OCB trước thềm niêm yết sàn HoSE, có gì để nhà đầu tư quan tâm?
Là một trong những ngân hàng chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cuối năm nay, OCB cho biết, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Tăng trưởng ra sao?
Năm 2020 dự báo nhiều khó khăn, OCB xác định phát triển kinh doanh an toàn, song song đó, vẫn đánh dấu những bước đi ấn tượng ở mảng ngân hàng số OCB OMNI, Ngân hàng Aozora (AOZ) Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược và hoàn tất việc nộp hồ sơ, chuẩn bị niêm yết lên sàn chứng khoán.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 vừa được OCB công bố cho thấy, các chỉ tiêu hoạt động tiếp tục tăng trưởng theo hướng bền vững trong bối cảnh đại dịch tác động đến nền kinh tế, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của OCB đạt 132.992 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm ngoái và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của OCB tiếp tục tăng mạnh khi đạt 15.913 tỷ đồng, tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Huy động vốn trên thị trường 1 đạt 96.375 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019; dư nợ cho vay trên thị trường 1 bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đạt 81.510 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Một chỉ tiêu nổi bật của OCB trong 9 tháng qua là chỉ số CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) tiếp tục giảm xuống còn 31,8% so với mức 37% hồi cuối năm ngoái.
CIR là một chỉ số tài chính quan trọng, đặc biệt trong việc đánh giá hoạt động ngân hàng khi phản ánh mối tương quan giữa chi phí với thu nhập của ngân hàng đó, chỉ số CIR càng nhỏ cho thấy hoạt động đó càng hiệu quả, kiểm soát tốt chi phí.
Tại OCB, chỉ số CIR liên tục được cải thiện, giảm dần thời gian qua cho thấy sự cải thiện về năng suất lao động ngày một cao hơn và hiệu quả quản lý chi phí hoạt động ngày một tốt hơn.
Với mức 31,8%, có thể nói chỉ số CIR của OCB hiện tại đang nằm trong nhóm các ngân hàng thương mại kiểm soát tốt chi phí hoạt động hàng đầu thị trường.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, lợi nhuận có thể là chỉ tiêu để xác định hiệu quả của các ngân hàng. Nhưng một trong những chỉ tiêu quan trọng khác như CIR lại được xem xét để đánh giá công bằng hơn về hiệu quả trong hoạt động của từng nhà băng.
Bởi CIR càng thấp sẽ phản ánh ngân hàng đang hoạt động hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.
Thực tế, OCB tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động trên cơ sở tối ưu hóa chi phí, đầu tư sớm về công nghệ và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống…
Theo đại diện OCB, công tác nhân sự và đào tạo luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của ngân hàng, đặc biệt trong xu hướng công nghệ số như hiện nay. Việc đặt mục tiêu trong tâm vào các hoạt động đào tạo nhằm giúp nâng cao năng lực cán bộ nhân viên, gia tăng năng suất lao động.
“Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ công nghệ số cho khách hàng, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành cho ngân hàng” – đại diện OCB nói.
Là một trong những ngân hàng tiên phong về số hóa trong hệ thống, đặc biệt là sản phẩm OCB OMNI, trong 9 tháng qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh ngân hàng số của OCB tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Chỉ riêng 9 tháng đầu năm, số lượng đăng ký sử dụng ngân hàng số OCB OMNI đạt hơn 1,2 triệu khách hàng, tăng trưởng gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ 2019.
Riêng trong tháng 9/2020, giao dịch online đạt gần 3 lần về số lượng và 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, dù xu hướng của lãi suất tiền gửi là đi xuống nhưng dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, người gửi tiền chọn kênh gửi tiết kiệm online nhiều hơn để vừa được hưởng lãi suất cao hơn gửi tại quầy, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, yên tâm giao dịch tại nhà…
OCB đã giới thiệu phiên bản ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI 2.0 với giao diện hoàn toàn mới vào ngày 15/10 vừa qua, bổ sung nhiều tính năng “cá nhân hóa” nâng cao trải nghiệm người dùng.
Với những kết quả tích cực trong công tác huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ở mức 2.507 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2019.
Trước đó, tốc độ tăng trưởng kép (CARG) của OCB từ năm 2016 - 2019 đạt trên 88%. Trong vòng 5 năm qua, quy mô ngân hàng đã tăng trưởng vượt bậc khi tổng tài sản tăng 140%, vốn điều lệ tăng 122%, vốn chủ sở hữu tăng 172%.
Thêm nhà đầu tư chiến lược trước niêm yết sàn HOSE
Là một trong những ngân hàng không nằm trong danh sách 10 nhà băng lớn thí điểm áp chuẩn Basel II theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng năm 2018 OCB là một trong ba ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được NHNN công nhận hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II.
Chính vì sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào trong hoạt động nên OCB đã có sự tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt trên nền tảng quản trị vững chắc.
Vào năm 2010, OCB có 76 chi nhánh và phòng giao dịch. Hiện nay có 134 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 200 đơn vị kinh doanh trên toàn quốc. Giai đoạn 2009 – 2019: Tổng tài sản ngân hàng tăng 10 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 12,5 lần.
Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tăng lần lượt gần 4 và 5 lần.Nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà OCB vẫn đẩy mạnh trong việc tái cấu trúc kể từ năm 2010.
Ở giai đoạn 2011-2015: Việc tái cấu trúc dẫn dắt giúp OCB chống đỡ qua khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011. HĐQT OCB tái cấu trúc toàn bộ ngân hàng: cơ cấu hoạt động kinh doanh, xây dựng đội ngũ nhân sự, nâng cấp công tác quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Xây dựng nền tảng công nghệ vàđịnh hướng phát triển sản phẩm mới.
Giai đoạn 2015 -2020, chính là giai đoạn OCB tăng tốc và phát triển. Với thành quả: Top 3 về tăng trưởng, Top 3 về hiệu quả, Top đầu về quản trị rủi ro. OCB được đánh giá là ngân hàng tốt, uy tín, tăng trưởng bền vững, hiệu quả trong nhiều năm liên tiếp.
Bước đi tiếp theo được cổ đông, nhà đầu tư và thị trường kỳ vọng thời gian qua của OCB là niêm yết chính thức trên sàn giao dịch chứng khoán.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa có văn bản xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của OCB. Số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là hơn 876,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ của OCB 8.767 tỷ đồng.
OCB cũng hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Aozora (AOZ, Nhật Bản). Hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số.
Đồng thời liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Đầu tháng 10, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 8.767 tỷ đồng lên 10.959 tỷ đồng từ việc chia cổ tức.
Theo đại diện ngân hàng, đây là thông tin tích cực được các cổ đông quan tâm và là tiền đề để ngân hàng triển khai việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.