Omicron và nỗi lo biến thể

Mới khoảng một tháng nay kể từ khi phát hiện ở Nam Phi, Botswana... nhưng Omicron đã là cái tên được xướng lên nhiều lần ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi tốc độ lây lan nhanh gấp hàng trăm lần so với biến thể Delta và hậu quả của nó cũng chưa lường hết được. Sự sinh sôi, phát triển nhanh chóng của biến thể mới này thậm chí còn được ví như 'cơn địa chấn'...

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân thôn Cẩm Đội, xã Thụy Vân, TP Việt Trì.

(baophutho.vn) - Mới khoảng một tháng nay kể từ khi phát hiện ở Nam Phi, Botswana... nhưng Omicron đã là cái tên được xướng lên nhiều lần ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi tốc độ lây lan nhanh gấp hàng trăm lần so với biến thể Delta và hậu quả của nó cũng chưa lường hết được. Sự sinh sôi, phát triển nhanh chóng của biến thể mới này thậm chí còn được ví như “cơn địa chấn”, “sóng thần” nếu như nó kết hợp với biến thể Delta để “tác oai tác quái” trên diện rộng, vì thế cảnh giác, ngăn chặn, đối phó với biến thể Omicron không chỉ là công việc, nỗi lo của riêng một quốc gia nào. Từ sự quan ngại của các quan chức chính phủ, chuyên gia y tế đến người dân của các quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy Omicron đã là vấn đề có tính toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay, tạo nên “rào chắn” bằng hàng loạt các kịch bản ứng phó hữu hiệu, trong đó có Việt Nam.

Theo những nghiên cứu bước đầu cho thấy, Omicron gây nên nỗi lo vì nó có khoảng 50 đột biến, trong đó có 36 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay và các đột biến ở biến thể này có khả năng tạo ra nguy cơ đặc biệt như nhiều đột biến có khả năng kháng các kháng thể trung hòa, có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch bẩm sinh, tạo cho virus có khả năng siêu lây nhiễm. Do vậy, ngày 26/11/2021, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về biến thể virus đặt tên là Omicron, trước đây được gọi là B.1.1.529 và phân loại chủng này là một “biến thể đáng lo ngại”.

Đề cập đến nguy cơ tái nhiễm COVID-19 với biến thể Omicron, WHO cho biết, phân tích sơ bộ cho thấy các đột biến của biến thể Omicron có thể làm giảm hoạt động trung hòa của các kháng thể dẫn đến giảm khả năng bảo vệ từ miễn dịch tự nhiên. Cũng qua nghiên cứu, Omicron có thể gây nguy cơ tái nhiễm cao gấp 5,4 lần so với Delta, miễn dịch tạo ra sau khi phục hồi COVID-19 giảm chỉ còn khoảng 19% với biến thể Omicron.

Thông tin từ Tổ chức y tế thế giới, đến ngày 18/12, Omicron - biến chủng mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã lan ra gần 90 quốc gia trên thế giới, số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi cứ sau 1,5 ngày đến 3 ngày ở những nơi có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và sự lây lan của Omicron vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bao phủ diện tiêm vắc xin cho người dân là biện pháp hữu hiệu phòng, chống COVID-19, kể cả biến thể Omicron hay Delta.-Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn.

Đứng trước nguy cơ xâm nhiễm của Omicron và những hậu quả mà nó mang lại, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những động thái ngăn ngừa với các kịch bản nhằm ứng phó kịp thời. Ngay từ thời điểm cuối tháng 11, các nước như Italia, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Cộng hòa Czech, một số nước châu Âu khác đã áp đặt lệnh cấm đi lại mới. Nga cũng đã gia nhập danh sách các quốc gia ban hành lệnh cấm du lịch mới cùng với Mỹ, Brazil, Bahrain, Singapore, Malaysia, Philippines, Nhật Bản. Các nước châu Âu đã áp đặt những hạn chế đi lại lên một số nước châu Phi, trong đó có Nam Phi.

Cùng chung hành động, các nước Đông Nam Á cũng “dựng rào chống”, ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron thông qua thắt chặt hạn chế đi lại đối với nhiều nước châu Phi và kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, điển hình như Malaysia cấm du khách từ các quốc gia có nguy cơ cao, Myanmar thắt chặt hạn chế đi lại, Singapore kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, Indonesia từ chối người từng đến một số nước châu Phi, Philippines cấm du khách từ 14 quốc gia châu Âu và châu Phi, Thái Lan hoãn kế hoạch tăng tốc độ nhập cảnh... Mặc dù áp dụng chặt chẽ các biện pháp trước mắt nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, tiêm vắc xin COVID-19 vẫn là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất trong kiểm soát dịch bệnh, kể cả với các biến thể mới như Delta hay Omicron.

Đối với Việt Nam, tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm Omicron nhưng với tinh thần chủ động, sẵn sàng ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là biến thể mới Omicron, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với Tổ chức y tế thế giới để cập nhật thông tin, chuẩn bị phương án về vắc xin, thuốc điều trị phù hợp đối phó với biến thể Omicron. Ngày 4/12/2021, Thủ tướng ký Công điện số 1677/CĐ-TTg gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta, Bộ Y tế đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron; chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi...

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 16/12, cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế kiến nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn COVID-19; tăng cường giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú; tuyên truyền, nâng cao ý thức của từng người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nâng cao năng lực y tế cơ sở...

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202112/omicron-va-noi-lo-bien-the-181842