Off-road không chỉ của các tay chơi xe địa hình, nhưng nếu ngẫu hứng, dễ gánh rủi ro
Off-road không chỉ dành cho các tay chơi xe địa hình hay chuyên gia. Với sự chuẩn bị tốt và một khóa huấn luyện chính quy, các tay lái đã có thể lái đường địa hình.
“Chúng tôi đã từng đi ô tô vượt quãng đường 15 km trong 72 giờ, thậm chí là chậm hơn đi bộ bởi tình huống bất ngờ khi ở trong một thung lũng mà ban đêm trời mưa to khiến đường biến dạng và tối trước đã ăn hết đồ ăn mang theo vì nghĩ mai quay lại đường cũ nhanh như chớp".
“Có lần tôi để chai nước ở hộc giữa hai ghế lái, nhưng đúng lúc lên dốc cao, chai nước đã bị rơi ra, lăn vào đúng vị trí chân ga, khiến không thể đạp nổi ga và xe bị trượt lùi xuống dốc. Rất may là không có tai nạn xảy ra”.
“Có lần đoàn xe chúng tôi quyết định vượt ngầm với độ dài chỉ đôi trăm mét. Điều không ngờ tới là đá dưới suối rất trơn, khiến có một chiếc xe khi đạp ga mạnh lúc lên bờ đã bị đá trơn khiến bánh lật ra và trôi xe. Rất may mắn là sau đó vượt ngay lên bờ được, nhưng có những tình huống tương tự mà đúng lúc nước siết là xe có thể bị trôi đi xa luôn”...
Kể những câu chuyện mà chính mình gặp phải trong những chuyến dã ngoại ngẫu hứng, mang tính khám phá, điều mà ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB ô tô địa hình Hà Nội muốn truyền tải tới những người tham gia Chương trình Hướng dẫn lái xe an toàn với phiên bản Kỹ năng lái xe đường địa hình - 4 x 4 Ford Driving Skills For Life lần đầu tiên tại Việt Nam chính là cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình của mình.
Trên thực tế, khi ô tô cá nhân ngày càng phổ biến tại Việt Nam, việc khám phá, chinh phục các cung đường mới mẻ cũng được rất nhiều người rất xem là thú vị và muốn thử sức. Thậm chí, nhiều chuyến đi chơi thông thường đã chuyển thành phiêu lưu bất ngờ khi người cầm lái quyết định thử một lối đi mới, nhất là với những người sử dụng xe bán tải hoặc SUV - vốn có nhiều ưu thế trong việc đi nhiều địa hình.
Tuy nhiên điều được ông Hùng đặc biệt lưu ý với một chuyến đi địa hình thì mục tiêu là đến đích an toàn chứ không phải là cuộc thi kỹ năng off-road. Bởi vậy, cũng có những quy tắc an toàn khi lái xe địa hình được đưa ra.
Theo ông Hùng, một chiếc xe bán tải hay SUV luôn có khả năng làm được nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Ngoài ra, việc off-road không chỉ dành cho các tay chơi xe địa hình hay các chuyên gia. Với sự chuẩn bị tốt và một khóa huấn luyện chính quy, các bạn đều có thể lái đường địa hình.
Hướng dẫn lái xe đường địa hình được Ford Việt Nam tổ chức ngày 25-26/2 và 4-5/3 tại Hà Nội rồi tiếp sau đó là TP. HCM và các địa phương khác là một chương trình bài bản kết hợp lý thuyết và thực hành, hướng dẫn những kỹ năng vượt qua các loại địa hình phổ biến trong thực tế như lên xuống dốc cao, bùn lầy, sỏi đá, hố sâu, vách nghiêng…
Những kỹ năng lái an toàn vượt địa hình cùng với những kiến thức cần thiết về chiếc xe ô tô của mình sẽ giúp các học viên tự tin vượt qua các cung đường khó một cách an toàn, thỏa mãn phong cách sống đam mê khám phá và trải nghiệm.
Có mặt tại sự kiện, ông Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông Bộ Công an đã hoan nghênh tinh thần luôn đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo để phù hợp thực tế giao thông Việt Nam. Chương trình Chia sẻ Kỹ năng Lái xe đường Địa hình an toàn của Ford Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu, là sự bổ sung kịp thời mảng kiến thức lái xe an toàn đường offroad cho các lái xe.
Trong 15 năm qua, chương trình Hướng dẫn Lái xe an toàn và thân thiện với môi trường đã đào tạo cho hơn 16.500 học viên tại Việt Nam và hàng triệu lượt xem các bài giảng online.
Với phiên bản Kỹ năng lái xe đường địa hình, Ford Việt Nam đặt mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức tới khoảng 800 học viên tại Hà Nội và Sài Gòn trong nửa đầu năm 2023 và tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tiếp theo.
Theo các chuyên gia, chìa khóa để lái xe an toàn trên mọi địa hình được các tay lái off-road chuyên nghiệp cho là phải “hiểu chiếc xe của bạn và biết nó có thể làm những gì”. Đồng thời phải ghi nhớ một vài chỉ số cơ bản của xe, kích thước, cấu tạo gầm, hay các tính năng công nghệ trên xe.
Để chuẩn bị cho chuyến đi mang hơi hướng địa hình thì cũng cần phải rõ tình trạng xe tốt, bảo dưỡng đầy đủ; trang phục giày dép phù hợp; mang đủ nước sinh hoạt/thanh năng lượng cùng các thiết bị ánh sáng, thiết bị liên lạc và sạc.
Ngay cả thiết bị liên lạc này cũng không chỉ có điện thoại di động bởi có nhiều vùng phải đi mất 3-4 km mới có sóng điện thoại để gọi trợ giúp.
Kèm theo đó là phải chuẩn bị dụng cụ đào bới neo kích chằng buộc; lốp và dụng cụ dự phòng; thực phẩm, dụng cụ y tế.
Cũng có 4 việc đơn giản không thể quên khi quyết định thực hiện một chuyến đi off-road chính là kiểm tra địa hình của khu vực sẽ đến và lên kế hoạch. Có thể xem trước bản đồ địa chất qua chế độ Google Maps Earth.
Tiếp đó là kiểm tra thời tiết hiện tại và thời tiết gần đây. Sau đó là đảm bảo cả 5 lốp xe của bạn đã bơm căng đúng cách. Cố định các đồ vật trong xe , không để giá nóc quá cao, quá tải. 4. Ngồi thẳng lên, chỉnh vị trí ghế vô lăng cho đúng và đeo dây an toàn trước khi vào đường off - road
Cạnh đó các tay lái địa hình có thâm niên cũng đưa ra các quy tắc an toàn cơ bản.
Đối với việc lái xe địa hình, điều được khuyến cáo là lái xe càng chậm càng tốt và nhanh nhất khi cần thiết. Luôn giữ cả hai tay trên vô lăng, kể cả khi lùi và đừng móc ngón tay hay thọc cổ tay vào trong vô lăng.
Nguyên do, trong quá trình lái xe địa hình có thể gặp phải tình huống phản lực, khiến vô lăng quay tít không theo sự điều khiển của tài xế. Khi đó nếu móc ngón tay hay thọc tay vào vô lăng có thể rút tay ra không kịp, gây chấn thương ngoài mong đợi.
Đối với những tình huống lên dốc mà chưa rõ sau dốc là gì thì nên ra khỏi xe và kiểm tra địa hình thực vì rất có thể sau dốc là vực, lúc đó chân ga của xe đang khá lớn và nếu không kiểm soát được có thể gây nguy hiểm.
Khi ra khỏi đường địa hình, tài xe nên dừng lại và kiểm tra bất kỳ yếu tố thiệt hại nào. Luôn kiểm tra lại khả năng vận hành của phanh, trục lái. Kiểm tra lốp trước tiên, rồi đèn và biển số xe; bơm lại lốp nếu cần; dọn sạch cỏ, bùn, vật bám dưới gầm máy hay các vị trí dẫn động.
Các chuyên gia cũng lưu ý, trong các địa hình thì xuống nước là khó nhất và nguyên tắc chung là đừng lái xe xuống nước, trừ khi bạn thực sự phải làm vậy.
Ở trong tình huống này phải quan sát và ước tính mực nước sâu đến đâu và so sánh với khả năng lội nước được công bố của các xe 4 bánh chủ động (4x4).
Ngoài ra khi lội nước hãy giữ nguyên ga, chọn số thấp và đi thật chậm. Cố gắng không phanh dừng tăng giảm ga hay chuyển hướng liên tục. Khi lội qua vùng nước rủi ro lớn, hãy gắn trước móc kéo ở xe; hạ bớt cửa kính trước khi di chuyển nhằm đề phòng trường hợp cần trợ giúp giữa chừng. Đặc biệt đừng vượt qua những con suối sâu, chảy siết và luôn ưu tiên lái xe an toàn. Theo nguyên tắc chung, đừng lái xe xuống nước trừ khi bạn thực sự phải làm vậy.
Một số khuyến cáo được đưa ra cho quá trình lái xe trên các địa hình khác nhau: