OCOP đánh thức khát vọng sản xuất sản phẩm chất lượng cao của nông dân Kỳ Anh
Đây là điều mà những người nông dân Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khẳng định khi họ bắt nhịp chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Biển Kỳ Xuân. Ảnh Quang Sáng
Vùng biển Kỳ Anh hiện có 4 HTX đã xây dựng thành công 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao (từ năm 2019), 2 sản phẩm đang hoàn thành các điều kiện nâng sao và 3 sản phẩm mới đang xây dựng các tiêu chí 3 sao vào cuối năm nay.
Những nữ giám đốc các HTX này đều xuất thân từ người làm nghề thu mua, chế biến thủy hải sản nhiều đời nay; qua tham gia OCOP đã thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, coi trọng phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, đánh thức mạnh mẽ khát vọng mở đường đưa sản phẩm truyền thống vươn xa.
Cuối tháng 7/2020, Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh ra mắt hoạt động. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội quán. Ảnh: Thanh Hoài
Chị Nguyễn Thị Miện - Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Kỳ Phú cho biết: “Từ 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019 là nước mắm và cá khô Đỉnh Miện, chúng tôi đang phát triển sản phẩm nước mắm lên 4 sao và xây dựng thêm sản phẩm cá mờm rim đạt OCOP 3 sao”.
Bà Trần Thị Hà - Giám đốc HTX Chế biến thủy, hải sản Trung Khang sau khi xây dựng, phát triển 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao hiện đang là Chủ nhiệm Hội quán Chế biến thủy sản Kỳ Anh với 60 thành viên là những HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tự nguyện tham gia với phương châm: “cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng”.
“Bản thân tôi đã học được cách quản trị, điều hành sản xuất, cách tiếp cận công nghệ, thị trường, từ đó vững vàng hơn trong sản xuất, kinh doanh” - bà Hà chia sẻ.
Huyện Kỳ Anh có 6 sản phẩm chế biến thủy sản được công nhận OCOP 3 sao
Tại vùng thượng Kỳ Anh, cuối năm 2019, sản phẩm cây ăn quả đầu tiên - cam Khe Xai (xã Kỳ Sơn) đã được công nhận đạt OCOP 3 sao, từ đó thúc đẩy nhiều hộ làm vườn thực hiện quy trình sản xuất VietGAP, tiến tới xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Cam Khe Xai - sản phẩm OCOP đầu tiên của vùng thượng Kỳ Anh.
Năm 2020 này, ông Lê Văn Thanh cũng ở xã Kỳ Sơn đang hoàn thiện các quy trình để đánh giá, công nhận sản phẩm cam Khe Nu - Thanh Nguyệt đạt OCOP 3 sao.
Ông Thanh chia sẻ: “Hơn 1.000 gốc cam chanh sẽ cho thu hoạch đại trà vụ đầu tiên vào cuối năm nay với tổng sản lượng bước đầu ước đạt hơn 15 tấn, doanh thu trên 500 triệu đồng. Chúng tôi đang hoàn thành các phương án, hồ sơ để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP”.
Ở địa bàn vùng giữa, sản phẩm bánh đa Kỳ Châu, Kỳ Giang đang được xây dựng cũng với mục tiêu đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2020. Bà Phan Thị Hà - Giám đốc HTX Bánh đa, bánh mướt Kỳ Châu cho hay: “Gia đình tôi nhiều đời nối nhau sống với nghề truyền thống, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện.
Tiếp cận chương trình OCOP, điều tôi tâm đắc nhất là việc đảm bảo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm - điều kiện để sản phẩm phát triển bền vững. Bên cạnh đó, từ hành trình mới này, HTX hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng công suất, quy mô, xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường”.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát cơ sở sản xuất bánh đa vừng Kỳ Anh.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, nông dân Kỳ Anh vốn mang nặng tư duy sản xuất cũ, ngại thay đổi, vì vậy, chương trình OCOP không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn nâng cao năng lực và đổi mới phong cách làm việc của những người tham gia.
Sau 2 năm triển khai chương trình, huyện Kỳ Anh đã có 11 cơ sở tham gia với 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao; hiện đang tích cực chỉ đạo 7 sản phẩm để tham gia chấm điểm năm 2020.
Chương trình đang được địa phương triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có thêm 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, từ đó góp phần khai thác mạnh mẽ hơn tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.