Omicron đảo ngược kỳ tích chống dịch của Australia

Sự thiếu hụt thiết bị test nhanh và kịch bản ứng phó đại dịch không phù hợp đã khiến Australia lâm vào cuộc khủng hoảng về nhân công, kéo theo nguy cơ sụp đổ của chuỗi cung ứng.

Thông thường, mùa hè ở Australia (từ tháng 12 đến tháng 3) là quãng thời gian lý tưởng để tổ chức tiệc nướng và tụ tập vui chơi trên các bãi biển.

Tuy nhiên, với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh và tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên trên phạm vi toàn quốc, người dân Australia đang trải qua một mùa hè ảm đạm và hỗn loạn, CNN nhận định.

 Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Sydney, Australia. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Sydney, Australia. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng test nhanh

Từ giữa tháng một, Australia rơi vào trạng thái thiếu hụt nhân công vì một lượng lớn người lao động nhiễm nCoV hoặc phải cách ly sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Tình trạng này nghiêm trọng đến nỗi nội các của Thủ tướng Scott Morrison phải cân nhắc hạ độ tuổi cấp giấy phép lái xe để tạo điều kiện cho trẻ vị thành niên tham gia vào chuỗi cung ứng.

Dù kế hoạch trên không được thông qua, động thái này cho thấy lãnh đạo Australia đang chật vật để đối phó với Covid-19, bất chấp thực tế rằng Australia từng được ca ngợi vì khống chế thành công đại dịch.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Australia chọn chính sách đóng cửa với thế giới nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Thời điểm nước này bắt đầu rẽ sang hướng tiếp cận mới để sống chung với đại dịch cũng là lúc biến chủng Omicron xuất hiện, kéo theo sự tăng vọt về số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới.

Trong ba tuần đầu tiên của năm 2022, Australia ghi nhận gần 1,5 triệu ca mắc Covid-19 mới. Số người chết vì nCoV trong 24 giờ ở Australia chạm ngưỡng kỷ lục với 88 trường hợp tử vong được ghi nhận trong ngày 21/1.

Sự gia tăng số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đã trầm trọng hóa tình trạng thiếu nhân lực ở Australia. Vào đầu tháng 1, chính phủ nước này ước tính lượng người lao động nghỉ phép vì ảnh hưởng của dịch bệnh có thể lên đến 10%.

Dưới góc nhìn của giới chức Australia, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã làm đảo lộn kế hoạch chống dịch của nước này.

“Biến chủng Omicron là một trong những bất ngờ lớn nhất, tạo ra trở ngại và đảo ngược thành quả chống dịch của chúng tôi”, Thủ tướng Morrison nhận định.

Lộ trình sống chung với Covid-19 của chính phủ Australia được xây dựng dựa theo tác động của biến chủng Delta, vốn có khả năng lây nhiễm thấp hơn so với biến chủng Omicron.

Theo Thủ tướng Morrison, kế hoạch cũ mà giới chức Australia đề ra không bao gồm công tác xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RTA) trên diện rộng. Đây là điểm khác biệt then chốt bởi tình hình dịch bệnh hiện tại đòi hỏi Australia phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm kháng nguyên, theo CNN.

 Australia rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19. Ảnh: Getty.

Australia rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19. Ảnh: Getty.

Cùng lúc đó, nhu cầu xét nghiệm PCR tại các cơ sở y tế cũng tăng mạnh. Thực tế này xuất phát từ việc nhiều người cần kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV để tiếp tục đi làm, trong khi số khác cần kết quả PCR để đến bệnh viện chăm sóc người thân mắc Covid-19.

Hiệp hội Dược phẩm Australia (PGA), cơ quan đại diện cho 5.700 hiệu thuốc tại nước này, cho biết các đơn vị thành viên của họ nhận được bốn cuộc gọi mỗi phút từ những người đang tìm kiếm thông tin về việc xét nghiệm Covid-19.

“Tình trạng này không thể kéo dài lâu được”, Chris Freeman, chủ tịch PGA, nhận định hôm 20/1.

Nguồn cung thiết bị RAT tại Australia khan hiếm đến mức cảnh sát nước này đang cân nhắc sẽ kết án tù và phạt tiền những đơn vị hoặc cá nhân bán các bộ kit RAT với giá thấp hơn 20% so với giá bán lẻ.

Ảnh hưởng chuỗi cung ứng

Vì nhiều người lao động phải nghỉ phép do mắc Covid-19 hoặc phải cách ly do tiếp xúc gần với người bệnh, một loạt siêu thị lớn ở Australia đang chật vật trong việc vận hành và đảm bảo nguồn cung các mặt hàng quan trọng.

Theo quy định chống dịch, những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm nCoV phải cách ly trong 7 ngày. Tuy nhiên, để tránh một cuộc khủng hoảng trên diện rộng, chính phủ Australia đã miễn trừ quy định này đối với người lao động thuộc các lĩnh vực thiết yếu.

Dẫu vậy, một số ngành công nghiệp nước này vẫn đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Thịt gà đã qua chế biến trở thành mặt hàng khan hiếm ở Australia khi tất cả thành phần của chuỗi cung ứng đối với sản phẩm này đều có nhân viên mắc Covid-19. Một phát ngôn viên của Liên đoàn Thịt gà Australia nói với CNN rằng có tới 50% nhân viên tại một cơ sở chế biến xin nghỉ phép vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

 Đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng ở Australia, khiến mặt hàng thịt gà chế biến sẵn trở nên khan hiếm. Ảnh: Lana Dadgar.

Đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng ở Australia, khiến mặt hàng thịt gà chế biến sẵn trở nên khan hiếm. Ảnh: Lana Dadgar.

Australia cũng được cho là sẽ đối mặt với thử thách mới trong giai đoạn cuối tháng 1 khi học sinh ở New South Wales và Victoria, hai tiểu bang chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch, sẽ trở lại trường học.

Vào ngày 23/1, ông Dominic Perrottet, Thủ hiến New South Wales, cho biết toàn bộ giáo viên và học sinh tại bang này sẽ phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh hai lần khi trở lại trường học vào ngày 28/1.

Victoria cũng đang thực hiện biện pháp tương tự song chỉ “khuyến khích” thay vì bắt buộc học sinh và giáo viên xét nghiệm RAT hai lần mỗi tuần.

Giới chức cả hai tiểu bang nói trên sẽ cung cấp thiết bị xét nghiệm nhanh để giảm áp lực cho các nhà thuốc. Việc đeo khẩu trang sẽ trở thành quy định bắt buộc đối với giáo viên và trẻ em từ 8 tuổi trở lên, theo CNN.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/omicron-dao-nguoc-ky-tich-chong-dich-cua-australia-post1291765.html