Olympic Tokyo 2020 hoãn 1 năm, nhiều nước tiếp tục siết chặt quy định đi lại
Ngày 24-3, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Dick Pound cho biết Thế Vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ hoãn lại một năm vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Khảo sát trong giới vận động viên cho thấy rõ tâm lý lo ngại về việc tham gia Thế vận hội Tokyo 2020 giữa tình hình dịch bệnh.
Trước đó, cả Anh, Australia và Canada đều thông báo sẽ không gửi vận động viên tới tranh tài tại Tokyo vào mùa hè này do lo ngại dịch bệnh. Trong khi đó, Ủy ban Olympic và Paralympic của Mỹ (USOPC) cũng khuyến nghị IOC hoãn tổ chức và đưa ra tất cả các bước đi cần thiết để bảo đảm sự kiện này có thể diễn ra trong điều kiện an toàn và công bằng cho tất cả vận động viên.
Tới 18h ngày 24-3, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã chạm mốc 392.169 trường hợp, trong đó có 17.146 ca tử vong và 102.850 người đã hồi phục.
Châu Âu
Số ca nhiễm tại Italia tiếp tục tăng nhanh, lên tới 63.927 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha cũng đang gây lo ngại, khi có thêm 385 người thiệt mạng. Nước này hiện có 39.673 trường hợp nhiễm Covid-19 (thêm 4.537 trường hợp), chỉ đứng sau Italia tại châu Âu.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, giờ mở cửa các cửa hàng tạp hóa và siêu thị tại nước này sẽ giới hạn từ 9h tới 21h hằng ngày. Các xe buýt di chuyển trong các thị trấn và giữa các thành phố sẽ không được phép chở vượt quá 50% công suất và bảo đảm khoảng cách nhất định giữa các hành khách. Tới nay, Ankara đã đóng cửa các trường học, quán giải khát, quán rượu, cấm các buổi cầu nguyện đông người và hoãn vô thời hạn các trận đấu tại các giải thể thao lớn.
Tình hình dịch phức tạp tại châu Âu cũng khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chi nhánh châu Âu ra khuyến nghị các nhà tù siết chặt quy định để ngăn chặn dịch bệnh, với các biện pháp như hạn chế việc thăm tù, tiến hành đo thân nhiệt đúng cách đối với tù nhân và nhân viên, hoặc thực hiện cách ly có giám sát.
Châu Á
Sau Myanmar, Lào cũng ghi nhận hai ca nhiễm đầu tiên, cả hai đều làm việc với người nước ngoài và từng đến Thái Lan thời gian qua.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra những biện pháp mới để đối phó dịch Covid-19 vào ngày 26-3.
Ngày 24-3, sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa, Chủ tịch Ủy ban số 10 thuộc Hạ viện Indonesia Syaiful Huda cho biết Ủy ban này đã quyết định hoãn kỳ thi quốc gia năm 2020 và việc thay thế bằng hình thức khác đang được Quốc hội và Chính phủ Indonesia xem xét.
Châu Mỹ
Số ca nhiễm tại Mỹ vẫn tăng mạnh, khi chạm mốc 46.168 trường hợp (tăng 2.434 ca). Tình hình này khiến 67 nghị sĩ Mỹ đã gửi một bức thư bày tỏ ủng hộ hình thức bỏ phiếu từ xa để thông qua các quyết định của Quốc hội, trong bối cảnh dịch bệnh khiến một số thành viên Quốc hội phải tự cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên truyền thống bỏ phiếu tại Đồi Capitol trong 2 thế kỷ qua được miễn thực thi. Theo các quy định lâu đời tại Mỹ, mọi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội phải được thực hiện với sự có mặt của các nghị sĩ, dù đã có công nghệ bỏ phiếu qua điện thoại trong hai thập kỷ qua.
Covid-19 có thể thay đổi truyền thống bỏ phiếu đã kéo dài 2 thế kỷ của Quốc hội Mỹ.
Cuba cũng công bố thêm một loạt biện pháp nhằm tăng cường đối phó với dịch bệnh. Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz thông báo công dân Cuba sẽ không được phép xuất cảnh cũng như đi lại giữa các tỉnh, thành trong nước, đồng thời tuyên bố đóng cửa trường học ở mọi cấp trên toàn quốc cho tới ngày 20-4.
Trước đó, Cuba cũng đã cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ ngày 24-3, trừ trường hợp công dân Cuba và người cư trú. Tuy nhiên, từ ngày này, tất cả các đối tượng nhập cảnh vào Cuba bắt buộc phải tới các trung tâm cách ly trong 14 ngày.