OECD mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam

Chiều 27/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhân dịp tham dự Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á và các hoạt động trong khuôn khổ Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD năm 2023 được tổ chức lần thứ hai liên tiếp tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ vui mừng gặp lại ngài Tổng Thư ký, cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của OECD với Việt Nam trong việc đảm nhiệm vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á, nhất là đóng góp vào thành công của Diễn đàn Bộ trưởng OECD_Đông Nam Á và Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD vừa diễn ra từ ngày 26-27/10.

Thủ tướng hoan nghênh OECD thông qua Khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương_Thái Bình Dương (tháng 6/2023), mong muốn OECD và cá nhân Tổng Thư ký tiếp tục quan tâm, ủng hộ, dành các nguồn lực để đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ cho khu vực.

Đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả hơn Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam, nhấn mạnh các ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, gồm thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; củng cố các động lực tăng trưởng quan trọng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, kinh tế tri thức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann tại buổi tiếp. Ảnh: TTXV

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann tại buổi tiếp. Ảnh: TTXV

Thủ tướng đề nghị OECD giúp Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư chất lượng cao để vừa giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, vừa bảo đảm lợi ích nhà đầu tư và vừa thích ứng hiệu quả với việc áp dụng các quy chuẩn mới, đặc biệt là thuế tối thiểu toàn cầu.

Thủ tướng cũng kêu gọi OECD hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thị trường carbon, các quy chuẩn xanh, ít phát thải, đổi mới sáng tạo… Đây là các lĩnh vực hợp tác phù hợp với thế mạnh của OECD mà Việt Nam hiện có nhu cầu và ưu tiên thúc đẩy.

Tổng Thư ký cảm ơn tình cảm tốt đẹp của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao vai trò chủ chốt của Việt Nam trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP, đặc biệt là sáng kiến tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á. Tổng Thư ký hoan nghênh chủ đề sâu sắc, cấp thiết của Diễn đàn năm nay "Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á", đã phản ánh đúng quan tâm và thu hút sự tham gia của nhiều cấp Bộ trưởng các nước.

Tổng Thư ký ấn tượng trước thành quả phát triển của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đầu tư toàn cầu sụt giảm, đầu tư vào Việt Nam liên tục tăng. Tổng Thư ký cho rằng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều biến đổi, Việt Nam còn nhiều dư địa để thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Tổng Thư ký tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đối với OECD, mong muốn nâng tầm quan hệ Việt Nam_OECD và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

● Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma (Nhật Bản) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của ngài Thống đốc đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đoàn của ngài Thống đốc là đoàn lãnh đạo địa phương Nhật Bản thứ 11 sang thăm Việt Nam trong năm 2023, là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của hợp tác địa phương hai nước.

Thủ tướng và Thống đốc chia sẻ đánh giá về quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện, ngày càng sâu sắc và thực chất với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác số một về ODA, đối tác số 2 về lao động, đối tác số 3 về đầu tư và du lịch, đối tác số 4 về thương mại.

Các hoạt động giao lưu, hợp tác địa phương diễn ra sôi nổi, ngày càng sâu sắc. Đến nay, khoảng 100 cặp quan hệ cấp địa phương Việt - Nhật đã được thiết lập. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản hiện đạt gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, từ đầu năm 2023 đến nay, hai bên đã có nhiều đoàn các cấp thăm lẫn nhau, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm quy mô, có ý nghĩa, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác và làm sâu sắc tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết giữa người dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước, coi đây là kênh hợp tác thực chất và hiệu quả để tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân…, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, hiệu quả.

Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, sáng kiến của Thống đốc, chính quyền tỉnh Gunma trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, trong đó có việc tổ chức Tết Việt Nam, lễ hội Việt Nam tại Gunma, giao lưu dàn nhạc giao hưởng, triển khai Bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan của Việt Nam, có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng gần 12.000 người Việt Nam sinh sống thuận lợi tại tỉnh, tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Gunma và ngài Thống đốc tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy các hoạt động giao lưu đoàn, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch giữa tỉnh Gunma và Việt Nam, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, lễ hội tại tỉnh cũng như tại Việt Nam; tăng cường quan hệ hợp tác với địa phương Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam trong các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ… Tỉnh Gunma mở rộng thị trường với các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, nhất là nông sản, trái cây mùa vụ; tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, nâng cao kỹ năng nghề, mở rộng tiếp nhận thực tập sinh và lao động Việt Nam. Đồng thời, Thống đốc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh.

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Gunma với các địa phương Việt Nam, kêu gọi doanh nghiệp của tỉnh đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng ổn định, thông thoáng, lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng chiến lược… để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khẳng định tình cảm, ấn tượng tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam, Thống đốc Yamamoto Ichitacho biết, mỗi lần tới Việt Nam đều cảm thấy rất ấm áp. Thông qua chuyến thăm lần này, Thống đốc mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực với Việt Nam. Đoàn 29 doanh nghiệp sang thăm Việt Nam lần này đều đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, một thị trường rất tiềm năng. Các doanh nghiệp này dự kiến đầu tư 7,7 tỷ yên vào Việt Nam thời gian tới.

Ông Yamamoto Ichita cho biết, những năm tới, sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh sang Việt Nam đầu tư cũng như mong muốn đón các doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác tại Gunma, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Gunma tiếp nhận nhiều hơn thực tập sinh, lao động Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng; tiếp tục đẩy mạnh giao lưu văn hóa, tổ chức các lễ hội Việt Nam tại địa phương…

Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục góp phần vào các hoạt động hợp tác giữa tỉnh với phía Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã có ý kiến. Tỉnh Gunma nằm ở vị trí trung tâm Nhật Bản, gần Thủ đô Tokyo, dân số khoảng 2 triệu người, GDP năm 2021 đạt khoảng 81 tỷ USD. 12 doanh nghiệp tỉnh đã đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như nhựa, thiết bị vận tải… Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh khoảng 12.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh.

Hà Văn – Phạm Tiếp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/oecd-mong-muon-nang-tam-quan-he-voi-viet-nam-i711947/