Ðổi thay ở Pắc A1
ĐBP - Từ trung tâm xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) sau gần 30 phút đi xe máy chúng tôi đã có mặt tại bản Pắc A1. Cảm nhận đầu tiên sau 5 năm trở lại nơi đây là cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt. Ðiện, đường, trường lớp học được đầu tư xây dựng khang trang...
Trẻ em ở Pắc A1 được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang. Trong ảnh: Giờ lên lớp của thầy và trò Ðiểm trường Tiểu học Pắc A1 (Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa).
Từ năm 2013, 72 hộ dân Pắc A1 chuyển về tái định cư tại đây. Cuộc sống những ngày đầu vô cùng khó khăn vất vả vì thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt. Cả bản phải dùng chung một mó nước nhỏ ngay đầu bản. Những năm gần đây nhờ được thụ hưởng các chương trình dự án xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới mà cuộc sống của người dân nơi đây bớt khó khăn vất vả. Dạo quanh bản chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của vùng đất nơi biên viễn xa xôi này. Ðang vào mùa thu hoạch nên nhà nào cũng có thóc, ngô phơi đầy sân. Chị Thào Thị Giàng, đang phơi ngô trước nhà chia sẻ: Từ khi được Nhà nước đầu tư điện lưới, nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân đã cải thiện nhiều. Có nước không chỉ phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày mà còn giúp tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà được thuận tiện, sạch sẽ hơn. Nếu như trước kia cả bản chỉ có vài nhà trồng được rau xanh, thì nay hầu như nhà nào cũng có vườn rau nhỏ phục vụ gia đình. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng nên người dân chúng tôi đã dần thay đổi nếp nghĩ cách làm. Ðược tiếp cận giống ngô, giống lúa mới cho năng suất cao, nên thu nhập của người dân được cải thiện. Như gia đình tôi, ngoài làm khoảng 5.000m2 lúa nương, 2.000m2 nương ngô, gia đình kết hợp chăn nuôi 3 con lợn, 5 con trâu và nuôi trên 50 con gà, ngan vừa phục vụ sinh hoạt và có thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống gia đình được cải thiện; không còn phải lo thiếu đói mùa giáp hạt, có tiền nuôi con cái ăn học.
Trước kia điểm trường mầm non, tiểu học ở Pắc A1 chỉ là những ngôi nhà tạm tranh tre, thiếu thốn đủ bề thì nay đã được đầu tư xây dựng khang tranh sạch đẹp. Ðược trang bị đầy đủ dụng cụ giảng dạy, học tập. Thầy giáo Tòng Văn Ộ, Ðiểm trường Tiểu học Pắc A1 cho biết: Ðiểm trường hiện có 38 học sinh (gồm một lớp 1 và một lớp 2). Sự học ở đây giờ đỡ vất vả hơn trước nhiều. Ðường giao thông đi lại tương đối thuận tiện, giáo viên không còn lo bị trễ giờ lên lớp bởi những hôm gặp mưa lũ. Cuộc sống của người dân sung túc hơn nên việc học hành của trẻ em nơi đây cũng được quan tâm. Ða số trẻ trong độ tuổi đi học đều được bố mẹ đưa đến lớp đầy đủ, giáo viên ít phải đến từng nhà vận động các em đi học như trước.
Sau thời gian mục sở thị quanh bản, chúng tôi đến nhà trưởng bản Sùng A Ký. Trong ngôi nhà gỗ 3 gian khang trang, sạch đẹp, Sùng A Ký đang giúp vợ treo mấy bộ váy, áo truyền thống của người dân tộc Mông vừa được hoàn thiện lên giá. Thấy khách đến Sùng A Ký niềm nở, pha trà mời chúng tôi. Anh Ký cho biết: Bản Pắc A1 hiện có 74 hộ, 450 khẩu, 100% người Mông; cả bản hiện còn 31 hộ nghèo. Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản vất vả lắm. Không điện, không nước, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa lũ gần như bị cô lập. Bây giờ đã có đường vào bản thuận tiện; đường giao thông nội bản đang được đầu tư xây dựng, có điện thắp sáng, có nước sạch để dùng… cuộc sống của bà con đang tốt lên từng ngày. Hầu như gia đình nào cũng có vườn rau, chăn nuôi từ 5 - 10 con gia cầm. Hiện cả bản có 150 con trâu, bò; 50 con lợn. Vài năm trở lại đây, số hộ dân thiếu đói mùa giáp hạt giảm dần. Hầu như nhà nào mua được xe máy làm phương tiện đi lại và vận chuyển nông sản. Ðời sống văn hóa tinh thần được cải thiện, các hủ tục được bài trừ. Trẻ em được đến trường học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang...
Không chỉ là một trưởng bản năng động, nhiệt tình với công việc của bản mà Sùng A Ký còn luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết hiện nay ngoài làm 2ha lúa nương, ngô, gia đình anh Ký còn chăn nuôi 5 con trâu sinh sản, gần 100 con gà, vịt. Kết hợp làm nghề may trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Trung bình mỗi ngày gia đình anh thu 200 nghìn đồng từ tiền bán trang phục. Hiện Giàng A Ký có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh của gia đình. Anh cùng với 2 người dân trong bản đã đầu tư 500 triệu đồng mua đất tại trung tâm xã Na Cô Sa, xây dựng 4 gian hàng để bán các mặt hàng, váy, áo truyền thống của người Mông phục vụ nhu cầu mua sắm người dân trong xã.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/181644/%C3%B0oi-thay-o-pac-a1