Oceanman Việt Nam không chịu hoàn tiền cho VĐV, gấp gáp 'ép' bơi
Sau khi bị hoãn lần đầu, Ban tổ chức Giải bơi biển quốc tế The Arena Oceanman Cam Ranh Việt Nam 2023 không hoàn trả tiền mua BIB cho hàng trăm VĐV, thay vào đó đưa ra các phương án thay thế không phù hợp và cuối cùng là gấp gáp tổ chức lại giải bơi.
Không bơi thì...mất tiền BIB
Sau ngày 16/4/2023, các vận động viên (VĐV) tiếp tục chờ đợi thông tin từ Ban tổ chức (BTC) Giải bơi biển quốc tế The Arena Oceanman Cam Ranh Việt Nam 2023.
Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần trôi qua… vẫn không có thêm thông tin gì mới từ Công ty CP sự kiện Peak (đơn vị tổ chức sự kiện thể thao có địa chỉ tại TP.HCM).
Ở đây cần nhắc lại các mức giá BIB (số báo danh) của giải bơi này. Theo đó có 5 cự ly bơi: Oceankids 800m, Oceanteams 3X800m, Sprint 2km, Half Oceanman 5km và Oceanman 10km. Mỗi cự ly này lại chia thành 3 mức mua sớm, thường xuyên và mua muộn, mức giá giao động từ 869.000đ/BIB cho tới 2.999.000đ/BIB. Mức giá này nhân lên với con số 850 VĐV đăng ký (Số liệu của BTC) là khoản tiền không hề nhỏ.
PV ANTĐ đã gặp gỡ một số VĐV đăng ký tham dự giải, ghi nhận ý kiến.
“Tôi chờ mãi không thấy thông tin gì từ BTC nên chủ động liên lạc qua đường dây nóng thì được nhân viên khuyến cáo… kiên nhẫn chờ đợi, bởi chính các em đó cũng không biết thông tin tiếp theo về giải bơi. Tôi vẫn có ý định tiếp tục tham gia giải vào thời gian phù hợp”- Anh Hùng, một VĐV đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội cho PV ANTĐ hay.
Một VĐV nữ cũng đến từ Hà Nội, chị Hạnh tiếp lời: “Gia đình tôi mua 3 BIB cho tôi và 2 con tham gia giải Oceanman Việt Nam, tổng cộng hết 4.4 triệu đồng. Do lỗi đăng sai bản đồ của BTC, giải bị hoãn khiến gia đình tôi tốn thời gian và hàng chục triệu đồng bay vào Cam Ranh du lịch bất đắc dĩ. Khác với anh Hùng, thời gian qua tôi không còn tập luyện, nên không đảm bảo được cự ly 5km bơi biển, và quan trọng hơn là mất hứng, nên tôi không muốn tham gia giải tiếp nữa. Tuy nhiên khi tôi gọi điện qua đường dây nóng thì BTC ngang nhiên trả lời rằng: Không có chính sách hoàn tiền”.
Anh Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) thì cho chúng tôi xem email trả lời từ phía BTC. Theo đó, VĐV được “hỗ trợ” vài lựa chọn: 1. VĐV chuyển sang thi đấu giải Oceanman ở nước ngoài, cụ thể là tại Giải Phuket (Thái Lan) mở rộng vào ngày 2/12/2023; 2. Chuyển nhượng BIB cho người khác; 3. Tham gia giải chạy bộ do công ty Peak tổ chức, thay cho giải bơi.
Anh Hoàng bày tỏ: Tôi thật sự rất bức xúc với sự “hỗ trợ” của BTC. Đầu tiên phải nhắc rõ, là do lỗi của họ nên giải bơi mới hoãn, lỡ dở công việc tiền bạc của VĐV, nên không thể là “hỗ trợ VĐV” mà là “trách nhiệm bồi hoàn của BTC”. Tiếp đến cả 3 phương án mà BTC đưa ra đều không phù hợp: 1.Tôi chỉ muốn ghi dấu tại cuộc bơi trong nước; 2.Chuyển nhượng BIB không hề dễ, tôi đã bảo luôn nhân viên đường dây nóng là “em chuyển nhượng giúp anh”, thì lại trả lời “em không có chức năng đó”; 3. Tôi không biết chạy bộ và không thích giải chạy của công ty Peak.
Cuối cùng điểm quan trọng nhất là công ty này đang có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền mua BIB của các VĐV không muốn tham gia giải nữa, nhân viên đường dây nóng luôn khẳng định: Hiện BTC không có chính sách trả lại tiền.
Chị Huệ (TP.Hồ Chí Minh) đồng ý với ý kiến của anh Hoàng: Sau gần 5 tháng giữ tiền BIB của VĐV thì mới đây BTC mở lại giải bơi từ ngày 8-10/9, vẫn ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Họ cũng thông báo cho tôi giống anh Hoàng, hoặc phải tiếp tục tham gia giải bơi Oceanman Việt Nam, hoặc có 3 lựa chọn trên. Tất cả đều là ép buộc VĐV, không chịu trả lại tiền.
Ngay trên Fanpage của giải bơi Oceanman Việt Nam, khi đột ngột thông báo mở lại giải bơi đã nhận về nhiều phản ứng của các VĐV. Điển hình như nick Nguyen Phan Thuy Van viết: Tôi không tham gia được giải vì các lý do sau: 1. Thời gian thông báo qua gấp để tập luyện. 2. Tháng 9 có rủi ro mưa bão ở biển; 3. Tôi không tin tưởng BTC Oceanman Việt Nam sau khi giải bị hoãn vì lý do “nhạt”, nhưng không hề có giải pháp bù đắp thiệt hại cho VĐV. 4. Tôi đề nghị BTC có email thông báo về phương án hoàn trả tiền mua BIB hoặc được quyền bảo lưu đến mùa thi đấu năm sau. Ý kiến này lập tức nhận được rất nhiều like ủng hộ của các VĐV khác.
Bơi biển là "game một mạng", không thể khinh suất
Rất nhiều VĐV khác bày tỏ ý kiến cho rằng, ngoài việc không có phương án hoàn trả tiền BIB cho VĐV, BTC đã quá khinh suất khi đột ngột thông báo rất gấp ngày thi đấu mới, chỉ có vỏn vẹn đúng 1 tháng để VĐV luyện tập cấp tập. Trong khi đó, bơi ngoài trời (sông, hồ…) và nhất là biển, cần có kỹ năng rất tốt để đảm bảo sự an toàn. Đặc biệt là các suất bơi của trẻ em: Các em vừa không kịp tập luyện lại vừa khai giảng năm học mới, không thể bay vào Cam Ranh để tham gia giải bơi.
Ở đây xin trích dẫn hướng dẫn của anh Lâm Quang Nhật, VĐV 3 môn phối hợp chuyên nghiệp, cựu VĐV bơi tuyển Quốc gia, về kỹ năng bơi biển như sau: Hãy biết khi nào nên dừng lại dù câu “vượt lên chính mình, phá vỡ giới hạn…” đang lan tỏa rầm rộ trong thể thao phong trào. Bơi là môn thể thao công bằng, không thể “đánh bóng” khoe mạng xã hội. Rất khó để người chỉ đủ sức bơi 2km, bất ngờ ra biển lại bơi được 5km. Kỹ năng bơi yếu thỉ sẽ phơi bày rõ ràng.
Anh viết: Nhật hay nói nửa đùa nửa thật với học viên của mình: Bơi biển chính là game một mạng. Nếu có thêm phao tốt thì cộng thêm 0.5 mạng nữa. Trong tháng 8 vừa rồi đã có đến 4 trường hợp ko may khi bơi biển tại các race trên thế giới, Nhật ko dọa dẫm nhưng cho dù BTC có chuyên nghiệp đến đâu, lực lượng cứu hộ có dày đặc đến đâu, thì trước biển nước mênh mông, chỉ có chính mình chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Bảo vệ bản thân mình trước!
Và hãy luôn nhớ một điều thôi: mỗi năm có rất nhiều cơ hội để mọi người race bơi biển, ko được lần này thì lần sau làm lại!
Cuối tuần này Giải bơi biển quốc tế The Arena Oceanman Cam Ranh Việt Nam 2023 sẽ chính thức khởi tranh, trong số 850 VĐV đã đăng ký, vẫn có những người cất công lần hai bay đến Cam Ranh thi đấu; có những người mới (được cho, tặng hoặc mua lại BIB thi đấu); và có một lượng không nhỏ VĐV không tham gia nữa, và cũng không biết khoản tiền của mình rồi có mất trắng hay không?