OCOP ở Ðiện Biên Ðông
ĐBP - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được đưa vào danh mục tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) sẽ yêu cầu mỗi xã nếu muốn hoàn thành cần có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Tại huyện Ðiện Biên Ðông, trước khi Chương trình OCOP được triển khai, một số sản phẩm đặc thù của địa phương đã được quan tâm, hướng đến là nông sản chủ lực chất lượng cao.
Người dân bản Chua Ta, xã Tìa Dình thu hoạch bí xanh. Ảnh: C.T.V
Tận dụng lợi thế sẵn có
Trong những lần có dịp vào Ðiện Biên Ðông, được thưởng thức những nông sản của địa phương, dù đơn giản là một bát canh, nắm xôi nếp... nhưng ấn tượng chung của chúng tôi là sự thơm ngon thuần khiết, đậm đà dư vị tích tụ của đất trời nơi huyện vùng cao này. Ðơn cử như quả bí xanh Tìa Dình (hay còn gọi là bí nếp Tìa Dình), đây là loại nông sản được người dân địa phương trồng phổ biến trên nương. Quả bí không quá to, khi quả già thì lên phấn, vỏ rất cứng, ngay khi bổ ra đã có hương thơm đặc trưng như mùi lúa nếp. Ðặc biệt khi chế biến, dẫu chỉ là với chút mỡ lợn cùng mắm muối, sự ngọt ngào, bùi, thơm của bát canh bí tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng với bất cứ ai. Hay như sản phẩm khoai sọ Phì Nhừ, để dễ hình dung, khoai sọ của xã Phì Nhừ được đánh giá thanh mát như đậu xanh lại mang vị thơm bùi, không kém gì khoai sọ Lệ Phố - một sản phẩm nổi tiếng châu Á, là sản vật tiến vua đời nhà Thanh (Trung Quốc)...
Trao đổi với chúng tôi về tiềm năng về nông sản và các giải pháp triển khai Chương trình OCOP của địa phương, ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Huyện có nhiều loại sản phẩm đặc trưng của từng địa bàn, có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ; lạc đỏ, nếp tan Na Son, thịt lợn sấy, gạo nếp nương hạt to, tinh dầu hương nhu... Từ lâu đã được người dân và khách vãng lai ưa thích. Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, chính quyền huyện đã triển khai các bước về: Công tác tập huấn, tuyên truyền, triển khai chương trình. Tính đến hết năm 2019, đã có 4 sản phẩm được chấm điểm 3 sao OCOP, gồm: Lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình và thịt lợn sấy. Các sản phẩm của huyện tham gia triển lãm đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của thị trường. Trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, huyện Ðiện Biên Ðông xác định tập trung vào 2 nhóm gồm, nhóm thực phẩm: Gạo nếp hạt to, gạo nếp Lào; nhóm dược liệu: Tinh dầu hương nhu, nước cất hương nhu. Ðồng thời xác định nâng cấp sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực là 32 sản phẩm hiện có (đánh giá theo tiêu chí sản phẩm có ít nhất 50% nguyên liệu địa phương, có tính độc đáo, không ảnh hưởng đến môi trường...) gồm 22 sản phẩm thực phẩm, 5 loại thảo dược, 1 sản phẩm may mặc (thổ cẩm Lào xã Mường Luân), 1 sản phẩm trong nhóm hàng lưu niệm nội thất (từ bông chít); 3 sản phẩm du lịch dịch vụ nông thôn (suối nóng Pá Vạt, xã Mường Luân; sinh thái - ẩm thực hồ Noong U; du lịch trải nghiệm chợ phiên vùng cao). Cùng với đó là các hoạt động phát triển tổ chức kinh tế, kiểm tra giám sát.
Bài toán lượng - chất
Mặc dù các giải pháp triển khai Chương trình OCOP đã được tổ chức thực hiện và có những kết quả bước đầu nhưng để mỗi sản phẩm thực sự đúng nghĩa là OCOP - đóng góp quan trọng cho kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, cả cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, các đơn vị bao tiêu sản phẩm cần có những động thái tích cực, bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Ông Giàng Tính Lồng, bản Chua Ta, xã Tìa Dình - hộ có “truyền thống” trồng bí xanh nhiều năm nay cho biết: Gia đình tôi có khoảng 1ha đất dành cho trồng bí xanh (rải rác tại các vạt nương), vụ bí được triển khai từ khoảng tháng 8 dương lịch, bí xanh Tìa Dình “xịn” cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Khi quả bí xanh Tìa Dình được biết đến ngoài địa bàn xã, tôi đã hướng trồng bí trở thành sản phẩm hàng hóa. Ðặc biệt khi bí xanh Tìa Dình được “vào” OCOP, được giới thiệu, tiêu thụ đến thị trường TP. Ðiện Biên Phủ và các địa phương ngoài tỉnh, nhiều hộ trên địa bàn đã có động thái mở rộng diện tích trồng bí nhưng theo tôi nhìn nhận, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Ðiển hình là vừa rồi đơn vị bao tiêu đã dừng mối tiêu thụ bí xanh Tìa Dình. Ngoài ra, trong những lần có dịp đến các địa phương khác, “thương hiệu “ bí xanh Tìa Dình đã bị lợi dụng, pha tạp với các loại bí trôi nổi khác trên thị trường (chất lượng kém hơn, cung ứng quanh năm chứ không cần mùa). Vì vậy, những người làm ra sản phẩm chúng tôi hiện nay rất cần chính quyền, ngành chuyên môn quan tâm các nội dung như: Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng an toàn, năng suất cao; kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định; hỗ trợ kho bãi, bảo quản; nâng cấp hạ tầng giao thông để vận chuyển sản phẩm (giao thông của xã Tìa Dình thuộc diện khó khăn nhất huyện).
Theo ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, cơ chế trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP hiện còn chưa rõ ràng. Trên địa bàn huyện hiện nay, đa số sản phẩm được xây dựng thành OCOP nhưng mang nặng tính thủ công, chưa có bao bì nhãn mác riêng, chưa xây dựng được thương hiệu, công bố chất lượng, thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp...
Việc tạo thương hiệu, lập chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ theo hướng bền vững còn vướng mắc cả ở khâu “cung” lẫn “ứng”. Về phía nguồn cung, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Người làm ra sản phẩm chưa tuân thủ chặt chẽ các giao ước với nhà phân phối, còn tình trạng “đứng núi này, trông núi nọ”, thấy giá cao hơn là “lật kèo” phá hợp đồng với đơn vị tiêu thụ. Doanh nghiệp bao tiêu cũng vì những lý do như thị trường, dịch bệnh... mà không giữ chữ tín với người sản xuất, còn có tình trạng ép giá thậm chí cắt hợp đồng như sản phẩm bí xanh Tìa Dình. Ðặc biệt, tiêu chuẩn chất lượng - yếu tố sống còn với mỗi sản phẩm OCOP cũng là một bài toán khó. Bởi khi chúng ta thưởng thức một sản phẩm ngay tại nơi làm ra chúng, mang đậm tính tự nhiên thì đương nhiên thấy hay, thấy ngon nhưng khi phát triển theo hướng hàng hóa, có sự tham gia của công nghệ để tăng năng suất, việc giữ được “chất” là điều không hề đơn giản.