Olympic Nhật Bản và những bài học lớn cho bóng đá trẻ Việt Nam

Olympic Nhật Bản chính là đội bóng gây ấn tượng nhất trong môn bóng đá nam tại Olympic Paris 2024 cho đến lúc này. Đoàn quân được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Go Oiwa đã xuất sắc vượt qua vòng đấu bảng với thành tích toàn thắng và không để thủng lưới bàn nào. Màn trình diễn của các cầu thủ trẻ trên đất Pháp cho thấy một tương lai rất tươi sáng cho bóng đá Nhật Bản.

Đội tuyển bóng đá nam Olympic Nhật Bản gây ấn tượng mạnh ở Olympic Paris 2024. Ảnh: ESPN

Đội tuyển bóng đá nam Olympic Nhật Bản gây ấn tượng mạnh ở Olympic Paris 2024. Ảnh: ESPN

Bóng đá trẻ thực sự cho cầu thủ trẻ

Olympic Nhật Bản là đội bóng duy nhất không bổ sung thêm các suất quá tuổi để tham dự Olympic Paris 2024. Tất cả các đội còn lại đều tận dụng triệt để luật thi đấu để đưa vào lực lượng những cầu thủ dạn dày kinh nghiệm đóng vai trò dẫn dắt các đồng đội trẻ. Olympic Argentina có Nicolas Otamendi, hay Olympic Pháp triệu tập Alexander Lacazette là những ví dụ tiêu biểu.

Nhưng Olympic Nhật Bản không triệu tập thêm bất cứ một cầu thủ quá tuổi nào trong danh sách. Thậm chí họ còn không gọi những cầu thủ giỏi nhất trong lứa tuổi U23 để dự Thế vận hội. Ngôi sao chạy cánh Takefusa Kubo (sinh năm 2001) vắng mặt, thủ thành từng được Manchester United để ý là Zion Suzuki (2002) không xuất hiện. Một số cầu thủ trẻ từng có cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia, như tiền vệ Yuito Suzuki đang chơi cho Brondy ở Đan Mạch cũng không nằm trong danh sách của huấn luyện viên Go Oiwa.

Toàn bộ danh sách của Olympic Nhật Bản đến Pháp đều nằm trong lứa U23 và rất ít người từng có tên trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia xứ mặt trời mọc. Bản danh sách của ông Go Oiwa mang đúng tinh thần của một giải trẻ, chiến lược luôn được Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) duy trì trong suốt thời gian qua. Họ luôn coi các giải trẻ, từ vòng chung kết U23 châu Á cho đến Olympic thật sự là nơi để các cầu thủ trẻ rèn giũa và tích lũy kinh nghiệm hơn là đấu trường cạnh tranh thành tích. Vì lẽ đó, những người đã có tiếng tăm hay từng góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia sẽ không được ưu tiên.

Chính sách này giúp bóng đá Nhật Bản luôn có nguồn kế cận dồi dào. Ở mỗi giải trẻ, họ lại có thêm những cầu thủ bước ra ánh sáng nhờ màn trình diễn ấn tượng. Tại Olympic Paris 2024, hai cái tên đang được nhắc đến nhiều là Shunsuke Mito và Rihito Yamamoto. Tiền vệ Shunshuke Mito đang chơi bóng ở Hà Lan cho Sparta Rotterdam. Anh chỉ cao có 1m63 nhưng rất khéo léo và luôn tiềm ẩn sự bùng nổ. Trong khi đó, tiền vệ phòng ngự Rihito Yamamoto đá ở Bỉ cho Sint-Truiden (đội bóng mà Công Phượng từng khoác áo).

Đáng chú ý, Rihito Yamamoto là một trong 4 cầu thủ của Olympic Nhật Bản chơi cho Sint-Truiden. Ngoài Yamamoto, còn có thủ môn Leo Kokubo, tiền vệ Joel Chima Fujita và tiền đạo Mao Hosoya cũng đang là thành viên đội bóng này. Đây là điều không có gì lạ khi Sint-Truiden đang được sở hữu bởi DMM.com, một tập đoàn lớn của Nhật Bản. Đội bóng Bỉ đã trở thành “trạm trung chuyển” quen thuộc cho các cầu thủ trẻ Nhật Bản sang châu Âu thi đấu. Trường hợp mới nhất là thủ thành Zion Suzuki, người vừa ký hợp đồng với Parma ở Serie A sau một mùa giải bắt cho Sint-Truiden.

Sức mạnh từ nền móng

Tạo ra môi trường lý tưởng nhất cho các cầu thủ trẻ phát triển là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của JFA. Chiến lược phát triển bài bản, quy củ từ bóng đá học đường, bóng đá phong trào cho tới hệ thống lò đào tạo chuyên nghiệp và chiến lược “xuất khẩu” tài năng đã giúp bóng đá Nhật Bản liên tục có sự phát triển và kế thừa với nhiều thế hệ cầu thủ tài năng nối tiếp nhau. Đây là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam, bởi từ trước tới nay, việc lập ra một chiến lược nhất quán trong công tác đào tạo phát triển tài năng trẻ luôn là vấn đề đau đầu với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Đội tuyển quốc gia là gương mặt của một nền bóng đá và thành tích của “Samurai xanh” chính là minh chứng rõ nét nhất cho chiến lược phát triển đúng đắn của bóng đá Nhật Bản. Họ vượt qua vòng bảng ở 3/4 kỳ World Cup gần nhất (2010, 2018 và 2022). Ở 2 kỳ World Cup liên tiếp vừa qua, Đội tuyển Nhật Bản đều có những trận đấu gây ấn tượng rất mạnh. Tại World Cup 2018, “Samurai xanh” suýt tạo ra cơn địa chấn khi dẫn trước Đội tuyển Bỉ rất mạnh khi đó tới 2-0 ở trận đấu thuộc vòng 1/8. Tiếc rằng, thể lực sa sút ở giai đoạn cuối trận khiến Đội tuyển Nhật Bản sau đó bị đối thủ lội ngược dòng thắng lại 3-2.

Tại World Cup 2022, Đội tuyển Nhật Bản thậm chí còn đánh bại cả hai ông lớn của bóng đá thế giới là Đội tuyển Đức và Đội tuyển Tây Ban Nha để hiên ngang dẫn đầu bảng đấu của mình. Tuy nhiên, vòng 1/8 vẫn là điểm giới hạn của “Samurai xanh” khi họ thất bại trước Đội tuyển Croatia sau loạt luân lưu.

Ở cấp độ châu lục, Đội tuyển Nhật Bản chưa vô địch Asian Cup kể từ giải đấu năm 2011. Thành tích tốt nhất ở các giải gần đây của họ là ngôi á quân Asian Cup 2019, thua Đội tuyển Qatar ở trận chung kết. Mặc dù vậy, “Samurai xanh” vẫn là đội giàu thành tích nhất ở Asian Cup với 4 lần đăng quang, đứng trên Ả Rập Xê Út và Iran với cùng 3 lần.

Nhờ sự tiến bộ chung của cả nền bóng đá, vị thế của các cầu thủ Nhật Bản cũng ngày càng được nâng cao. Những ngôi sao lớn nhất của Nhật Bản thời điểm này này nhận được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp châu Âu. Wataru Endo (Liverpool), Takefusa Kubo (Real Sociedad), Takehiro Tomiyasu (Arsenal) hay Hiroki Ito (Bayern Munich)... đều được đánh giá rất cao không chỉ ở khả năng chuyên môn, mà còn ở thái độ chuyên nghiệp trong thi đấu cũng như luyện tập. Sự bền bỉ, khéo léo và tư duy chơi bóng thông minh của các cầu thủ Nhật Bản giúp họ có chỗ đứng vững vàng ở các đội bóng hàng đầu. Theo chiều ngược lại, những kinh nghiệm thực chiến ở môi trường cạnh tranh khốc liệt nhất sẽ được các ngôi sao đem về “Samurai xanh” truyền lại cho lớp đàn em, góp phần tạo ra những lớp kế cận luôn sẵn sàng để tiếp quản vị trí để lại.

Đội tuyển Nhật Bản đã từng giành được Huy chương Đồng môn bóng đá nam tại Olympic 1968 tại Mexico. Huyền thoại Kunishige Kamamoto, người đang giữ kỷ lục ghi bàn cho Đội tuyển Nhật Bản, chính là Vua phá lưới của môn bóng đá nam Olympic 1968 với 7 pha lập công. Năm 2018, toàn bộ đội hình đã giành Huy chương Đồng tại Olympic 1968 đều được đưa vào “Đại sảnh danh vọng bóng đá Nhật Bản”.

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/olympic-nhat-ban-va-nhung-bai-hoc-lon-cho-bong-da-tre-viet-nam-post478991.html