Ofilm từng mất 2/3 giá trị khi bị Apple đoạn tuyệt, nay trở thành nhà cung cấp cho Huawei
Ofilm Group, công ty Trung Quốc sản xuất máy ảnh smartphone, bị Apple loại khỏi chuỗi cung ứng sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại năm 2020. Nay, Ofilm Group đã tìm được hợp đồng mới với tư cách là nhà cung cấp cho Huawei.
Theo phương tiện truyền thông địa phương, Ofilm Group (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đang cung cấp phần lớn mô-đun máy ảnh được sử dụng trong dòng smartphone Mate 60 mới nhất của Huawei.
Cai Rongjun, người sáng lập và Chủ tịch Ofilm Group, nói rằng công ty đang “sống kiên cường” giữa những thách thức.
Ofilm Group không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận hôm 13.10.
Dù chưa công khai xác nhận các thỏa thuận với Huawei nhưng Ofilm Group nói với các nhà đầu tư vào tháng 9 rằng đã đạt được những đột phá về công nghệ trong lĩnh vực máy ảnh cao cấp. Ofilm Group cũng cho biết các sản phẩm của họ, bao gồm ống kính tele, macro và góc cực rộng, đã được các nhà sản xuất smartphone chính thống Trung Quốc sử dụng.
Các thông tin về hợp đồng của Ofilm Group với Huawei, một trong những thương hiệu smartphone nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã giúp cổ phiếu công ty (niêm yết tại Thâm Quyến) tăng vọt trong hai tuần qua. Cổ phiếu Ofilm Group chốt phiên 13.10 ở mức 10,30 nhân dân tệ, tăng gần 70% so với ngày 28.9.
Các nhà cung cấp của Huawei đã được hưởng lợi từ việc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này bất ngờ ra mắt smartphone Mate 60 Pro hỗ trợ 5G vào cuối tháng 8, chứa bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s, bất chấp các lệnh trừng phạt thương mại cứng rắn từ Mỹ.
Việc tháo rời Mate 60 Pro của bên thứ ba đã chỉ ra rằng SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc), công ty khác bị Mỹ trừng phạt, đứng đằng sau chip Kirin 9000s “đột phá”.
Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ tháng 5.2019, hạn chế hầu hết các nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho công ty này trừ khi được cấp giấy phép. Các quan chức Mỹ đã tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát để cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp sức mạnh cho hầu hết các sản phẩm của Huawei.
Trong khi SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 12.2020 vì lo ngại công ty này có thể chuyển hướng công nghệ tiên tiến sang người dùng quân sự.
Theo bản tin hồi tháng trước của tờ Securities Daily (Trung Quốc), do được khuyến khích bởi nhu cầu mạnh mẽ với dòng Mate 60, Huawei đã nâng mục tiêu xuất xưởng smartphone của mình trong nửa cuối năm lên 20%.
Các đơn đặt hàng từ Huawei sẽ mang lại hoạt động kinh doanh rất cần thiết cho Ofilm Group, công ty đã có thời điểm mất hơn 2/3 giá trị thị trường. Ngay sau khi chính phủ Mỹ đưa Ofilm Group vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) vào tháng 6.2022, công ty Trung Quốc này phải vật lộn để phục hồi sau khi mất khách hàng lớn nhất là Apple, báo cáo khoản lỗ ngày càng lớn lên tới 5,18 tỉ nhân dân tệ (708 triệu USD) vào năm ngoái.
Từng bị Mỹ cáo buộc đưa người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đến làm việc tại các nhà máy của mình, Ofilm Group là ví dụ điển hình cho thấy căng thẳng địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể hủy hoại cơ hội phát triển của một công ty như thế nào.
Sau khi là nhà cung cấp của Apple vào năm 2017, Ofilm Group nhanh chóng trở thành ngôi sao trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cổ phiếu tăng hơn 11 lần so với mức giá ra mắt 7 năm trước đó.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, từng đến thăm nhà máy sản xuất máy ảnh của Ofilm Group cùng năm 2017 và viết trên trang mạng xã hội Weibo rằng ông đã nhìn thấy những điều “đáng chú ý” ở đó.
Thế nhưng, vị thế Ofilm Group bắt đầu sụp đổ sau khi Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 7.2020 đưa Nanchang Ofilm Tech, một trong những nhà máy chính của Ofilm Group, vào danh sách đen thương mại cùng với 10 thực thể Trung Quốc khác. Tháng 3.2021, Apple đã loại Ofilm Group khỏi danh sách nhà cung cấp của mình.
Sản xuất smartphone ở Trung Quốc sụt giảm trong 8 tháng đầu năm nay, nhưng các nhà phân tích kỳ vọng việc Huawei bán ra dòng smartphone 5G mới sẽ giúp phục hồi thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp này.
Theo dữ liệu do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc vừa công bố, cả nước này đã sản xuất 679 triệu smartphone từ tháng 1 đến tháng 8.2023, giảm 7,5% so với cùng kỳ 2022.
Doanh số bán smartphone ở Trung Quốc cũng chậm lại. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, tổng số lượng smartphone được bán ra trong 8 tháng đầu năm 2023 đã giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Trong quý 2/2023, việc mua sắm smartphone tại Trung Quốc đã ghi nhận doanh số bán hàng thấp nhất kể từ năm 2014 do những khó khăn kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Counterpoint cho biết thông tin này trong báo cáo công bố vào tháng 7. Điều đó cho thấy doanh số bán smartphone trong lễ hội mua sắm 618 của Trung Quốc vào tháng 6 có “hiệu suất tương đối yếu”.
Hoạt động chậm chạp của thị trường smartphone lớn nhất thế giới phản ánh tâm lý người tiêu dùng thấp thỏm trong bối cảnh kinh tế nước này sau đại dịch đang phục hồi khó khăn, vốn với áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở giới trẻ và niềm tin yếu ớt vào khu vực tư nhân.
Triển vọng của thị trường trong thời gian còn lại trong năm 2023 có thể cải thiện nhờ sự ra mắt các smartphone mới do Huawei và Apple phát hành, cũng như mùa bán hàng mùa đông sắp tới, theo Ivan Lam, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Counterpoint.
Ivan Lam cho biết dòng Huawei Mate 60 đã “mang lại niềm tin lớn” cho thị trường smartphone Trung Quốc. Counterpoint ước tính doanh số bán các smartphone 5G mới nhất của Huawei sẽ đạt từ 5 đến 6 triệu chiếc tính đến cuối năm nay.
Theo Ivan Lam, dự báo lạc quan đó xuất phát từ lượng lớn người dùng HarmonyOS trong nước của Huawei, đề cập đến hệ điều hành di động thay thế Android. Ivan Lam nói thêm rằng các smartphone 5G mới của Huawei dự kiến sẽ không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn cả những người dùng cũ chuyển sang các thương hiệu smartphone khác trong vài năm qua.
Theo Ivan Lam, trong 8 tháng đầu năm nay, doanh số bán smartphone của Huawei đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông nói: “Huawei đã phục hồi thành công sau chuỗi cung ứng căng thẳng và đã trở lại nhịp độ bình thường cho việc ra mắt sản phẩm”.
Vào cuối tháng 8, Huawei gây bất ngờ cho ngành công nghiệp smartphone khi thực hiện chiến dịch bán trước khiêm tốn chiếc Mate 60 Pro. Khoảng một tuần sau đó, một quy trình bán trước trực tuyến khác được thực hiện một cách lặng lẽ với smartphone Mate 60 Pro+ hàng đầu của Huawei.
Trước dòng Mate 60 Pro, dòng Mate 40 ra mắt vào tháng 10.2020. Đây là dòng smartphone 5G gần nhất trước đó do Huawei sản xuất.
Tất cả smartphone 5G mới của Huawei, gồm cả mẫu màn hình gập Mate X5 mới ra mắt, đều được trang bị bộ vi xử lý Kirin 9000s. Thông tin chi tiết về chip được công ty tư nhân này giữ bí mật.