OECD cảnh báo chênh lệch lớn về chi phí nhà ở tại châu Âu
Khủng hoảng nhà ở và sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối tại châu Âu, đặc biệt khi lạm phát năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.
Người dân tại các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô, đang phải chịu gánh nặng chi phí nhà ở lớn hơn nhiều so với các khu vực khác, làm gia tăng bất bình đẳng vùng miền.
Báo cáo "Tổng quan về Khu vực và Thành phố năm 2024" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sử dụng chỉ số chi phí nhà ở tính theo tỷ lệ phần trăm trên thu nhập khả dụng. Chi phí này bao gồm tiền thuê nhà, tiền thế chấp, phí bảo trì, điện nước, nhiên liệu, đồ đạc và các chi phí liên quan khác.
Trung bình, các hộ gia đình tại các khu vực OECD phải dành gần 1/5 thu nhập khả dụng cho nhà ở. Năm 2022, chênh lệch chi phí nhà ở giữa khu vực đắt đỏ nhất và rẻ nhất trong cùng một quốc gia lên đến khoảng 10 điểm phần trăm. Con số này thậm chí còn cao hơn ở một số quốc gia, điển hình như Anh (16 điểm phần trăm) và Italy (14 điểm phần trăm).
Vương quốc Anh là quốc gia có chênh lệch chi phí nhà ở lớn nhất. Trong khi người dân chi trung bình 16,1% thu nhập khả dụng cho nhà ở, thì tại vùng London, con số này lên đến 24,4%, cao hơn đến 51% so với mức trung bình cả nước. Ngược lại, khu vực phía Bắc chỉ tốn 8,7% thu nhập cho nhà ở, tiếp theo là Scotland với 11,3%.
Như vậy, giữa vùng có chi phí nhà ở đắt đỏ nhất và vùng rẻ nhất có sự chênh lệch lên đến 15,7 điểm phần trăm. Tuy có chênh lệch lớn, Anh cũng là nước có bảy khu vực có chi phí nhà ở thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Italy, nơi chi phí nhà ở chiếm trung bình 25% thu nhập khả dụng. Vùng Campania, với trung tâm là Naples, ghi nhận tỷ lệ cao nhất là 31,2%, trong khi Marche chỉ ở mức 17,1%, tạo ra khoảng cách 14,1 điểm phần trăm.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/oecd-canh-bao-chenh-lech-lon-ve-chi-phi-nha-o-tai-chau-au/359237.html