Olympic Pyeongchang: Mỹ-Triều gần mặt nhưng xa cách lòng
Hàn Quốc đang phải đau đầu để sắp xếp vị trí ngồi cho các quan chức Mỹ và Triều Tiên trong lễ khai mạc Olympic Pyeongchang 2018.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong không có ý định gặp nhau khi hai người cùng có mặt tại Hàn Quốc, ngay kể cả khi họ sẽ ngồi cách nhau chỉ vài bước chân trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Pyeongchang hôm nay (9/2).
Bản thân việc sắp xếp chỗ ngồi VIP cho các quan chức, lãnh đạo các nước dự lễ khai mạc Olympic Pyeongchang cũng là công việc khiến ban tổ chức phải đau đầu. Nước chủ nhà của Olympic 2018 mô tả thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang là “Thế vận hội của hòa bình”. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau hậu trường vốn chưa bao giờ đơn giản.
Người em gái của ông Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong là thành viên đầu tiên của gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên vượt qua biên giới giữa hai nước để có mặt tại Hàn Quốc. Nên nhớ rằng về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Kim Yo-jong là em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được cho là sinh năm 1987. Bà là một trong những người hiếm hoi ở Triều Tiên có thể tiếp cận trực tiếp mà không gặp trở ngại gì với ông Kim Jong-un.
Từ khi ông Kim trở thành lãnh đạo tối cao Triều Tiên, người ta thường nhìn thấy Kim Yo-jong xuất hiện bên cạnh anh mình trong các chuyến thị sát cùng nhiều sự kiện quan trọng khác.
Giữ chức Phó chủ nhiệm Ban Tuyên giáo của Triều Tiên kể từ năm 2015, Kim Yo-jong có nhiệm vụ củng cố và xây dựng hình ảnh cho anh trai mình. Hiện tại, người phụ nữ có vai trò ngày càng nổi bật trong đảng Lao động Triều Tiên đã bị Mỹ đưa vào danh sách đối tượng chịu lệnh trừng phạt.
Giới quan sát cho rằng, xuất hiện ở Hàn Quốc dịp này, bà Kim Yo-jong có thể mang theo thông điệp của người anh trai đến cho chính quyền Seoul.
Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ…
Phái đoàn Triều Tiên có mặt tại Hàn Quốc cũng bao gồm ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên. Trong khi đó, đứng đầu phái đoàn của Mỹ là Phó Tổng thống Mike Pence, người đã tuyên bố “sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ” liên quan tới Triều Tiên, đồng thời cảnh báo “tất cả các phương án đều được cân nhắc” để đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Đáng chú ý, đi cùng với ông Pence trong chuyến công du lần này còn có cha của Otto Warmbier – sinh viên Mỹ từng bị bắt ở Triều Tiên và đã qua đời không lâu sau khi được trả tự do và đưa trở lại Mỹ.
Ngày 8/2, phát biểu với binh lính Mỹ và Nhật Bản tại căn cứ không quân Yokota gần thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ông Pence cam kết tiếp tục “thực hiện chiến dịch gây sức ép tối đa” đối với Triều Tiên, trong nỗ lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Bất kỳ hành động khiêu khích nào, trong đó có việc sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ phải hứng chịu "đòn đáp trả mau lẹ, toàn diện và hiệu quả”.
Trước đó, ngày 6/2, ông Pence thông báo Washington sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt “cứng rắn nhất” đối với Triều Tiên.
Trong một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng ngày 8/2 đã tiến hành một cuộc diễu binh lớn. Theo truyền thông Hàn Quốc, Triều Tiên bắt đầu tổ chức diễu binh vào lúc 10h30 sáng 8/2 (giờ địa phương). Truyền hình Triều Tiên không tường thuật trực tiếp cuộc diễu binh. Phía Triều Tiên cũng chưa đưa ra thông báo liên quan tới sự kiện này.
Trước đó, một số nguồn tin khác cho biết giới chức Hàn Quốc phát hiện hoạt động dịch chuyển các bệ phóng tên lửa tự động (TEL) như một phần của công tác chuẩn bị tổ chức cuộc diễu binh.
… Triều Tiên không tiếp chuyện
Cả phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định rằng họ không đến Hàn Quốc cho một cuộc gặp gỡ dù “sự tương tác” là có thể xảy ra khi các hoạt động lễ tân trước lễ khai mạc Olympic được tiến hành.
"Xin nói rõ, chúng tôi không có ý định gặp gỡ với các quan chức Mỹ trong chuyến thăm Hàn Quốc. Chúng tôi không có ý định sử dụng Thế vận hội mùa Đông như là công cụ chính trị”, ông Cho Yong Sam, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã có “lựa chọn an toàn” khi được hỏi về cách sắp xếp vị trí chỗ ngồi của khách VIP trong lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang. Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach nói sẽ “không phạm sai lầm khi cố can thiệp” vào việc này vì đó là “công thức mang lại thảm họa”.
Một nguồn tin thân cận với ban tổ chức tiết lộ với Reuters: “Điều khiến Hàn Quốc phải đau đầu là đại diện của Triều Tiên và đại diện của Mỹ sẽ ngồi ở đâu khi Washington đã công khai ý định gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng?”
Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã thúc đẩy đối thoại sâu rộng hơn với Triều Tiên cho biết ông hy vọng bầu không khí hòa bình sẽ tiếp tục sau Thế vận hội thì Nhật Bản – đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực lại khuyến cáo rằng, các nước “không nên ngủ mơ bởi đòn tấn công quyến rũ”.
Sự thăng hoa trong hợp tác liên Triều ngoài rào cản là yếu tố Mỹ còn vấp phải nhiều yếu tố khác khiến chưa được “xuôi chèo mát mái”. Hiện một ủy ban của Liên Hợp Quốc vẫn đang xem xét cho phép miễn chấp hành lệnh trừng phạt đối với chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên - quan chức duy nhất trong chính quyền Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội Pyeongchang đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bên cạnh đó, chiếc tàu chở đoàn nghệ thuật của Triều Tiên tới Hàn Quốc đã yêu cầu được cung cấp nhiên liệu nhưng chính quyền Seoul cũng phải tiếp tục cân nhắc xem họ sẽ làm thế nào để đáp ứng yêu cầu này mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc./.