Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng lần thứ VIII: Thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học sớm hơn
Ngày 11/6 tại Học viện Tài chính, vòng chung kết Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc 'Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng' lần thứ 8 diễn ra với sự tham gia của 22 trường đại học, học viện trên toàn quốc. Dù trẻ hóa độ tuổi sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nhưng số lượng và chất lượng các đề tài không hề giảm mà còn phát triển đột phá. Chương trình có sự tham dự của chị Hồ Hồng Nguyên - Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.
Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Kinh tế lượng và ứng dụng” lần thứ VIII do Trung ương Hội sinh viên, Học viện Tài chính và Viện Toán học tổ chức được triển khai từ tháng 10/2022. Hội thi được diễn ra hàng năm nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình toán học, mô hình kinh tế lượng, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,… trong nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định: “Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” là một sân chơi giàu ý nghĩa của Sinh viên Việt Nam về học thuật và nghiên cứu khoa học. Tám năm qua, Hội thi chúng ta đã mở ra cơ hội cho nhiều thế hệ sinh viên, của nhiều Trường nuôi dưỡng đam mê toán học, nghiên cứu khoa học, khơi thông dòng chảy đưa khoa học cơ bản vào ứng dụng thực tiễn.”
Cũng theo PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều, nhiều em là học sinh chuyên toán, có thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi toán, Olympic toán đã được khẳng định một lần nữa ở một sân chơi khoa học ứng dụng đầy thách thức này và các em đã nhận được nhiều thành công khi bước ra từ Hội thi. Điển hình như em Nguyễn Hưng Quang Khải, cựu sinh viên Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM đã đạt giải huy chương vàng kỳ thi “Toán học Không biên giới” năm 2018 ở Bulgari, giải ba kỳ thi HSG toán quốc gia VMO 2018, giải nhất Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ VI và hiện nay Quang Khải nhận được học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ ngành Toán Tài chính của Đại học Manchester ở Anh. Trường hợp tiêu biểu khác như em Nguyễn Ngọc Trường, cựu sinh viên chương trình DDP - Viện Đào tạo Quốc tế - Học viện Tài chính, đã đạt giải nhất Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng năm 2019, được học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ M2 về Tài chính định lượng của hai trường Đại học Paris Saclay, Đại học Bách Khoa Paris.
Hội thi hướng đến ứng dụng các mô hình toán, mô hình kinh tế lượng và tin học để giải quyết những vấn đề trong kinh tế, tài chính, kế toán, Thuế, Bảo hiểm,... được đánh giá là những vấn đề rất khó. 13 đề tài xuất sắc được chọn vào vòng chung khảo đều thể hiện sự tâm huyết, dày công nghiên cứu. Nhiều đề tài được sinh viên thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, tự tin thuyết minh và bảo vệ đề tài trước đội ngũ Ban giám khảo.
Chung cuộc, 6 đề tài đạt giải nhất Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ 8 thuộc về nhóm sinh viên các trường: Trường Đại học Kinh tế - Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM (Đề tài Dự báo sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam: So sánh và giải thích kết quả giữa mô hình cổ điển và mô hình học máy); Trường Đại học Ngoại Thương Cơ sở II tại TP. HCM với 2 đề tài (Do Regulations reduce herding behavior? An empirical analysis in Vietnam và Determinants of staycation intention in the new normal: An extended model of goal-directed behaviour ); Đại học Thủy Lợi (Đề tài Nghiên cứu đóng góp của quá trình tái phân bổ đến tăng trưởng năng suất và các nhân tố tác động đến quá trình tái phân bổ tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam); Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (Đề tài Esg anh dividends: The winning combination for savvy stock investors); nhóm sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội (Đề tài On the liquidity conectedness between cryptocurrencies anh other financial assets).
Hai năm gần đây, thể lệ Hội thi thay đổi và đối tượng tham gia không phải sinh viên năm cuối đã thúc đẩy sinh viên đến với nghiên cứu khoa học sớm hơn. Tưởng chừng kiến thức định lượng làm khó cho sinh viên nhưng qua đánh giá vòng loại của ban giám khảo, các đề tài tham gia năm nay tốt hơn, đa dạng hơn, tỷ lệ sinh viên năm thứ hai tham gia rất cao, cá biệt có sinh viên năm nhất. Các nghiên cứu đi vào những vấn đề thời sự, phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, kỹ năng trình bày bài nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, các dữ liệu có nguồn gốc đa dạng, tin cậy… Điều này đã làm nên một Hội thi chất lượng, tiêu chuẩn và trở thành sân chơi học thuật, là môi trường để sinh viên Việt Nam được trải qua những thách thức và khẳng định bản lĩnh khoa học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.