Olympic Paris 2024: Hướng đi mở lối thành công
Khi phân tích kỹ những trường hợp tỏa sáng rực rỡ ở Thế vận hội, các vận động viên thường phải trải qua một lộ trình rèn luyện khắc nghiệt trước khi chạm tới đỉnh vinh quang. Đây được xem như công thức thành công chung mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể áp dụng.
Chiến thắng của đảo quốc St Lucia
Huy chương vàng ở nội dung 100m điền kinh luôn là thành tích danh giá nhất mà bất kỳ chân chạy nào cũng muốn chinh phục. Với Julien Alfred, vận động viên đảo quốc St Lucia còn khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi vượt qua nhà vô địch thế giới Richardson (Mỹ) để hoàn thành phần thi chung kết trong 10 giây 72.
Bước lên bục nhận huy chương ở Thế vận hội không chỉ là ước mơ của vận động viên mà còn đó khát khao của cả một dân tộc. Đặc biệt hơn cả, tấm huy chương vàng danh giá bậc nhất Olympic còn là huy chương đầu tiên của quốc đảo St Lucia. Với dân số khoảng 180 nghìn người, đất nước này chưa một lần chạm tới vinh quang từ lần đầu tham dự Thế vận hội năm 1996.
Con đường chinh phục giấc mơ điền kinh của Julien Alfred bắt đầu từ những ngày chạy chân trần trên bờ cát của vùng biển Caribe. Đến năm 14 tuổi, cô gái trẻ quyết định rời quê hương để tới Jamaica - đất nước sản sinh ra những chân chạy hàng đầu thế giới như Usain Bolt.
Julien Alfred tới vùng đất mới với đôi bàn tay trắng. Cô không có sự giúp đỡ của gia đình hay bạn bè, mà phải cố gắng chiến đấu để nuôi dưỡng giấc mơ điền kinh của mình.
Nhờ sự quyết tâm và tài năng thiên bẩm, cô đã được các chuyên gia chạy tốc độ thu nhận và đào tạo những kỹ thuật căn bản trong suốt ba năm.
Bước ngoặt đến với Julien Alfred khi cô nhận được học bổng tại Đại học Texas (Mỹ) năm 2018. Chân chạy trẻ nhanh chóng gia nhập đội tuyển điền kinh của trường và được rèn giũa bởi người thầy Edrick Floreal, huấn luyện viên từng đào tạo nên nhà vô địch 100m châu Âu Dina Asher-Smith.
Alfred đã được khai phá tiềm năng một cách hoàn hảo dưới bàn tay huấn luyện của Floreal. Theo nhận định của người thầy, sự khác biệt của Julien Alfred nằm ở chỗ cô đã phát triển bản thân từ một chân chạy thuần túy ở giải học đường để tiến lên chuyên nghiệp. Đó là quyết tâm bứt phá mạnh mẽ mà không nhiều tài năng trẻ làm được.
Phillipines với người hùng thể dục dụng cụ
Giống như Julien Alfred, Carlos Yulo cũng xuất thân từ một quốc đảo cách đó nửa vòng Trái đất. Chàng trai người Philippines đã giành tấm huy chương vàng lịch sử cho đất nước mình và thậm chí là cả khu vực Đông Nam Á khi chiến thắng ở nội dung thể dục tự do nam. Carlos Yulo đạt 15.000 điểm, xếp trên nhà vô địch Tokyo 2020 Artem Dolgopya (với 14.966 điểm).
Dù là vận động viên người Philippines thứ 2 giành huy chương vàng Olympic, thành tích của Carlos Yulo cũng mang tính biểu tượng. Bởi anh là chàng trai Đông Nam Á đầu tiên giành huy chương vàng ở một trong số những bộ môn thi đấu lâu đời nhất lịch sử Thế vận hội.
Chưa dừng lại ở đó, chỉ sau 24 giờ, Yulo đã đánh bại Artur Davtyan đến từ Armenia ở trận chung kết nhảy ngựa để mang về tấm huy chương vàng thứ 2. Hai chiến thắng tại Paris của chàng trai 24 tuổi giúp anh đi vào lịch sử khi trở thành một trong số những vận động viên Đông Nam Á thành công bậc nhất tại đấu trường Olympic.
“Tấm huy chương vàng ở nội dung thể dụng tự do đã giúp tôi xua tan mọi căng thẳng. Tôi đã thoải mái và thư giãn hơn. Điều đó giúp tôi dốc hết sức lực vì không còn gì để mất nữa. Và đó là những gì đã xảy ra. Thật điên rồ! Tôi đã rất sốc khi bản thân thực hiện thành công”, Yulo khẳng định.
Khi nhìn vào quá trình luyện tập của vận động viên người Philippines, Yulo từng trải qua quãng thời gian tập luyện bảy năm ở Nhật Bản. Chỉ tới trước thời điểm Giải vô địch thế giới 2023 diễn ra, Yulo mới quyết định chia tay huấn luyện viên lâu năm Munehiro Kugiyama. Từ thời điểm ấy, Yulo đã đi khắp thế giới để tập luyện với một số vận động viên giỏi nhất ở nội dung thi đấu của mình.
"Tôi không biết phải nói gì. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ, và tỷ lệ vận động viên được dự đoán có thành tích tại Olympic chưa bao giờ cao giống như Mỹ hay Vương quốc Anh. Vì vậy, việc có thể giành được huy chương vàng có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi. Hy vọng chiến thắng tại Paris sẽ mở ra cánh cửa cho trẻ em ở Philippines và thúc đẩy bộ môn thể dục dụng cụ trong nước ngày càng phát triển", Yulo chia sẻ.
Công thức chung để đào tạo vận động viên
Nếu nhìn vào thành công của Yulo và Julien Alfred, đây đều là những chiến thắng gây bất ngờ với người hâm mộ. Thế nhưng, dưới con mắt của các chuyên gia, cả hai đều đã trải qua lộ trình đào tạo gần như tương đồng để chạm tới vinh quang.
Julien Alfred đã rời St Lucia để theo đuổi đam mê điền kinh. Cô đã trải qua quãng thời gian đào tạo tại đất nước sản sinh ra những chân chạy hàng đầu - Jamaica. Chưa dừng lại ở đó, Alfred đã phát triển từ những giải đấu học đường ở Mỹ trước khi tiến lên chuyên nghiệp. Đó là quãng thời gian 10 năm rèn luyện ở những môi trường khắc nghiệt và đẳng cấp nhất thế giới.
Với Yulo, anh được đào tạo ở Nhật Bản trong gần 10 năm. Chàng trai Philippines khẳng định, chính điều kiện tập luyện trong môi trường thể thao hàng đầu lại được những người thầy giỏi chỉ bảo mới giúp anh nhanh chóng cải thiện thành tích.
Một trường hợp khác tương tự có thể kể tới kình ngư người Pháp Leon Marchand. Dù không phải xuất thân từ nước thiếu thốn điều kiện tập luyện, bốn tấm huy chương vàng và bốn kỷ lục Olympic của Marchand đã đến sau ba năm đào tạo khắc nghiệt tại Đại học Bang Arizona (Mỹ). Đây cũng là nơi anh gặp được người thầy Bob Bowman (huấn luyện viên của huyền thoại Michael Phelps).
Có được người thầy giỏi, được rèn luyện trong môi trường lý tưởng suốt thời gian dài chính là công thức chung để hướng tới thành công. Nhìn vào sự tiến bộ của xạ thủ Trịnh Thu Vinh trong quãng thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả của lộ trình này.
Thể thao Việt Nam không hề thiếu những tài năng xuất chúng. Và điều cần làm ở thời điểm hiện tại có chăng là những tính toán để áp dụng công thức thành công vào từng trường hợp cụ thể.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/olympic-paris-2024-huong-di-mo-loi-thanh-cong-post823680.html