Ốc nhà Bin
'Thứ Ba em bắt đầu chạy thử mấy hôm trước khi khai trương chính thức. Anh ghé chơi với em nha'. Tôi đọc đi đọc lại cái tin nhắn ấy của Bin mấy lần liền, với sự háo hức vô cùng. Lạ thật, chẳng phải cái tiệm của mình. Cũng chẳng phải là một thứ kỳ hoa dị thảo chưa từng xuất hiện trên đời sắp được bán ra. Vậy mà tôi vẫn ngóng. Có lẽ, tại vì nó là của Bin, một người em mà tôi quý mến.
Bin là tên gọi thân mật của Phong, Nguyễn Tuấn Phong, một cựu danh thủ bóng đá thời kỳ 2007-2012. Xưa nó từng đá Gạch Đồng Tâm Long An. Cũng được gọi lên đội tuyển quốc gia. Nhưng số nó cũng không may, khi ở đúng cái giải rực rỡ nhất của BĐVN ngày đó là AFF Cup 2008 thì nó lại vắng mặt vì chấn thương. Chứ hồi đó mà nó tham dự vào chức vô địch lần đầu tiên đó, có lẽ nó còn nổi danh nữa. Bin cao ráo, đẹp trai. Nó có gene lai Pháp mà. Nên với vóc dáng ấy, tính tình ấy, kiểu gì chẳng thành ngôi sao truyền thông bên cạnh việc là một ngôi sao bóng đá.
Còn bây giờ, nó bán ốc, chính thức bán ốc, với cái tên theo nó suốt bao nhiêu năm nay rồi: Ốc Bin.
Thật ra, nó bán ốc cũng lâu rồi, nhưng là bán ốc tài tử. Thứ ốc nhà nó là thứ ốc ngon nhứt miền Nam, tôi dám cả quyết như thế. Bà xã nó, bé Ty, nấu ăn "bá chấy bù chét". Và món ốc Bin tất nhiên là từ tay của bé Ty rồi, chứ ông tướng Bin điển trai thì ngoài "dùng" ra, có biết làm con ốc thế nào đâu.
Cách đây cũng vài năm, lúc Bin mới treo giày và đang đi học HLV, bé Ty mở dịch vụ bán ốc qua facebook của... chồng. Ai muốn ăn ốc gì phải đặt trước một ngày. Cơ bản, bé Ty làm rất kỹ. Thế nên nó cần thời gian. Sáng sáng, Ty mới ra chợ, lựa từng con ốc, đúng nghĩa là lựa từng con. Về nhà, nó mới vệ sinh từng con, cũng đúng nghĩa từng con, bằng cái bàn chải đánh răng mua riêng để làm ốc. Sau đó mới bắt đầu chế biến. Nào là cà ri ốc len, ốc len xào dừa, ốc hương, ốc mỡ, ốc ngựa xào bơ... món nào cũng ngon xoắn lưỡi cả. Tôi còn nhớ, lần đầu tôi đặt ốc của Bin, thực tâm là để ủng hộ chứ không nghĩ nó có ngon hay không. Bữa ấy mùa mưa, giữa cơn mưa rào ào ạt, Bin chạy xe sang nhà giao ốc cho vợ tôi. Để rồi tôi nhận được tin nhắn của bà xã: "Trời, ốc nhà Phong bán ngon dữ thần anh ơi. Chưa bao giờ em ăn ốc ở đâu mà ngon thế".
Thi thoảng, chúng tôi cũng hay được Bin mời qua nhà chơi. Mấy anh em rải bàn ngồi ngay đường hẻm, mỗi người một lon bia lạnh, nhấm nháp mấy dĩa ốc, dĩa mồi bé Ty chuẩn bị sẵn. Chuyện khi nào cũng rôm rả, vị lúc nào cũng ngon "nhức người".
Rồi Bin đi làm nghề. Nó là thành viên ban huấn luyện của CLB Sài Gòn. Làm đúng nghề yêu thích, thu nhập cũng ổn định, việc bán ốc "amateur" cũng lơi dần. Bé Ty một mình phụ trách ba đứa con nhỏ nên cũng không có thời gian mà xoay xở. Ốc Bin "huyền thoại" chỉ còn thi thoảng xuất hiện trong những bữa chúng tôi tụ tập ở nhà Bin lai rai mà thôi. Nhưng muốn ăn ốc thì cũng phải lên lịch trước chứ nhậu bất thần thì thua rồi.
Nhưng mà cuộc đời đúng là biến cố xảy ra khó lường. Công việc của Bin đang tốt thì CLB Sài Gòn cắt hợp đồng của nó. Lý do quá đơn giản. CLB thay máu, cho nghỉ gần 20 cầu thủ sau khi kết thúc mùa giải. Vợ chồng Bin có tổ chức bữa tiệc nhỏ chia tay các anh em gắn bó với nó mấy năm. Thế là chẳng có lý do gì ngoài một câu ráo hoảnh kiểu đại khái như "không còn nhu cầu" và họ cho Bin nghỉ. Mất việc giữa mùa COVID-19 quả thực như cái tát nổ đom đóm mắt với bất kỳ ai. Đằng này, hai vợ chồng nó, 3 đứa con tuổi ăn tuổi học, xất bất xang bang là cái chắc.
Mất việc chỗ này thì kiếm việc chỗ khác. Miễn là có năng lực thôi. Mà Bin thì có năng lực thật. Ngay sau khi nó mất việc, có người mời nó tham gia ban huấn luyện một đội bóng V-League khác ngay. Nhưng nó nghĩ suy nhiều hôm, rồi từ chối. "Có việc mừng quá chứ anh. Nhưng em nghĩ giờ chưa phải lúc. Việc này mà em nhận phải đi miền Trung lận. Mà mình bà xã với 3 đứa ở nhà, em đi biền biệt không đặng. Trẻ con lại đang cái tuổi cần cha dạy dỗ. Mình ham đồng tiền, có khi sau này lại ân hận". Bin nó tâm sự nhỏ với tôi đại loại như thế. Tôi cũng không biết nói gì. Vì bản thân tôi cũng đang xất bất xang bang với một gia đình 6 miệng ăn. Chỉ biết khuyên nó một cách rất "huề vốn" là "hay em bán ốc tiếp đi. Anh thấy được đó".
Thế mà nó bán ốc thật. Nhưng lần này không còn tài tử "amateur" nữa. Lần này là mở tiệm hẳn hoi. Một người bạn thân có kinh nghiệm làm quán nhậu đang mở thành công 2 quán nhậu ở trung tâm thành phố nhảy vô hùn vốn cùng nó. Thế là nó có dũng khí thuê hẳn cái mặt bằng ở quận 3 để làm quán. Mà cái mặt bằng ấy cũng "huyền thoại" luôn.
Đó là một quán ở Võ Văn Tần, địa chỉ "thánh địa" của anh em phóng viên thể thao suốt gần chục năm nay rồi. Đồng nghiệp nào ở Bắc, ở Trung vào tác nghiệp, anh em phía Nam cũng lôi ra đó. Nó đã gắn bó với đám phóng viên thể thao chúng tôi tới mức người quanh đó có khi còn thuộc mặt, quen tên vài đứa. Đận rồi, chủ quán gặp khó khăn gì đó, buôn bán ế ẩm nên dẹp quán. Thế là Bin quyết định nhảy vào "thánh địa" ấy, như cách nó nói với tôi "em cố gắng làm sống lại địa chỉ đình đám của anh em phóng viên thể thao nha anh".
Cái lề đường đó với chúng tôi nhiều kỷ niệm lắm. Từng có thời, anh em nhậu xong còn rủ nhau... chạy 100m xem ai thắng kèo. Bạn bè kết giao thêm cũng từ chốn ấy. Rồi những danh thủ, cựu danh thủ, HLV cũng đến với chúng tôi ở đó. Và chính cái lề đường Võ Văn Tần thân quen này cũng là nơi mà nhiều năm về trước, sau một buổi chụp hình cho một tờ báo, Công Vinh dắt Thủy Tiên ra cùng. Khi ấy họ còn chưa yêu nhau. Giờ thì đã thành vợ, thành chồng, con cái đuề huề rồi. Với chúng tôi, nói thật, nó thiêng liêng chẳng khác gì một sân bóng cả.
Bây giờ thì cái địa chỉ quen thuộc kia đã hồi sinh rồi, với ốc nhà Bin và câu chuyện của Bin. Mà nói thật, chuyện của nó để lại cho chính tôi nhiều câu hỏi mở rất đáng suy ngẫm về vai trò một người cha, người chồng, người đồng đội, người đàn ông. Ví như chuyện Bin tiếc nuối từ chối lên làm trợ lý ở đội tuyển U19 Quốc gia chẳng hạn. Khi ấy, nếu nhận lời, Bin sẽ làm việc với ông Troussier, một chuyên gia, HLV hàng đầu tầm vóc quốc tế hiện đang làm việc tại Việt Nam. Làm chung với ông Troussier, chắc chắn Bin sẽ học được rất nhiều. Nhưng Bi từ chối vì lòng trung thành. "CLB cần em. Anh em cần em. Bỏ họ đi lúc này không đặng anh ạ".
Hay như tôi lúc này đây. Bao năm trời đi làm thêm bên ngoài, trong vai trò cố vấn cho một doanh nghiệp, làm nửa ngày thôi. Thu nhập từ đó giúp gia đình tôi bình ổn suốt một thời gian dài. Rồi COVID-19, rồi họ cắt giảm đến 30% nhân viên chính thức, người ở lại cũng giảm 30% lương trong 1 năm. Thế thì ông cố vấn cũng phải nghỉ thôi. Cả 1 năm khốn khó vật vã trôi đi, giờ nhìn thấy Tết mà hoảng loạn. Giờ mà có ai thuê tôi lương cao thật cao, nhưng phải xa vợ xa con, có khi tôi gật đầu ngay. Nhưng Bin nó không chọn cách ấy, nó vẫn chiến đấu tới cùng để tuổi thơ của con nó không phải chứng kiến ba xa nhà thêm nữa. Quyết định của nó, đúng-sai khó nói lắm, vì chỉ ở vào hoàn cảnh của họ, ta mới hiểu nổi. Nhưng nó dũng khí hơn tôi, và có thể nhiều người ngoài kia, rất nhiều.
Nhưng điều đáng ngẫm hơn cả là Bin nó quả thực nhiều bè bạn sẵn sàng dang rộng vòng tay với nó khi nó gian khó nhất. Tôi không nhiều bạn như thế. Và đó là do bản thân tôi chứ không phải do ai cả. Mình nhìn vào nó, mình nể, nhưng mình cũng hiểu chân lý rằng nó phải sống sao, bạn bè nó mới tốt với nó như thế.
Còn những biến cố của cuộc đời, do ai đó gây ra cho ta, ta khó lòng lường trước được, nhất là khi ta cứ thẳng tưng ruột ngựa mà sống. Ngây thơ thì dễ bị lừa, đó là chuyện dĩ nhiên rồi. Có trách, có hờn cũng vô ích.
Chỉ mong, ốc nhà Bin ăn nên làm ra, để tôi thấy nụ cười của nó. Một nụ cười bằng hữu thật ra cho ta nhiều động lực lắm. Còn bây giờ, tôi đi ăn ốc nhà Bin đây. Có ai theo cùng không? Tôi đãi...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/oc-nha-bin-628617/