'Omicron tàng hình' là biến thể chủ đạo trong số ca mắc mới tại Mỹ
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
* Mỹ: Đề xuất chi 81,7 tỉ USD chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai
Ngày 29/3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo biến thể phụ BA.2 của Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình", đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ do có khả năng lây nhiễm nhanh.
Tuy nhiên theo cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, tiến sĩ Anthony Fauci, không có khả năng nước này sẽ phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới gia tăng trở lại.
CDC Mỹ cho biết trong tuần kết thúc ngày 26/3, BA.2 chiếm 54,9% số ca nhiễm mới tại Mỹ, tăng so với tỉ lệ 39% ghi nhận trong tuần trước đó.
Theo các nghiên cứu ban đầu, biến thể "Omicron tàng hình" có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với biến thể BA.1 của Omicron.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, CDC Mỹ đã khuyến cáo người có hệ miễn dịch suy yếu và người trên 50 tuổi cần tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ 4 trong ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm thứ 3.
Trước đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech hoăc Moderna cho cùng nhóm đối tượng này.
Riêng với người đã tiêm mũi 1 và mũi tăng cường vắc xin Janssen của hãng Johnson & Johnson, CDC Mỹ khuyến nghị trong 4 tháng sau mũi tiêm tăng cường, có thể tiêm mũi 2 tăng cường bằng vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA.
Theo CDC Mỹ, vắc xin đã phát huy hiệu quả trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát do biến thể Omicron gần đây, giúp người đã tiêm mũi tăng cường giảm nguy cơ tử vong tới 21 lần và giảm nguy cơ nhập viện điều trị tới 7 lần so với người không tiêm chủng.
Trong vài tuần qua, Mỹ đã dỡ bỏ rất nhiều các biện pháp hạn chế để phòng dịch sau khi một loạt các nước châu Âu thực hiện nới lỏng biện pháp.
Cũng giống như New York, nhiều thành phố của Mỹ như Los Angeles and Washington D.C., đã quyết định bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi tham gia các hoạt động tại một số địa điểm công cộng.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nhiều nơi như trụ sở cơ quan công quyền, không gian kín tại các công viên quốc gia.
Tuy nhiên, quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng đối với hành khách đi máy bay, tại sân bay và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngày 30/3, chính quyền 21 bang đã tìm cách hủy bỏ quy định này khi đệ đơn lên một tòa án Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ.
Kết quả khảo sát mới nhất của AP và Trung tâm Nghiên cứu dư luận quốc gia (NORC) cho thấy có 44% người trưởng thành luôn đeo khẩu trang khi xuất hiện tại các địa điểm công cộng - giảm mạnh so với tỉ lệ 65% trong cuộc thăm dò tương tự thực hiện tháng 1 vừa qua.
Hơn 50% số người được hỏi cho biết họ tránh các hoạt động đi lại không thiết yếu và không tụ tập đông người. Trong cuộc thăm dò công bố tháng trước, hơn 60% số người được hỏi cho biết họ vẫn lựa chọn làm việc từ xa.
* Ngày 28/3, đề xuất ngân sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden được công bố, trong đó kêu gọi dành 81,7 tỉ USD trong 5 năm để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
Đề xuất ngân sách của Nhà Trắng có nội dung: “Trong khi chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra, Mỹ phải thúc đẩy những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và các năng lực cốt lõi để chuẩn bị đối phó với mối đe dọa sinh học tiếp theo và củng cố an ninh y tế của Mỹ và toàn cầu".
Tuy nhiên, ngân sách của Tổng thống Biden chỉ là một đề xuất và bất kỳ khoản tài trợ mới nào cho việc chuẩn bị cho đại dịch sẽ cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Theo đề xuất trên, khoảng 15 tỉ USD được tài trợ cho vaccine, xét nghiệm và điều trị, vốn bị tước khỏi dự luật tài trợ của chính phủ vào đầu tháng này và đang bị đình trệ trong bối cảnh chưa thống nhất về cách thanh toán trong bối cảnh các nhà lập pháp đang tìm kiếm những cách mới để bù đắp cho khoản chi này.
Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden cũng kêu gọi 40 tỉ USD cho việc phát triển và sản xuất vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm nhằm vào các mối đe dọa trong tương lai, trong khi 28 tỉ USD khác sẽ được chuyển cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) để giám sát, thúc đẩy năng lực phòng thí nghiệm và lực lượng lao động y tế công cộng.
Viện Y tế Quốc gia sẽ nhận được 12,1 tỉ USD cho nghiên cứu về vaccine và các biện pháp khác, trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ nhận được 1,6 tỉ USD cho các phòng thí nghiệm và công nghệ thông tin của mình.
Ngân sách cũng kêu gọi 5 tỉ USD cho cơ quan Dự án Nghiên cứu nâng cao về sức khỏe (ARPA-H) mới được thành lập, tập trung vào nghiên cứu y tế trong các lĩnh vực như ung thư, vốn là ưu tiên của Tổng thống Biden.
Trước đây, chính quyền Biden từng đưa ra một kế hoạch trị giá 65 tỉ USD vào mùa thu 2021 để chuẩn bị cho đại dịch trong vòng từ 7-10 năm, nhưng Quốc hội Mỹ đã không hành động theo đề xuất đó.