Olympic Tokyo 2020 không giúp Nội các của Thủ tướng Suga 'cải thiện' tình hình

Mặc dù Thế vận hội hội Tokyo 2020 đã kết thúc vào 8/8 và Nhật Bản đang trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Paralympic diễn ra từ 24/8-5/9, vẫn có những dư âm hay những ý kiến khác nhau về mức độ 'thành công' của giải đấu đặc biệt nhất trong lịch sử này.

Một số diễn biến liên quan sau khi Thế vận hội kết thúc

Sau khi triển khai đồng loạt các biện pháp phòng dịch như kiểm soát chặt chẽ với đoàn nước ngoài, các sự kiện hạn chế hoặc không có khán giả, Tokyo và các tỉnh lân cận tiếp tục trong tình trạng khẩn cấp về Covid-19 bao trùm cả thời gian diễn ra sự kiện… nhằm đảm báo một giải đấu “an tâm và an toàn”. Tuy nhiên, theo thống kê từ 1/7 đến 8/8, đã có 430 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Olympic. Đồng thời số ca nhiễm “bên ngoài Olympic” lại gia tăng nhanh chóng và liên tiếp lập đỉnh tại nhiều địa phương (kể từ khi kết thúc Thế vận hội (8/8) đến nay số ca nhiễm mới đều cao hơn 10.000 ca một ngày, ngày 13/8 lập đỉnh mới với hơn 20.000 ca.

Thủ tướng Suga bên biểu tượng Olympic 2020. Ảnh: Wrestling TV.

Thủ tướng Suga bên biểu tượng Olympic 2020. Ảnh: Wrestling TV.

Thế nhưng giới chức Nhật Bản từng khẳng định tình trạng gia tăng các ca nhiễm trên toàn quốc không có mối liên hệ với việc tổ chức Olympic.

Thế giới “đánh giá cao” Olympic Tokyo 2020

Thế giới đánh giá cao quyết định tổ chức Thế vận hội của Nhật Bản và cho rằng sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Suga Yoshihide qua đó Thế vận hội thành công tốt đẹp và gửi lời chúc mừng đến chính phủ, người dân Nhật Bản; Thủ tướng Pháp nước chủ nhà cho Thế vận hội mùa hè 2024 đã đăng tải Twitter: “Đó là một tình huống chưa từng có, nhưng tất cả chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời”.

Các tờ báo, tạp chí nổi tiếng cũng dành nhiều lời khen cho Thế vận hội: Tờ Reuters (Anh): sự kiện sẽ trở thành biểu tượng cho chiến thắng đại dịch toàn cầu; Tạp chí phố Wall (Mỹ): nhìn chung đều đánh giá thế vận hội đã diễn ra thành công tốt đẹp "vẫn còn rất ít bằng chứng cho thấy giải đấu đã dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh"; Tờ Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc): trong bối cảnh khủng hoảng khi sự lây nhiễm của loại Covid-19, nhưng sự kiện đã vượt quá mong đợi. Một chiến thắng cho tất cả nhân loại. không nhượng bộ Corona là một chiến thắng chung của loài người. Việc tổ chức thành công Thế vận hội Tokyo đã đảm bảo cho sự thành công của Thế vận hội Bắc Kinh”; (iv) Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc): Thế vận hội Tokyo là giải đấu không thể tách rời với Covid-19 và là giải đấu sẽ còn lưu lại trong lịch sử nhân loại.

Nội bộ Nhật Bản có những ý kiến trái chiều

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đăng cai tổ chức Thế vận hội “đặc biệt” trong bối cảnh đại dịch sẽ giúp Nhật Bản tăng cường uy tín trên trường quốc tế, quảng bá được phần nào về đất nước và con người Nhật Bản. Tuy nhiên, từ góc độ hiệu quả kinh tế thì Thế vận hội đã “thất bại”. Về chi phí, ngoài ngân sách theo các hạng mục trúng thầu ban đầu, còn phát sinh các chi phí như bảo trì, bảo dưỡng trong khoảng thời gian hoãn lại 1 năm, cộng với các chi phí liên quan kiểm soát lây nhiễm đối với các đoàn nước ngoài. Khiến chi phí cao hơn nhiều so quy mô của giai đoạn đấu thầu. Về doanh thu, ngoài doanh thu từ bản quyền truyền hình, quảng cáo do sự kiện không khán giả nên doanh thu từ bán vé và tiêu dùng không cao. Đồng thời, Thế vận hội được tổ chức trong tình trạng khẩn cấp, do đó mức độ sẵn sàng mua sắm của người dân không tăng lên và hầu như không có tác động kinh tế của việc tăng tiêu dùng như tăng doanh thu bán hàng. Do vậy ngân sách đã bị thâm hụt lớn.

Bên cạnh đó một số người dân cho rằng Olympic đã gián tiếp dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh tại Nhật Bản như hiện nay. Chính phủ Nhật Bản đã tập trung quá nhiều nguồn lực (truyền thông, hệ thống y tế, nhân lực,... ) cho Olympic mà không quan tâm đến tình trạng lây nhiễm trong nước, đặc biệt là khi biến chủng Delta đang lan rộng. Một số còn cho rằng nên dừng Thế vận hội Paralympic để tránh nguy cơ về một đợt bùng phát mới. Dịch bệnh thời điểm khai mạc Paralympic có thể nghiêm trọng hơn thời điểm khai mạc Thế vận hội nhiều.

Tổ chức Thế Vận hội không giúp Nội các Suga cải thiện tình hình

Sau lễ bế mạc tỷ lệ ủng hộ Nội các Thủ tướng Suga Yohishide giảm xuống mức thấp kỷ lục 29% thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9/2020, tỷ lệ không ủng hộ là 59%. Các cuộc thăm dò trước đó cho thấy 60-80% không ủng hộ việc tổ chức Thế vận hội, nhiều cuộc biểu tỉnh yêu cầu hủy bỏ thế vận hội trước thời điểm và ngay trong thời gian diễn ra sự kiện.

Như vậy, nếu như chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide không có những biện pháp mạnh mẽ và để cho dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi thì nhiều khả năng uy tín của đương kim Thủ tướng và Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do sẽ tiếp tục sụt giảm và gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc bầu cử chủ tịch Đảng và Hạ viện lần lượt vào tháng 9 và tháng 10 tới./.

Hoàng Nguyễn/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/olympic-tokyo-2020-khong-giup-noi-cac-cua-thu-tuong-suga-cai-thien-tinh-hinh-882567.vov