Ôi, những mảnh đất, những ngôi nhà... trên giấy
Đọc thông tin về những khách hàng khóc hết nước mắt sau khi chứng kiến lãnh đạo công ty địa ốc Alibaba bị bắt, trong lòng tôi có rất nhiều cảm xúc hỗn hợp, vừa thương xót, vừa trách móc, vừa phẫn nộ, vừa tự hỏi tại sao họ lại có thể ngây thơ, dễ dàng tin người đến như thế...
Thưa Tòa soạn!
Đọc thông tin về những khách hàng khóc hết nước mắt sau khi chứng kiến lãnh đạo công ty địa ốc Alibaba bị bắt, trong lòng tôi có rất nhiều cảm xúc hỗn hợp, vừa thương xót, vừa trách móc, vừa phẫn nộ, vừa tự hỏi tại sao họ lại có thể ngây thơ, dễ dàng tin người đến như thế?
Ví dụ, một khách hàng mua một dự án của Alibaba ở Đồng Nai và anh kể rằng trên hợp đồng ghi rõ là đất thổ cư nhưng khi mang hợp đồng đến các cơ quan chức năng thì mới tá hỏa đấy là đất trồng cây xanh, không hề được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tôi vừa thương anh đã bị lừa đảo nhưng vừa tự hỏi: tại sao anh không tìm hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng từ trước khi ký hợp đồng?
Cũng như thế, một khách hàng bảo, khi mua đất của Alibaba, ông được nhân viên của công ty này quảng cáo đấy là đất của công ty nhưng đứng tên cá nhân, sau này khi thấy xuất hiện nhiều dư luận bất thường, tìm hiểu thì mới vỡ lẽ Alibaba không hề đứng tên đất ở vị trí các dự án này. Trời đất ơi, sao phải đợi tới khi có dư luận bất thường mới bỏ công đi tìm hiểu. Tiền của mình bỏ ra thì trước khi bỏ ra phải tìm hiểu kỹ lưỡng, tường tận mới phải chứ!
Thưa Tòa soạn, theo suy nghĩ của tôi thì nguồn gốc của mọi vấn đề nằm ở mức lãi suất 28%/năm mà Alibaba quảng cáo. Tôi nhớ nguyên văn lời quảng cáo của họ: Giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản với cam kết lợi nhuận tối thiểu 28%/năm.
Chưa có khách hàng nào thua lỗ khi đầu tư tại Địa ốc Alibaba. Thực tế thì đã có nhiều khách hàng nhận mức lãi suất này và theo suy nghĩ của tôi thì cứ như thế, người sau làm theo người trước để có được khoản lãi suất tối thiểu 28%.
Cái khoản lãi suất rất cao ấy rất có thể đã che mờ mắt họ, khiến họ không chịu tìm hiểu bản chất thực sự của dự án mình đầu tư. Theo tôi không cần phải có chức tước hay có quan hệ phức tạp gì, bất cứ một người bình thường nào cũng có thể dễ dàng tìm hiểu xem một mảnh đất mình mua là đất thổ canh hay đất thổ cư.
Thế mà không chịu tìm hiểu, cứ dễ dàng ném tiền vào Alibaba, tin vào khoản lãi suất 28% mà nhiều người trước mình đã nhận được, đấy rõ ràng là một hành động đầu tư thiếu hiểu biết. Để rồi đến khi Alibaba lộ nguyên hình là một kẻ lừa đảo, các cơ quan chức năng vào cuộc thì lúc ấy tất cả mới tá hỏa với hành động ném tiền đầu tư thiếu hiểu biết của mình.
Nghe đâu ngay cả khi những người đứng đầu bị bắt thì những nhân viên của Alibaba vẫn đang hứa hẹn là trong trường hợp xấu nhất vẫn sẽ hoàn trả lại tiền cho người mua. Liệu có tin được không? Có tin được không khi họ đã nhẫn tâm lừa đảo người mua một cách trắng trợn đến như thế?
Thưa Tòa soạn báo, thật lòng thì gia đình tôi cũng từng được dụ dỗ đầu tư vào những dự án bất động sản với những lời quảng cáo sáng choang, nào là nó sẽ trở thành một dự án sinh lãi, nào là chỉ trong vài năm tới nó sẽ được nằm trong một khu vực rất hiện đại... nhưng tôi không bao giờ tin vào những điều đó cả.
Tôi nghĩ đơn giản thế này: khi bỏ đồng tiền ra mua, dù chỉ là một mớ rau, một con cá, chứ đừng nói gì đến một mảnh đất thì nhất định phải tìm hiểu kỹ càng xem mớ rau đó, con cá đó, mảnh đất đó là thật hay ảo? Người bán mớ rau đó, con cá đó, mảnh đất đó có đáng tin không? Và khi người ta càng quảng cáo một mớ rau/một con cá/một mảnh đất bằng những mĩ từ sáng choang và những hiệu quả tài chính hấp dẫn thì càng phải nghi ngờ: liệu nó có phải là một cạm bẫy không?
Tôi chia sẻ tất cả những suy nghĩ này không phải để trách cứ ai, cũng chẳng phải để vỗ ngực tự khen mình. Tôi chia sẻ những điều này là để nói rằng, việc đầu tư, nhận lãi suất, thậm chí để hy vọng làm giàu là một hành động rất chính đáng của mỗi chúng ta. Nhưng trước và trong suốt quá trình đầu tư đó, đừng để bất cứ một yếu tố nào, một lời rao giảng nào khiến mình mờ mắt. Cá nhân tôi nghĩ, phải giữ được một thái độ rõ ràng như vậy thì mới không biến mình thành con mồi cho những kẻ lừa đảo cao tay.
Không biết suy nghĩ của tôi có đúng không? Rất mong nhận được câu trả lời từ Tòa soạn. Tôi xin cảm ơn Tòa soạn! Nguyễn Bá Long (Thành phố Hồ Chí Minh)
Kính gửi độc giả Nguyễn Bá Long!
Vụ việc của Alibaba đúng là khiến chúng ta phải bàng hoàng ở nhiều góc độ, mà một trong những góc độ đó đã được độc giả chỉ ra: tại sao lại có nhiều người bị lừa dễ dàng đến thế? Theo kết quả điều tra mới nhất thì Alibaba đã thu mua một số lượng lên tới 600 ha đất nông nghiệp, giao cho các cá nhân đứng tên và chỉ cần thế đã vẽ ra cả thảy 40 dự án ma tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Sở dĩ báo chí gọi đấy là "dự án ma" là bởi chúng chưa được làm thủ tục pháp lý, chưa được phê duyệt và cấp phép. Thế mà Alibaba dám ngang nhiên rao bán với miếng mồi là mức lãi suất tối thiểu 28%/năm như độc giả đã nói và hậu quả là tính đến ngày 30-6-2019, công ty địa ốc này đã ký được hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ. 6.700 khách hàng đã bị lừa, thu 2.500 tỉ đồng một cách bất chính - thật là một con số khủng khiếp, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng.
Thưa độc giả, theo chúng tôi, nếu nhìn lướt qua thì cái cách Alibaba hoạt động cũng giống như một công ty đa cấp. Tức là sau khi bán cho khách hàng thì họ sẽ thuê lại đất với giá thuê 2% tháng. Còn sau đó, nếu khách hàng muốn bán lại, họ sẽ mua lại với giá chênh lệch 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng. Và sau đó họ lại bán lần 2 với lãi suất cao hơn và lại bán lần 3 với lãi suất cao hơn nữa...
Cứ như thế, đồng tiền sẽ được xoay vòng và sinh sôi, khách hàng sẽ có lãi và công ty này cũng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ. Như vậy, theo chúng tôi, phần lớn người mua đất của Alibaba cũng hiểu rõ vấn đề và xác định ngay từ đầu là không phải mua để mong một ngày đến ở mà mua để cho thuê lại/hoặc bán lại, để từ đó kiếm lời.
Cách mua và cách bán ấy, như chúng tôi vừa nói là rất giống với mô hình kinh doanh đa cấp. Nhưng về bản chất thì nó lại không phải đa cấp. Lý do là: ở đây, Alibaba đã rao bán một cách sai pháp luật. Bán đất "thổ canh" mà lại bảo đất "thổ cư" là sai pháp luật. Bán cái mình không trực tiếp đứng tên mà nhờ những cá nhân khác đứng tên là sai pháp luật.
Từ vụ mua bán sai luật mà có thể nói trắng ra là "siêu lừa đảo" này, chúng tôi nhớ lại những vụ mua - bán sai trái khác từng xảy ra trong quá khứ mà điển hình nhất là câu chuyện của cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga (Cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn xây dựng nhà - Housing Group).
Câu chuyện bắt đầu từ việc bà Châu Thị Thu Nga đã liên kết với ông Nguyễn Văn Tuẫn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển nhà) để thực hiện dự án xây dựng một khu chung cư và biệt thự nhà vườn ở một khu đất rộng 22.000m2 tại Cầu Diễn - Hà Nội.
Thời điểm họ bắt tay thực hiện dự án này là năm 2008 nhưng 2 năm sau, tức 2010, thành phố Hà Nội vẫn không cấp phép xây dựng như những gì họ hy vọng. Thế mà ngay từ năm 2009, bà Nga vẫn chỉ đạo thuộc cấp rao bán những "căn hộ trên giấy", thu đến 380 tỷ đồng của 726 khách hàng.
Trong câu chuyện này chúng ta thấy rằng 726 khách hàng mua nhà trên giấy mà không hề biết cái giấy ấy sai pháp luật. Hoặc giả họ có biết nhưng nhờ những lời đảm bảo phía sau nào đó mà họ tin rằng dự án trước sau cũng được thông qua, nên đây chỉ là một bước trung chuyển mà thôi.
Câu chuyện "bán nhà trên giấy" của bà Châu Thị Thu Nga có tính chất rất khác so với câu chuyện "bán đất trên giấy" của Alibaba nhưng nó khiến chúng ta phải suy nghĩ ở chỗ: vì sao những mảnh giấy sai pháp luật ấy lại có sức hấp dẫn đến như thế? Vì sao những mảnh giấy sai pháp luật ấy vẫn có thể dễ dàng lừa người mua đến thế?
Ở góc độ của mình, thật sự chúng tôi không dám phê phán những người bỏ tiền ra mua vì chúng tôi hiểu bất luận với mục đích mua để sở hữu nhà đất hay mua vì hấp lực của những khoản lãi suất lên tới 28% mà Alibaba quảng cáo thì nó cũng là những động cơ hoàn toàn trong sáng và chính đáng. Nhưng chúng tôi đồng ý với độc giả ở góc độ: Sau hàng loạt bài học đau xót này, rõ ràng người mua cần phải cẩn trọng hơn trong những phi vụ mua bán tương tự.
Và chúng tôi cũng đặt thêm ra một câu hỏi để độc giả cùng suy ngẫm: Tại sao có những bài học mà chúng ta học mãi không thuộc vậy? Nó không chỉ là bài học đến từ phía những người mua, đương nhiên, càng không đến từ phía người bán - những kẻ lừa đảo. Mà nó đến từ những cơ quan quản lý địa phương: tại sao hết lần này đến lần khác lại để cho những kẻ lừa đảo qua mặt mình trong một thời gian dài đến thế?
Xin chân thành cảm ơn độc giả!
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/oi-nhung-manh-dat-nhung-ngoi-nha-tren-giay-564904/