Ôm mộng giàu nhanh, cái giá quá đắt - Kỳ cuối: Những cái giá quá đắt
Nhà đầu tư mất trắng, kiệt quệ, thậm chí nhiều người rơi vào trạng thái quẫn bách vì vỡ nợ và tìm cách từ giã cuộc sống, để lại bao đau thương cho người thân ở lại. Kết thúc bản thân và kết thúc trò chơi, để lại sự xót xa và có chăng là sự cánh báo cho những người còn tỉnh.
“Anh bế tắc lắm rồi”
Ngày 9/2/2023, gia đình nữ sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Hàng hải Việt Nam mất tích nhiều ngày tại Hải Phòng đau xót khi nhận được thông tin về tung tích của con gái. Lãnh đạo UBND huyện An Dương, Hải Phòng cho biết lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân trong ngày 9/2. Kiểm tra điện thoại mà nữ sinh viên này để lại, gia đình thấy có giao dịch chuyển khoản 130 triệu đồng (đây là số tiền nữ sinh viên lấy của bố mẹ cũng như cầm cố chiếc xe máy để có được) cho người lạ.
Trước đó, nữ sinh viên 19 tuổi bất ngờ bỏ nhà ra đi vào tối 4/2. Sau 5 ngày tìm kiếm, cơ quan chức năng phát hiện thi thể của nữ sinh trên tại khu vực chân cầu Kiền (cách nhà nạn nhân khoảng 3km). Bước đầu CA huyện An Dương xác định nạn nhân chết nghi do tự tử.
Theo người nhà nạn nhân, trước khi rời nhà đi, nữ sinh này có lấy tiền của bố mẹ và cầm cố chiếc xe máy. Khi kiểm tra chiếc điện thoại mà H để lại, người thân phát hiện nữ sinh viên này đã thực hiện giao dịch chuyển 130 triệu đồng đến một người lạ với hy vọng nhận được tiền thưởng và hàng hóa sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ” đặt mua trên mạng.
Tháng 6/2022, CA tỉnh Sơn La đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Đào Thị Hiền Trang để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đào Thị Hiền Trang (SN 1988), trú tại Tk15, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đã lạm dụng sự tín nhiệm là lớp phó học tập thu tiền học phí của 45 học viên lớp K61D2 trường ĐH Vinh liên kết đào tạo với trường CĐ Sơn La, với tổng số tiền trên 300 triệu đồng.
Sau khi thu tiền học phí, Trang đã không nộp cho nhà trường theo quy định mà sử dụng vào mục đích cá nhân, trong đó có việc đầu tư vào app BINANCE trên mạng (đây là app không được phép hoạt động tại Việt Nam), dẫn đến không thể chi trả được số tiền đã chiếm đoạt. Theo quy định của pháp luật, hành vi của đối tượng Đào Thị Hiền Trang đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Khoản 3, Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Tương lai của một người trẻ tuổi dừng lại ở đó, có thể rất lâu sau khi trả giá bằng sự tự do thì Trang mới có thể bước tiếp được chặng đường đời.
Ngày 18/1/2022, CQCA quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận được tin báo có một nam thanh niên treo cổ tự tử ở phòng trọ trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu. Nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ thông tin là nạn nhân do đầu tư tiền ảo: “Sau thời gian vay mượn, cầm cố tài sản và mất trắng tất cả, thanh niên đã chọn cách quyên sinh”.
Cũng theo thông tin, bố mẹ nam thanh niên này đã thế chấp nhà và cả mảnh đất để cho con làm ăn. “Bây giờ mất trắng thì con trai họ lại lựa chọn cách ra đi. Khoản nợ ngân hàng vẫn còn đó và bố mẹ không có khả năng trả” - một tài khoản mạng xã hội chia sẻ. Được biết, trước khi đi đến quyết định dại dột, nam thanh niên có nhắn tin cho người yêu và nói rằng: “Anh bế tắc lắm rồi”.
Mới đây, vào ngày 18/2/2023, chị N sinh sống tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đã ôm hai con nhẩy sông Lô tự tử, may mắn thế nào một bé lại bơi được vào bờ và thoát chết. Theo một số người dân ở khu vực chị N sinh sống, thời gian qua chị N có chơi Bitcoin bị thua một số tiền lớn, gia đình cũng đang gánh một khoản nợ khá lớn.
Những vụ tự tử xảy ra. Dù những người ở lại đã vì người ra đi nên không nỡ bàn sâu nhưng những thông tin lan truyền trên mạng khiến ai cũng biết đằng sau những cái kết đau lòng đó là Luna, là Bitcoin, là Axie, là Waves, là BNB, là Ethereum, là Dogecoin...
Nguyên tắc cần nhớ để tránh bị sập bẫy sàn tiền ảo
Sa chân vào trò chơi 4.0 khi hành lang pháp lý không có, cũng không có ai cấm đoán nên giờ đây, nhiều người đã bị mất trắng tiền của, cuộc sống rơi vào thảm cảnh vỡ nợ, thậm chí còn cùng quẫn đến quyên sinh. Lỗi một phần tại họ.
Nhiều cách thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý thắng thua, đam mê bài bạc của các nạn nhân cùng với cam kết trả lợi nhuận cao thậm chí có thể rút vốn cũng như lãi bất cứ lúc nào để dụ dỗ, lôi kéo người chơi thực hiện đầu tư vào sàn giao dịch. Sau khi đã thu hút được một số lượng lớn người chơi nạp tiền vào sàn, bọn chúng sẽ lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền của các tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Để tránh sập bẫy các chiêu trò lừa đảo này, mỗi người cần lưu ý những vấn đề sau đây: Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo vì chúng không được pháp luật bảo hộ. Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo.
Không chỉ vậy, khi phát hành, sử dụng các phương thức thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng theo điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Nếu mức độ vi phạm nặng hơn, căn cứ Điều 206 Bộ luật Hình sự, người phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo không hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với mức phạt tù lên đến 20 năm. Ngoài ra, khi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.