Ðộc đáo lễ cúng trăng của đồng bào Khmer

Trong khuôn khổ lễ hội OÓc om bóc vừa diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng, lễ cúng trăng và lễ thả đèn nước của đồng bào Khmer Nam bộ đã được phục dựng cho du khách thưởng lãm. Ðây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Nghi thức lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Nghi thức lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của con người. Từng món lễ vật, đồ trang trí trong lễ cúng trăng đều mang ý nghĩa tâm linh đối với đồng bào Khmer. Hai cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho vũ trụ; cái bàn tượng trưng cho Trái đất, hai cây mía tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở; ba cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho ba mùa trong năm; 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho các tháng trong năm và 12 con giáp; bảy quả cau có hình dáng con ong bầu tượng trưng cho bảy ngày trong tuần; 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho tháng đủ; 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho tháng thiếu…

Lễ vật của mâm cúng là những loại rau, củ, trái cây của địa phương. Ðiều đáng nói là không thể thiếu món cốm dẹp và quả dừa được vạt sẵn nhưng vẫn phải giữ lại nắp. Khi trăng lên cao, các vị trưởng lão đức cao vọng trọng, vị Achar được mời đến tiến hành nghi lễ cúng trăng trước sự chứng kiến của các nhà sư. Mọi người trải chiếu ngồi quây quần quanh mâm cúng. Sau lời khấn tạ ơn và đọc một đoạn kinh cầu phúc, những đứa trẻ sẽ lần lượt được chủ lễ gọi lên để đút cốm dẹp cùng các thứ cúng khác, mỗi thứ một ít. Các em vừa nuốt cốm dẹp, vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng.

Lễ thả đèn nước thường được tổ chức trong lễ cúng trăng. Lễ thả đèn nước diễn ra trên sông Maspero có 15 đội đến từ các đơn vị huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh Sóc Trăng, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem. Theo truyền thuyết Phật giáo, lễ thả đèn nước mang ý nghĩa đức Phật hạ giới độ trì chúng sinh và người dân được mùa tạ ơn thần mặt đất và thần nước. Bên cạnh các đèn nước, năm nay các chùa đã phục dựng ghe Ka-hâu. Ðây là chiếc ghe dành cho các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín ngồi chỉ đạo các đội ghe ngo. Ghe được trang trí đẹp, những hoa văn được khắc rất tinh xảo, kết hợp đèn và đội nhạc ngũ âm làm cho đêm hội càng thêm sinh động, lung linh huyền ảo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm cho biết: "Lễ cúng trăng và thả đèn nước trong khuôn khổ lễ hội Oóc om bóc - Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ tư, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 không chỉ bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến với Sóc Trăng. Ngoài ra, nghi lễ này có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ sống nghĩa tình, phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm của mọi người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Bài và ảnh:NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/42459902-%C3%B0oc-dao-le-cung-trang-cua-dong-bao-khmer.html