Ðội phản ứng nhanh áo blouse trắng
Lần đầu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thành lập đội phản ứng nhanh (PƯN) gồm các y sĩ, bác sĩ thuộc nhiều khoa như Khoa Bệnh nhiệt đới, Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng… Tất cả đều đồng lòng, đồng sức đi đến bất cứ nơi đâu để cứu chữa, điều trị bệnh nhân (BN) mắc COVID-19.
Tính đến nay, đội bác sĩ PƯN của BV Chợ Rẫy đã đến hỗ trợ công tác y tế cho hai địa phương là Bình Thuận và Tây Ninh. Ðội gồm 14 thành viên chia làm hai nhóm, phần lớn là nam. Chỉ có Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Võ Ngọc Anh Thơ là nữ. Chị tâm sự: "Do đội cần một bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm điều trị Covid-19, mà tôi là một trong những người trực tiếp điều trị cho hai cha con BN người Trung Quốc dương tính Covid-19 thành công cho nên tình nguyện tham gia". Nhớ lại chuyến đi đầu tiên của đội đến hỗ trợ tỉnh Bình Thuận hồi giữa tháng 3, khi nơi này bùng phát dịch với nhiều người mắc Covid-19, BS Anh Thơ kể: Hôm ấy vừa xong ca trực, đang đưa con đi nhà sách thì nhận được lệnh điều động đi Bình Thuận ngay trong đêm. "Chỉ kịp hôn vội cô con gái vừa tròn tám tuổi, tôi xách ba-lô lên đường ngay. Suốt hành trình, anh em trong đội đều có chung lo lắng cho BN nơi ấy, không biết họ có bị suy hô hấp hay có vấn đề gì nguy hiểm không. Một nỗi lo lớn hơn nữa là chúng tôi đoán định được dịch Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh. Do đó, mọi người thống nhất làm việc nhanh nhất, hiệu quả và an toàn nhất để còn về hỗ trợ thành phố". Còn BS trẻ Nguyễn Trọng Phương (29 tuổi), công tác tại Khoa Cấp cứu chia sẻ: "Nhận được lệnh, tôi không kịp gặp vợ mà chỉ nhắn qua điện thoại rồi ngay lập tức xách ba-lô lên và đi. Ðội thường lên đường lúc tối muộn, đi xuyên đêm để có mặt ở nơi cần hỗ trợ sớm nhất có thể. Khi đến nơi là bắt tay vào việc luôn". Những ngày điều trị cho BN Covid-19, các y sĩ, bác sĩ đều làm việc quên ăn, quên ngủ, rất áp lực, căng thẳng. Làm nghề gì cũng có sai sót, nhưng với nghề y, nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng đến tính mạng một con người. Vì vậy ê-kíp PƯN luôn phối hợp với nhau và với BS địa phương, tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh, BS Phương nhìn nhận.
Không chỉ khám, chữa tất cả các loại bệnh tại bệnh viện địa phương, đội PƯN còn hỗ trợ tất cả các khâu, vấn đề phân luồng bệnh ban đầu khi tiếp nhận, phân luồng nơi cấp cứu, phòng khám thế nào, quá trình vận chuyển, tiếp nhận BN ban đầu. Sau đó, kiểm tra nơi cách ly, nơi cách ly những ca nghi ngờ; thăm khám, tư vấn cho người bệnh; xem phòng bệnh, mở cửa sổ thông thoáng… Là một thành viên trong đội PƯN BV Chợ Rẫy, BS CKII Nguyễn Văn Thuận, Khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: "Chúng tôi có lo lắng nhưng không lo sợ. Tuy nhiên, kinh nghiệm quý giá nhất, mang tính sống còn mà chúng tôi rút ra được khi chống dịch, đó là nhân viên y tế cần bảo đảm an toàn cho bản thân. Thầy thuốc mà không an toàn thì lấy ai điều trị cho người bệnh? Thế nên, việc hình thành các kỹ năng bảo đảm an toàn cho thầy thuốc cũng như tránh lây nhiễm chéo giữa người bệnh và người điều trị, hay giữa người bệnh với nhau là cực kỳ quan trọng. Ngay cả những việc rất đơn giản cũng phải đưa vào quy trình, trở thành kỹ năng, như việc cởi quần áo bảo hộ ra khỏi người nhân viên y tế, mở cánh cửa, rửa đôi bàn tay... Tất cả đều phải bảo đảm an toàn".
Tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của y sĩ, bác sĩ điều trị cho BN nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 mới thấy hết trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc. Ðó là, chế độ bảo vệ cho bản thân cũng phải nghiêm ngặt hơn bình thường. Khi thăm khám người nghi nhiễm phải mặc đồ chống dịch, sau đó phải thay áo quần, găng tay, mắt kính rồi mới tắm rửa và mặc đồ sạch lại. Tần suất khám không cố định, có ngày năm lần, ngày mười lần, thậm chí hơn. Nếu khám năm lần thì tắm năm lần, khám mười lần thì tắm mười lần. Không nhiễm bệnh thì cũng rất dễ nhiễm cảm lạnh vì tắm quá nhiều. Hiểu rõ bản thân, BS Phương luôn phòng bệnh cho tất cả mọi người chung quanh: "Bản thân mình biết rõ nguy cơ cho nên rất hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Tôi chỉ gặp vợ và hầu như ở trong nhà sau khi rời bệnh viện. Mình càng hiểu rõ bệnh thì càng đề cao cảnh giác, tránh nguy cơ cho bất cứ người nào ở gần". "Nhiều khó khăn trong quá trình hỗ trợ người bệnh tại các địa phương như họ không hợp tác, đòi chuyển viện, muốn tự cách ly tại nhà…, người thầy thuốc phải đặt mình vào vị trí người bệnh, hiểu và chia sẻ với họ. Lúc này vấn đề tư vấn tâm lý, trấn an tinh thần rất quan trọng. Phải giúp người bệnh hiểu và hợp tác thì BS mới điều trị thành công. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tự nhắc nhau: Cứu chữa người bệnh là quan trọng, nhưng cũng phải giữ an toàn cho mình khi trở về", BS Võ Ngọc Anh Thơ bộc bạch.
Giám đốc BV Chợ Rẫy, BS Nguyễn Tri Thức cho biết: "Kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai hai đội PƯN sẵn sàng chờ lệnh. Các thành viên trong đội PƯN luôn chuẩn bị sẵn một ba-lô, trong đó có đầy đủ các đồ dùng cá nhân, dụng cụ, và trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nhận lệnh".