi bởi Mỹ và Trung Quốc, khi hai quốc gia này đang phát triển các máy bay ném bom chiến lược mới - lần lượt là B-21 và H-20.
Trong chiến tranh tương lai, những oanh tạc cơ như B-21 hay H-20 mới được xem là phương tiện tác chiến phù hợp, khi chúng có thể dễ dàng xuyên qua hệ thống phòng không đối phương, hủy diệt mục tiêu mặt đất rồi rút lui mà chẳng ai hay biết.
Đối đầu những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, đặc tính tốc độ cao của Tu-160M/M2 gần như trở nên vô nghĩa, bởi tốc độ của máy bay chẳng thể nào so sánh với đạn đánh chặn.
Chính vì vậy, nỗ lực của Nga trong việc tạo ra chiếc Tu-160 nâng cấp bị xem là sai lầm lớn, bởi rõ ràng nó đã quá lạc hậu so với B-21 Raider của Mỹ hay H-20 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo.
Thay vì đầu tư số tiền khổng lồ cho việc sản xuất mới và nâng cấp oanh tạc cơ Tu-160, có lẽ người Nga nên dùng khoản ngân sách này cho viết hoàn thiện máy bay ném bom tương lai PAK DA (Poslanhik) thì hơn.
Việt Dũng