OCB bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Đức làm giám đốc Tài chính

Ngân hàng Phương Đông (Mã: OCB) vừa công bố thông tin bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Đức đảm nhận vai trò Giám đốc Tài chính thay thế vị trí ông Nguyễn Văn Cường để lại.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) vừa công bố quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Đức đảm nhận vai trò Giám đốc Tài chính từ ngày 16/9/2024.

Ông Nguyễn Huy Đức sinh năm 1977, từng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại trường đại học Corvinus, Budapest (Hungary).

Trước khi đến đầu quân cho OCB, ông Đức đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nắm giữ các vị trí cấp cao tại các tập đoàn lớn như Tổng Giám Đốc Techcom Capital, Giám Đốc Ngân Hàng Đầu Tư thuộc Techcombank, Giám Đốc Tài Chính tại Tập đoàn Cotecons , Kusto Cement,…Mới đây nhất, ông Đức đảm nhiệm vai trò Giám đốc Tài chính tại CTCP Đầu tư Nam Long.

 Ông Nguyễn Huy Đức làm Giám đốc Tài chính OCB. Ảnh OCB.

Ông Nguyễn Huy Đức làm Giám đốc Tài chính OCB. Ảnh OCB.

Người đảm nhận vị tri Giám đốc Tài chính của OCB trước đó là ông Nguyễn Văn Cường. Ông Cường đã có đơn xin từ nhiệm từ ngày 29/5, chưa đầy một năm đảm nhiệm.

Thời gian qua, OCB có nhiều biến động về nhân sự cấp cao. Sau khi ông Nguyễn Văn Cường từ nhiệm chức Giám đốc Tài chính, ông Phạm Hoàng Hải cũng xin thôi vị trí Quyền Tổng giám đốc. Tiếp đến là ông Nguyễn Đình Tùng xin thôi nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2020-2025.

Mới đây nhất, ngày 14/8, ông Nguyễn Văn Hương từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ, theo nguyện vọng cá nhân. Được biết, ông Nguyễn Văn Hương được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ kể từ 28/12/2022 và đã có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, OCB cũng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận mức 2.113 tỷ đồng lợi nhuận. Tính tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản ngân hàng xấp xỉ đầu năm ở mức 238.884 tỷ đồng. Các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản cũng được OCB kiểm soát và đảm bảo tuân thủ theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%, thấp hơn mức kiểm soát 3% của NHNN.

Trong năm 2024, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái. Ngân hàng tiếp tục tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tái cơ cấu lại danh mục theo hướng đa dạng nguồn thu.

Cuối tháng 8 vừa qua, OCB cũng đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1 (mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho OCB tăng thêm 4.110 tỷ đồng vốn điều lệ để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.

Ngoài ra, OCB cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP mới sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.

OCB cũng có kế hoạch chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8,8 tỷ đồng. Mức giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ocb-bo-nhiem-ong-nguyen-huy-duc-lam-giam-doc-tai-chinh.html