Olympic Tokyo 2020: Điều thú vị về những tấm Huy chương và các địa điểm thi đấu
Tờ Straits Times mới đây vừa tổng hợp những điều đáng chú ý nhất tại kỳ Thế vận hội Tokyo, từ chi tiết 42 địa điểm thi đấu cho tới việc những chiếc Huy chương Olympic đặc biệt được làm từ kim loại tái chế.
Thi đấu trong và ngoài Tokyo
Năm nay, Ban tổ chức công bố có 42 địa điểm thi đấu cho Thế vận hội, và phần lớn nằm ở Tokyo. Đáng chú ý nhất trong số đó là Sân vận động Olympic Quốc gia mới đưa vào hoạt động, Nhà thi đấu Thủ đô Tokyo và Sân vận động Quốc gia Yoyogi sẽ được sử dụng để tổ chức các sự kiện lớn, tương tự như tại Thế vận hội Tokyo hồi năm 1964.
Để tránh nhiệt độ cao có thể xảy ra ở thủ đô, một số môn thể thao được tổ chức ở các địa điểm xa hơn. Ví dụ, Hokkaido sẽ tổ chức các sự kiện chạy marathon và chạy đua đi bộ.
Sân vận động Quốc gia Olympic mới
Được hoàn thành với chi phí hơn 1,4 tỷ USD, Sân vận động Olympic Quốc gia sẽ tổ chức các sự kiện điền kinh và bóng đá trong suốt Thế vận hội, cùng với đó là Lễ khai mạc và bế mạc.
Sân vận động được khởi công vào tháng 12 năm 2016. Kế hoạch đã bị chậm khoảng 14 tháng so với dự kiến, lý do bởi thiết kế ban đầu của sân bị dư luận phản đối kịch liệt khi chi phí xây dựng quá lớn.
Cùng với đó, sân vận động lớn nhất của Thế vận hội được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Bản Kengo Kuma, một người được biết đến với khả năng pha trộn những phong cách truyền thống của Nhật Bản với các yếu tố hiện đại và thời thượng.
Một Thế vận hội “nóng nực”
Thế vận hội Mùa hè năm nay được tổ chức trong tháng 7 và tháng 8, đây lại thường là cao điểm hàng năm về nhiệt độ và độ ẩm ở Tokyo. Các cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo, trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, nhiệt độ trung bình cao nhất ở thủ đô Tokyo có thể lên tới 38 độ, như vậy, Olympic Tokyo sẽ là Thế vận hội có thời tiết “nóng nực” nhất trong lịch sử 40 năm qua.
Vào năm 1964 ở Tokyo, Nhật Bản tổ chức Olympic vào khoảng thời gian tháng 10, các vận động viên được thi đấu dưới thời tiết mát mẻ, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, kể từ 1976, hầu hết các kỳ Thế vận hội trong lịch sử đều được tổ chức vào khoảng tháng 7 và tháng 8 hàng năm.
Ngọn đuốc
Lễ rước đuốc toàn quốc đã được bắt đầu vào ngày 25/3 tại J-Village, một trung tâm đào tạo bóng đá ở Fukushima. Đặc biệt hơn, đây còn là nơi làm việc của những người từng phải gánh chịu hậu quả của phóng xạ hạt nhân. Ban tổ chức chọn địa điểm này nhằm tưởng nhớ những nạn nhân, cũng như nhấn mạnh sự hồi phục của Nhật Bản sau thảm họa sóng thần và động đất năm 2011.
Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, hành trình rước đuốc tiếp sức đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khi gần một nữa thời gian đường rước đuốc đã bị gián đoạn bởi các mối quan ngại về lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Huy chương Olympic
Vào năm 2019, nhà thiết kế đồ họa Junichi Kawanishi đã giành chiến thắng trong một cuộc thi toàn quốc để được quyền thiết kế huy chương cho Thế vận hội 2020. Theo đó, các huy chương được lên ý tưởng để tượng trưng cho hành trình của một vận động viên, từ khi mới bước đầu tập luyện cho tới ngày trở thành nhà vô địch Olympic.
Đặc biệt, toàn bộ huy chương của Olympic Tokyo sẽ đều được làm từ kim loại tái chế. Cụ thể, thông qua một đợt quyên góp kéo dài hai năm trên khắp nước Nhật, gần 79.000 tấn thiết bị điện tử đã qua sử dụng như điện thoại di động và máy tính xách tay đã được thu thập, tất cả chỉ để cung cấp nguyên liệu thô cho 5.000 chiếc huy chương Olympic.