Olympic hôm nay 9/9: Ngôi sao Mỹ mắc COVID-19 vẫn giành huy chương đồng

Chân chạy Noah Lyles (Mỹ) mắc COVID-19 nhưng vẫn tham gia thi đấu và giành HCĐ cự ly 200m tại Olympic 2024.

Hôm 4/8, Lyles lần đầu giành HCV Thế vận hội tại nội dung 100m nam, đạt thành tích 9,784 giây. Anh đánh bại Kishane Thompson (Jamaica) với khoảng cách 0,005 giây.

Tuy nhiên, tới chung kết nội dung 200m sở trường, VĐV Mỹ chỉ giành HCĐ với thời gian 19 giây 70. Sau khi cán đích, Lyles nằm ra sân, còn nhân viên dùng xe lăn đưa anh đến khu vực y tế.

Lyles tiết lộ anh cảm thấy choáng váng, khó thở sau khi hoàn thành phần thi nội dung 100m (thứ 2), trước khi những triệu chứng dần trở nên rõ ràng hơn vào thứ 3.

"Tôi thức dậy sớm lúc 5 giờ sáng thứ Ba và thấy rất mệt. Tôi biết rằng nó không chỉ đơn thuần là đau nhức sau chung kết 100m. Đây là những triệu chứng tôi từng gặp trước đây, thời điểm tôi bị nhiễm Covid. Thế là tôi tự nhủ mình phải kiểm tra ngay".

Noah Lyles kiệt sức sau phần thi chung kết 200m.

Noah Lyles kiệt sức sau phần thi chung kết 200m.

Chiều thứ 3, anh nhận kết quả dương tính Covid-19, và cách ly ở khách sạn trong 1 ngày. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn tạo điều kiện cho anh thi đấu tại nội dung 200m tối thứ 5. Tại đây, anh chỉ về đích thứ 3, sau Letsile Tebogo (Botswana - HCV) và Kenny Bednarek (Mỹ - HCB).

Dù vậy, Noah Lyles vẫn phấn khởi chia sẻ: "Tại Olympic trước, tôi đã rất thất vọng khi chỉ giành HCĐ. Nhưng lần này thì không thể tự hào hơn".

Theo kế hoạch, chân chạy Mỹ còn 1 nội dung thi đấu: tiếp sức 4x100m. Tuy nhiên, Noah Lyles vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. "Chúng tôi chưa quyết sẽ thi đấu hay không. Tôi sẽ rất trung thực và minh bạch với HLV và sẽ để họ đưa ra quyết định cho dù có chuyện gì xảy ra", Noah Lyles nói.

VĐV Canada dính chấn thương nguy hiểm

Rạng sáng 9/8, VĐV ném bóng nước Blaire McDowell (Canada) gặp chấn thương nặng ở vùng mắt. Cô va chạm mạnh với đối thủ người Italy, ngay sau khi ghi bàn cho đội. Nhân viên y tế tức tốc hỗ trợ McDowell, bịt vết thương bằng tấm băng bảo vệ.

Tuy nhiên, vết rách trên mắt trái của Blaire McDowell có đường kính khá rộng và sâu, nên Blaire buộc phải thi đấu với gương mặt nhuốm máu.

Blaire McDowell gặp chấn thương nặng ở vùng mắt.

Blaire McDowell gặp chấn thương nặng ở vùng mắt.

Trong môn ném bóng nước, mũ trùm giúp các VĐV nhận dạng đồng đội, đồng thời bảo vệ bản thân khỏi các chấn thương. Nhưng những chiếc mũ này chủ yếu chỉ bảo vệ phần tai, đỉnh đầu và gáy. Chấn thuơng của McDowell đáng tiếc xảy ra ở vùng mắt, bộ phận không được bảo vệ khi thi đấu.

Từ sau chấn thương, cô thi đấu khá dè dặt và chấp nhận thất bại 5-10 trước Italy. Khả năng Blaire McDowell thi đấu trận tranh hạng 7 với Hy Lạp vẫn đang bỏ ngỏ.

VĐV Mỹ chê huy chương Olympic kém bền, dễ bong tróc

VĐV Nyjah Huston giành HCĐ cho Đoàn thể thao Mỹ môn trượt ván, nội dung Men's Street tại Olympic 2024. 1 tuần sau khi trở về California, Huston cập nhật tới khán giả tình trạng của tấm huy chương từng giành tại Paris trên mạng xã hội Instagram. Trong video, dễ nhận thấy chiếc huy chương của anh không còn giống nguyên trạng.

Nyjah Huston "chê" huy chương Olympic. Nguồn: @nyjah (Instagram).

Hutson nhận xét chất lượng kim loại trong HCĐ không cao cấp. Anh nói: "Phải thành thật, những tấm huy chương nhìn rất đẹp khi chúng mới tinh. Tuy nhiên, chúng dần trở nên tệ hơn khi tiếp xúc với mồ hôi. Tôi cho bạn mượn huy chương hồi cuối tuần vừa rồi để đeo thử, và xin khẳng định chúng không có chất lượng tốt như các bạn nghĩ đâu.

Phần mặt trước bắt đầu bị bong tróc rồi. Tôi nghĩ họ nên nâng cấp chất lượng huy chương Thế vận hội thêm nữa".

Ban tổ chức Thế vận hội từng nhận nhiều chỉ trích vì công tác tổ chức trong làng VĐV. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên 1 tuyển thủ công khai phàn nàn về tấm huy chương Olympic.

Hutson đăng thêm một bài viết với dòng trạng thái: "Tấm huy chương như thể vừa trở về từ chiến tranh vậy. Phải chăng huy chương chỉ nên được cất trong hộp?"

Một người theo dõi cũng đồng tình với Hutson: "Nhìn tấm huy chương, tôi tưởng anh giành nó vào năm 1982 đấy".

Nyjah Hutson: "Tấm huy chương như thể vừa trở về từ chiến tranh vậy". Nguồn: @nyjah (Instagram).

Nyjah Hutson: "Tấm huy chương như thể vừa trở về từ chiến tranh vậy". Nguồn: @nyjah (Instagram).

Ban tổ chức Thế vận hội 2024 sản xuất tổng cộng khoảng 5.000 huy chương, trong đó 2.600 cho Olympic mùa hè và 2.400 cho Paralympics (đại hội thể thao cho người khiếm khuyết).

Mỗi tấm huy chương nặng khoảng 530g, được thiết kế bởi hãng trang sức Chaumet. Ban tổ chức cũng tặng kèm các VĐV giành huy chương 1 chiếc hộp bảo quản.

Kỷ lục cha truyền con nối ở Olympic

Tại chung kết Olympic 2024 nội dung ném đĩa, Mykolas Alekna đã tạo nên khoảnh khắc đáng nhớ với cú ném 69,97m, phá kỷ lục của chính cha anh. Tại Olympic 2004, ông Virgilijus Alekna bước lên bục cao nhất của podium, đồng thời phá kỷ lục Thế vận hội với cú ném 69,89m.

Tuy nhiên, niềm vui của Mykolas Alekna không kéo dài lâu, khi Roje Stona (Jamaica) đã xuất sắc ném xa 70m, giành lấy HCV, tạo kỷ lục Olympic mới ngay sau đó.

Mykolas Alekna giành HCB Olympic 2024 nội dung ném đĩa nam.

Mykolas Alekna giành HCB Olympic 2024 nội dung ném đĩa nam.

Bỏ lỡ cơ hội vô địch Thế vận hội, Mykolas Alekna vẫn tự hào khi chinh phục kỷ lục của cha: "Tôi rất vui khi mang về nhà một tấm huy chương. Tôi không buồn hay gì cả. Thiết lập cột mốc mới cho kỷ lục do cha mình đang nắm giữ ở Olympic là một trải nghiệm tuyệt vời".

Gia đình họ Alekna khá nổi tiếng trong làng thể thao Lithuania. Cha của anh là Virgilijus, từng giành HCV Olympic 2000 và Olympic 2004. Anh trai của Mykolas là Martynas, cũng là thành viên của đội tuyển ném đĩa Lithuania tại Olympic 2024.

Trước Olympic Paris 2024, cha con Alekna nắm cả kỷ lục Thế vận hội và kỷ lục thế giới.

Thành Lộc

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/olympic-hom-nay-9-9-ngoi-sao-my-mac-covid-19-van-gianh-huy-chuong-dong-ar888357.html