Ốc đất cày
Quê tôi trước đây làm lúa 2 vụ, đông xuân và hè thu. Vụ đông xuân được gieo sạ khi mùa nước nổi vừa kết thúc, nghĩa là khoảng tháng 11 (âm lịch). Sau hơn 3 tháng, người ta bắt đầu thu hoạch lúa. Do vừa được tắm táp phù sa suốt mùa nước nổi, nên vụ đông xuân lúa thường trúng mùa, mà thu hoạch cũng khỏe, vì ngay thời điểm sau Tết, tiết trời nắng ráo.
Khi cả cánh đồng thu hoạch xong, người ta không gieo sạ lại liền, mà cho đất “nghỉ ngơi”. Chủ đất thuê nhân công tủ rơm trên ruộng, rồi đốt cho cháy hết rơm rạ. Đó cũng là mùa khói đốt đồng thơm ngát. Đốt đồng xong vài hôm, bà con lại tiếp tục thuê máy cày đến cày ruộng, nhằm “trộn” lớp đất tốt phía dưới lên bề mặt.
Lúc này, bọn trẻ xóm tôi thường xách mỗi đứa một cái xô để đi bắt ốc. Chúng tôi đi dọc theo những thửa đất vừa mới cày xong, tìm mấy con ốc mập ú giấu mình trong đất, vừa mới bị lật lên. Tôi không hiểu sao con ốc bị mắc kẹt giữa mảng đất cứng ngắt trong cả tháng, hầu như không thể mở miệng ra được, chứ nói gì đến việc di chuyển tìm thức ăn, vậy mà con nào con nấy ú quây. Tôi hỏi má, má cũng nói không biết, nào tới giờ bà con thấy ốc dưới đất cày lên thì bắt ăn vậy thôi, có ai thắc mắc như tôi đâu.
Sau này, tôi nghe có người bảo đó là hiện tượng “ngủ đông” của ốc, khi chúng không được sinh sống trong môi trường thuận lợi thì lập tức kích thích quá trình này. Lúc ngủ đông, ốc đào thải chất bẩn, đồng thời lấy dinh dưỡng phần đuôi nuôi phần thân. Hèn gì, những con ốc đất cày chúng tôi bắt được con nào cũng trắng phếu.
Hiện nay, nông dân tận dụng trường hợp ốc “ngủ đông” để làm món ốc gác bếp, nghĩa là đem ốc treo trên bếp hàng tháng trời, cũng được món ốc béo ngon như ốc đất cày thời xưa. Hỏi sao không vùi xuống đất ruộng như trước nữa mà lại treo lên bếp, bà con nói bây giờ thuốc trừ sâu nhiều quá, sợ không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ốc đất cày ngày xưa hay ốc gác bếp bây giờ, chỉ cần rửa sạch, rồi chế biến món gì cũng ngon. Đơn giản nhất chỉ cần bắt nồi lên luộc chừng vài phút, rồi đem chấm cơm mẻ. Ốc nướng mọi cũng là món ưa thích của nhiều người. Đốt lò than lên rồi để ốc vào chút xíu, thấy mài ốc sủi bọt là chín. Ốc nướng chấm muối tiêu chanh thì ngon khỏi chê. Ai siêng chút nữa thì lể từng con ra xào sả ớt ăn với cơm.
Ở quê trước kia, cuộc sống đôi khi vất vả lắm, nhưng thức quê thì không thiếu, đủ loại, quanh năm. Có điều, những món giản đơn như ốc đất cày giờ hiếm lắm, bởi con ốc bươu, ốc lác ngày càng thưa vắng, chỉ còn ốc bươu vàng thì nhiều. Mà dân quê tôi thì hầu như ít ai ăn ốc bươu vàng.
Bữa đó về quê, tôi hỏi thử mấy đứa cháu coi có biết ốc đất cày là gì không, đứa nào cũng ngơ ngác. Có đứa lấy điện thoại tra thử, một hồi bảo chú Út có nhầm lẫn gì không, chứ làm gì có kiểu ốc lạ lùng như vậy.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/oc-dat-cay-a379650.html