Ôi sao yêu quý, Hà Nội ơi!
Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, câu thơ nổi tiếng của cố thi tướng Huỳnh Văn Nghệ có lẽ đã nói thay cho bao tâm hồn người Việt Nam dù ở phương trời nào mỗi lần nhớ, mỗi lần nghĩ đến Hà Nội đều dấy lên nỗi niềm xốn xang hoài vọng, bồi hồi, trân quý. Tuy chỉ 7 năm gắn bó với Hà Nội, mỗi khi từ phương Nam trở lại hồ Gươm, hồ Tây, đường Thanh Niên, Tràng Tiền, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., trong tôi lại reo vang âm hưởng những ca khúc quấn quyện từ thời sinh viên và vang vọng cho đến bây giờ. Đó là những giai điệu dìu dặt trữ tình mà sâu lắng linh thiêng “Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình/ Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng nghe gió đưa/ Vang vọng giữa Ba Đình/ Lời Người thu năm ấy /Màu cờ thu năm ấy/ Vẫn đây xanh trời mây”... (Hà Nội mùa thu, nhạc sĩ Vũ Thanh). Đó là cảm xúc tự hào, kiêu hãnh và ngập tràn lạc quan với “Hà Nội niềm tin hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân về một thời 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 hào hùng, lập chiến công “chấn động địa cầu” bởi một “Điện Biên Phủ trên không” bắn nhào pháo đài bay B52 - cuồng vọng của đế quốc Mỹ dã tâm biến Thủ đô, miền Bắc Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá” nhưng đã thất bại thảm hại: “... Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây!/ Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông./ Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ./ Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long,/ nhẹ nhàng bước chân hành quân dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền”...
Thời gian cứ trôi đi nhưng hồi ức vẫn tươi mãi hình ảnh 65 năm trước, ngày 10/10/1954, hàng vạn người Hà Nội cháy bùng niềm vui như sóng dậy đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến là lẽ tất yếu bởi chúng ta không thể nào quên chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân, với thế giới bước ngoặt lịch sử Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp đã tráo trở, dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Hà Nội đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Sau cuộc trường chinh đồng hành cùng dân tộc “Chín năm làm một Điện Biên/ nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - nhà thơ Tố Hữu), kháng chiến gian khổ, nhưng vô cùng vinh quang, quân và dân Hà Nội đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). 16h ngày 9/10/1954, những lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Âm hưởng sự kiện lịch sử hào oanh này được cố nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi (Từ năm 1958 đến 1989 là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, từ 1995 đến 2003 giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam) vỡ òa cảm xúc khi nghĩ đến công lao như “biển rộng, núi cao” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cầm lái và kiến thiết cuộc kháng chiến thành công: “Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người mênh mông./ Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi,/trán Người mái tóc bạc thêm./Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười./Tiếng cười./ Ngày về chiến thắng!”... Rồi nhạc sĩ Văn Cao - tác giả “Tiến quân ca” được soạn thành “Quốc ca” bất hủ thể hiện qua hành khúc “Tiến về Hà Nội” sống mãi với thời gian: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui về đây/Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh/Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa/Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”... Trong nhịp khải hoàn “như mùa xuân xuống cành/ đường nghe gió về Hà Nội bừng tiến quân ca”, ngày 10/10/1954 Thăng Long - Hà Nội điểm thêm một mốc son rạng rỡ trong lịch sử ngàn năm “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”.
Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thêm khắc ghi lời Người nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thăng Long 36 phố phường: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện ý nguyện của Người, Thủ đô với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng đã ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và văn hiến hơn, khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
“Thu đi dài năm tháng/
Vinh quang và duyên dáng/
Cho ta khuôn mặt sáng ngời/
Dáng vóc của Thủ đô/
Ôi sao yêu quý, Hà Nội ơi!”...
Với khí thế rồng bay của Thăng Long ngàn năm văn hiến, cùng với sự chung tay cả nước vì Thủ đô và Thủ đô vì cả nước, Hà Nội đang xây dựng một Thủ đô hòa bình, xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Hà Nội mãi là một đề tài bồi đắp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà đạt những thành tựu to lớn trong mọi giai đoạn lịch sử cách mạng; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; luôn luôn hấp dẫn, dạt dào cảm xúc đối với những người sáng tạo văn học, nghệ thuật nước nhà và thế giới.