Olympic chỉ ra rằng quy hoạch của Paris đã lạc hậu trước biến đổi khí hậu

Với kế hoạch cho các vận động viên bơi qua sông Seine chảy vắt giữa Paris, các nhà tổ chức Olympic đã chơi một canh bạc với biến đổi khí hậu. Kết quả thất bại còn chỉ ra rằng Paris đã lạc hậu trước biến đổi khí hậu.

Nội dung thi bơi qua sông Seine đã phải hoãn lên hoãn xuống với nhiều lần thực hiện đo chất lượng nước để xem có đủ tiêu chuẩn bơi hay không. Đến khi các VĐV được phép xuống sông bơi lại diễn ra hình ảnh không đẹp mắt là việc nôn thốc, nôn tháo khi về đích. Tất cả dường như khiến những nỗ lực trong gần 10 năm qua của nước Pháp cũng như 1,4 tỉ euro cải tạo chất lượng nước đều trôi sạch theo dòng sông.

Tính toán trôi theo dòng nước

Một số nhà khoa học và kỹ sư cho biết ban tổ chức đã đánh cược rất lớn vào thời tiết và họ không thể lường được thời điểm mưa lớn tăng lên vì biến đổi khí hậu do con người gây ra, đặc biệt là ở châu Âu. Mưa chảy từ đô thị xuống sông góp phần làm tăng mức độ vi khuẩn trong con sông nổi tiếng thơ mộng của thành phố.

Metin Duran, Giáo sư kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Villanova (Úc), người đã nghiên cứu về quản lý nước mưa, cho biết: "Họ chỉ biết đánh cược, tung đồng xu và hy vọng vào một mùa khô và hóa ra đó là mùa mưa nhiều nhất trong 30 năm qua".

Nhà khoa học khí hậu Kathy Jacobs của Đại học Arizona (Mỹ), người chỉ đạo Trung tâm Khoa học và Giải pháp Thích ứng với Khí hậu, cho biết: "Các nhà tổ chức đã xử lý hầu hết các kịch bản liên quan đến tin tặc máy tính và các mối đe dọa vật lý mà không đánh giá đầy đủ các tác động của các sự kiện cực đoan liên quan đến khí hậu", đồng thời kết luận: "Chắc chắn đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét các mối đe dọa về khí hậu".

Nếu có thành phố nào phải lưu tâm đến những thách thức của biến đổi khí hậu, thì đó chính là Paris. Đây là nơi mà cách đây gần một thập niên, đã diễn ra lễ ký kết về thỏa thuận khí hậu quan trọng nhất trong lịch sử. Thỏa thuận này nhằm cố gắng hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Và Ban tổ chức Olympic Paris đặt tham vọng giảm một nửa lượng khí thải carbon so với các kỳ Thế vận hội trước đó được tổ chức tại London và Rio de Janeiro.

Paris, giống như nhiều thành phố cổ kính trên thế giới, có hệ thống thoát nước chung, nghĩa là nước thải và nước mưa của thành phố chảy qua cùng một đường ống. Khi mưa lớn hoặc kéo dài, công suất của các đường ống sẽ đạt đến mức tối đa, đưa nước thải thô vào thẳng sông thay vì qua nhà máy xử lý.

Tháp Eiffel được nhìn từ mặt nước sông Seine

Tháp Eiffel được nhìn từ mặt nước sông Seine

Paris đã chi 1,4 tỉ euro để cải thiện chất lượng nước ở sông Seine, gồm cả việc xây dựng một hồ chứa khổng lồ để hứng nước mưa dư thừa và ngăn nước thải chảy vào sông, cải tạo cơ sở hạ tầng cống rãnh và nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải.

Nhưng những cơn mưa dai dẳng đã làm phá sản mọi kế hoạch. Theo cơ quan khí tượng Pháp, Paris đã có ít nhất 80 ngày mưa trong năm nay, nhiều hơn gần 20 ngày so với bình thường.

Một phân tích của AP về dữ liệu thời tiết cho thấy Paris vào năm 2024 có số ngày mưa cao thứ hai kể từ năm 1950, chỉ đứng sau năm 2016. Chỉ có một tuần khô hạn trong năm nay khiến hệ thống thoát nước "không kịp thở". Theo phân tích của AP, thông thường vào thời điểm này, đáng ra phải có ít nhất ba tuần khô ráo.

Thời kỳ mới khiến Paris lạc hậu

Friederike Otto, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Hoàng gia London cho biết: “Mưa lớn vào mùa hè luôn là một khả năng và với khí hậu ấm lên, những trận mưa kiểu này chỉ trở nên lớn hơn mà thôi”, đồng thời cho rằng: “Đáng ra, điều đó cần phải được đưa vào kế hoạch”.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science vào tuần trước đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể trên toàn cầu về tính biến động của mưa và tuyết trong 100 năm qua với bước nhảy vọt bắt đầu từ năm 1960. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích quy nạp khí hậu tiêu chuẩn để so sánh những gì thực sự xảy ra trong một thế giới không có biến đổi khí hậu do con người gây ra. Họ phát hiện ra rằng sự gia tăng mưa lớn như kiểu kể trên kết hợp với những đợt khô hạn kéo dài có nguyên nhân từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra ba khu vực gồm châu Âu, miền đông Bắc Mỹ và Úc đã chứng kiến sự gia tăng đột biến hơn nhiều về lượng mưa cực đoan.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Peili Wu, một nhà khoa học về khí hậu tại Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, các định luật vật lý quy định rằng không khí ấm hơn giữ được nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến mưa lớn hơn. Trong khi đó, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi các kiểu thời tiết, khiến chúng bị mắc kẹt nhiều hơn trong những trận mưa như trút nước hoặc những ngày nắng không có mây.

Các nhà tổ chức cho biết những gì đã xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Giáo sư Duran cho rằng các bể ngầm chứa nước mưa chỉ là "điều cuối cùng mà các chuyên gia về nước mưa đề xuất khi họ không còn giải pháp nào khác", đồng thời lý giải rằng rất ít thành phố sử dụng giải pháp đó nữa vì nó bị hạn chế và dễ bị quá tải bởi những trận mưa lớn và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Ông cho biết đó chỉ là giải pháp phù hợp với thời đại trước khi hiện tượng nóng lên toàn cầu bùng phát mạnh mẽ.

Giáo sư Duran cho biết các địa điểm tổ chức Thế vận hội trong tương lai cần phải cân nhắc đến một thế giới ẩm ướt hơn: "Vấn đề tràn nước thải chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn cho đến khi chúng ta giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu".

Nhà khoa học Otto từ Đại học Hoàng gia London nhắc nhở Los Angeles, thành phố đăng cai Thế vận hội 2028, có thể học được bài học và hướng tới nhiều không gian xanh hơn và ít phương tiện cá nhân hơn.

Otto nói: "Thế vận hội là cơ hội tuyệt vời để thay đổi các thành phố mà bình thường người dân phải sống trong tình trạng ô nhiễm, giao thông, tiếng ồn và mạo hiểm mạng sống và sức khỏe của mình. Bởi lẽ khi diễn ra Thế vận hội mọi người đều thừa nhận rằng các VĐV cần có một môi trường trong lành".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/olympic-chi-ra-rang-quy-hoach-cua-paris-da-lac-hau-truoc-bien-doi-khi-hau-222307.html