OECD: Cuộc cách mạng AI sẽ gây chấn động thị trường lao động ở các nước giàu

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đại diện cho 38 nền kinh tế giàu có, cảnh báo sự phổ cập hàng loạt của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh ở nơi làm việc sẽ kích hoạt làn sóng mất việc và các vấn đề đạo đức. Tổ chức này kêu gọi các nước thành viên cần chuẩn bị ứng phó cơn chấn động do AI tạo ra trên thị trường việc làm.

Báo cáo Triển vọng việc làm 2023 của OECD kêu gọi các nước thành viên hành động khẩn cấp để ứng phó với những tác động mà AI tạo ra trên thị trường lao động. Ảnh: OECD

Báo cáo Triển vọng việc làm 2023 của OECD kêu gọi các nước thành viên hành động khẩn cấp để ứng phó với những tác động mà AI tạo ra trên thị trường lao động. Ảnh: OECD

Trong báo cáo Triển vọng việc làm 2023 phát hành hôm 11-7, OECD cho biết, các nền kinh tế giàu có của OECD đang cận kề một cuộc cách mạng AI có thể làm thay đổi cơ bản thị trường việc làm.

Tác động mang tính đột phá của các công nghệ như ChatGPT của OpenAI có thể giúp tăng năng suất lao động và sự hài lòng trong công việc. Tuy nhiên, điều này lại xung đột với các tác động tiêu cực đến từ công nghệ này, đặc biệt là đối với các công việc có kỹ năng cao truyền thống

Theo Stefano Scarpetta, Giám đốc về việc làm, lao động và các vấn đề xã hội tại OECD, tác động của AI tạo sinh đối với thị trường lao động hiện còn ở mức hạn chế nhưng rõ ràng là tiềm năng AI thay thế con người ở nhiều vị trí công việc là rất lớn. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc giảm lương và mất việc làm.

Theo báo cáo, những công việc có rủi ro bị AI thay thế cao nhất nằm trong các lĩnh vực như tài chính, y học và luật. Đây những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, chiếm khoảng 27% tổng việc làm trên khắp các nền kinh tế thành viên OECD.

Các công việc có rủi ro cao nhất được định nghĩa là những công việc sử dụng hơn 25 trong số 100 kỹ năng mà các chuyên gia AI cho rằng có thể dễ dàng tự động hóa.

Trong khi đó, cứ 5 người lao động thì có 3 người lo sợ họ có thể mất việc vào tay AI trong 10 năm tới, theo một cuộc khảo sát của OECD hồi năm ngoái. Cuộc khảo sát được thực hiện với 5.300 người lao động tại 2.000 công ty trong các lĩnh vực từ sản xuất đến tài chính ở 7 nước thành viên của OECD. Cuộc khảo sát này được thực hiện trước khi AI tạo sinh trỗi dậy kể từ sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT hồi cuối năm 2022.

Trước đó, các nhà kinh tế khác cũng lưu ý, công nghệ AI tạo sinh có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs hồi tháng 3 nhận định, năng suất tăng nhờ áp dụng AI có thể nâng sản lượng toàn cầu lên 7% trong 10 năm. Báo cáo cảnh báo công nghệ này có thể đe dọa 300 triệu việc làm ở Mỹ và châu Âu.

Báo cáo của OECD nhấn mạnh, AI tạo ra việc làm mới và giúp tăng lương đồng thời nhiều người lao động ghi nhận công nghệ này cải thiện niềm vui trong công việc bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ nguy hiểm hoặc tẻ nhạt.

Tuy nhiên, Scarpetta cảnh báo, việc sử dụng AI sẽ “đi kèm với những thách thức đạo đức nghiêm trọng xung quanh việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, tính minh bạch, sự thành kiến và phân biệt đối xử, việc ra quyết định tự động và trách nhiệm giải trình”.

Đã có nhiều ví dụ thực tế cho thấy các công cụ tuyển dụng AI có thành kiến với phụ nữ, người khuyết tật và các nhóm dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc quản lý công việc theo thuật toán cũng có thể làm tăng cường độ và mức độ căng thẳng của công việc do phải giám sát liên tục và toàn diện cũng như đánh giá hiệu suất dựa trên dữ liệu.

OECD cho rằng “cần phải hành động khẩn cấp” để đảm bảo lợi ích của AI sẽ không bị các rủi ro lấn át và kêu gọi các nước thành viên phối hợp tránh “cuộc đua xuống đáy”.

“Rốt cục, AI sẽ tác động như thế nào đến người lao động tại nơi làm việc và liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không sẽ phụ thuộc vào các hành động chính sách mà chúng ta thực hiện. Các chính phủ phải giúp người lao động chuẩn bị cho những thay đổi và hưởng lợi từ những cơ hội mà AI sẽ mang lại”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu tại một cuộc họp báo.

Tại Liên minh châu Âu (EU), tập đoàn Siemens của Đức và Airbus của Pháp đang phản đối các đề xuất quản lý AI quá hà khắc của Brussels. Doanh nghiệp cho rằng, nỗ lực kiểm soát AI quá chặt chẽ có nguy cơ gây tổn hại cho khả năng cạnh tranh.

Theo Financial Times, Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/oecd-cuoc-cach-mang-ai-se-gay-chan-dong-thi-truong-lao-dong-o-cac-nuoc-giau/