Ồn ào 'đạo tranh' chưa qua, họa sĩ Trung Đinh tiếp tục bị 'tố' không biết vẽ

Sau ồn ào 'đạo tranh' của họa sĩ người Nga Alexei Antonnov, họa sĩ Trung Đinh (Đinh Quang Trung) tiếp tục bị 'tố' không biết vẽ. Thậm chí dân cư mạng còn lập hẳn một nhóm công khai chuyên 'bóc phốt' dạy vẽ trên vải của họa sĩ này.

Bị tố "đạo tranh"

Vài tháng trước, trên mạng xã hội đã lan truyền những hình ảnh so sánh tác phẩm từng được đấu giá thành công tại đêm nhạc thiện nguyện "Ước mơ của Thúy" của họa sĩ Trung Đinh với tác phẩm của họa sỹ người Nga Antonov, người nổi tiếng với các bức tranh vẽ về hoa hồng.

Cộng đồng mạng cho là, họa sỹ Trung Đinh đã "đạo tranh" của họa sỹ Antonov rồi đem đấu giá. Trước những thông tin này, họa sỹ Trung Đinh nhận lỗi việc ký tên trên bức tranh là sai, song nói mình "đạo tranh" là hiểu chưa đúng vấn đề.

Bức tranh của họa sĩ Alexei Antonov

Bức tranh của họa sĩ Alexei Antonov

Họa sĩ Trung Đinh giải thích: "Trung muốn trình bày lại câu chuyện này từ 2 năm trước, khi đó, báo Tuổi Trẻ có tổ chức 1 đêm nhạc gây quỹ từ thiện cho bệnh nhi ung thư trên toàn quốc. Ban tổ chức đã mời Trung hát 1 bài trong chương trình và hỏi Trung là có bức tranh nào tặng cho chương trình để bán đấu giá cho bệnh nhân không.

Lúc đó, Trung có vẽ bức tranh hoa hồng và nói rõ với ban tổ chức rằng Trung đang có 1 bức tranh nhưng không phải tranh sáng tác, mà là vẽ lại của người thầy Alex Antonov thì có sao không. Vì Trung đam mê tranh, vẽ chơi và trưng bày thôi chứ không có kinh doanh hay buôn bán về tranh.

Ban tổ chức đã đồng ý và trước buổi đấu giá tranh, Trung có xin phép ra sân khấu để giới thiệu nguồn góc và xuất xứ của bức tranh rất rõ ràng, để khán giả tại đêm nhạc cùng nghe. Và ai có ý tham gia đấu giá tranh đều sáng tỏ trước khi họ quyết định mua.

Cuối cùng, bức tranh đó bán được với gia 160 triệu, tất cả số tiền là báo Tuổi Trẻ giữ và đã trao tận tay cho bệnh nhi…".

Bức tranh "Thời gian" của họa sĩ Trung Đinh được bán 160 triệu trong buổi đấu giá

Bức tranh "Thời gian" của họa sĩ Trung Đinh được bán 160 triệu trong buổi đấu giá

Tuy nhiên, lời giải thích của họa sĩ này được cho là chưa đúng sự thật, là chống chế để xoa dịu cư dân mạng. Trong clip ghi lại đoạn Trung Đinh giới thiệu về hoàn cảnh vẽ bức tranh tại đêm thiện nguyện, họa sĩ đã nói hoàn toàn khác.

Anh cho biết, bức tranh hoa hồng đó được vẽ từ một bức ảnh. Và thầy của anh, họa sỹ Antonov cũng đã chép từ bức ảnh đó. "Họa sỹ Antonov, thầy của Trung Đinh, đã từng muốn Trung vẽ bức tranh này nhưng lúc đó tôi chưa có đủ can đảm. Mãi sau này Trung mới dám thể hiện bức tranh được chuyển thể từ ảnh đó", họa sĩ giải thích.

Và cả khi mới bị cộng đồng mạng "tố" đạo tranh, họa sĩ này vẫn khẳng định: "Bức tranh này là Trung và thầy Alexei Antonov cùng vẽ từ một bức hình chụp. Thầy vẽ trước, Trung vẽ sau".

Sau đó, họa sĩ Đinh Trung còn tuyên bố: "Mà đạo tranh thì đã sao nhỉ? Đạo tranh mà kiếm được 160 triệu cho trẻ em ung thư thì cũng ráng mà đạo. Chỉ sợ muốn đạo cũng không có khả năng đạo,…đã không giúp gì cho ai mà cứ thích bắt lỗi người khác".

Chia sẻ của họa sĩ Trung về bức tranh bị tố "đạo" tranh của họa sĩ Antonov

Chia sẻ của họa sĩ Trung về bức tranh bị tố "đạo" tranh của họa sĩ Antonov

Không biết vẽ vẫn mở lớp dạy vẽ để thu tiền?

Ồn ào "đạo tranh" chưa kịp qua, họa sĩ Trung Đinh tiếp tục bị "tố" không biết vẽ nhưng vẫn mở lớp dạy vẽ để lấy tiền. Thậm chí, trên mạng xã hội còn có hẳn một nhóm công khai chuyên "bóc phốt" họa sĩ này có tên "Phốt dạy vẽ trên vải Trung Đinh".

Nhóm công khai "bóc phốt" họa sĩ Trung Đinh

Nhóm công khai "bóc phốt" họa sĩ Trung Đinh

Trùy Trang, người lập nhóm cho biết, chị không phải họa sĩ cũng không quen biết với họa sĩ Trung Đinh nên không có chuyện thù oán cá nhân. Song, bạn bè, người quen từng là học viên cũ của họa sĩ và nhiều người đến mua màu của chị tố cáo việc họa sĩ này không biết vẽ, không có kiến thức về mỹ thuật nhưng vẫn mở lớp dạy vẽ để lấy tiền học viên nên chị muốn lên tiếng nhằm cảnh báo mọi người.

"Nhiều năm trước, một lần tình cờ tôi phát hiện họa sĩ Trung đăng bức tranh "tĩnh vật" lên mạng nói là tranh mình vẽ nên đã vào bình luận rằng đây là "tranh đạo" của họa sĩ Alexei Antonov. Ngay sau đó bức tranh đã bị gỡ xuống, it lâu sau thì được đem đi đấu giá trong chương trình "Ước mơ của Thúy"", chị Trang cho biết.

Lời "tố" của một học viên cũ

Lời "tố" của một học viên cũ

Trên nhóm cũng công khai "tố" họa sĩ Trung không biết vẽ. Tất cả những kiến thức họa sĩ này dạy cho học viên đều có hết trên mạng và toàn là kiến thức lý thuyết cơ bản chỉ dành cho những người mới bắt đầu học vẽ những đã cũ so với kỹ thuật vẽ hiện hành.

Học viên vào học đều được dạy chung một giáo trình không phân biệt trình độ. Hoàn thành xong kiến thức cơ bản, học viên tiếp tục phải ngồi tán màu nên nhiều người không thể vẽ được gì sau khi kết thúc khóa học. Một số người học mấy buổi thấy không chất lượng nên nghỉ học giữa chừng.

Bạn Lê Lam chia sẻ: "Lúc vào học thì không ai nói gì nên không biết, khi vào học rồi hối hận nhưng đã muộn. Tiền đã đóng rồi nên cái nhận được là một cục tức… Khi qua đó em đã vẽ được gần 10 năm rồi. Em tốt nghiệp chuyên nghành thiết kế thời trang nên mấy cái đó không là gì hết, nhưng chỉ được họa sĩ Đinh Trung dạy toàn kiến thức cơ bản, lúc học phổ thông dưới quê cũng được dạy rồi mà bê y chang luôn. Nói thì ổng phán một câu, vậy là các bạn trở thành chuyên nghiệp rồi đó".

Và rất nhiều học viên khác "tố" lớp học dạy vẽ trên áo dài của họa sĩ Trung Đinh không dạy phối màu, không dạy kỹ thuật như quảng cáo. Giáo viên chỉ dựng bố cục xong rồi đi để học viên ngồi từ sáng đến tối.

Trao đổi với phóng viên, họa sĩ Trung Đinh nói mình có biết về nhóm "Phốt dạy vẽ trên vải Trung Đinh" nhưng không quá quan tâm vì những lời "tố" trên là của những học viên lười học, bỏ học giữ chừng nên không thể thành nghề, những học viên cũ giờ là đồng nghiệp cạnh tranh không lành mạnh hoặc những người từng bị anh từ chối hợp tác kinh doanh.

Họa sĩ khẳng định, khoảng 2 năm trước, chị Thùy Trang muốn bán màu vào trong lớp dạy của mình nhưng không được vì anh chỉ mua màu vẽ của những hãng đã có thương hiệu, không mua màu tự pha. Có thể lời nói của anh lúc đó không được tế nhị làm chị Trang phật ý nên muốn bôi xấu mình để trả thù.

Về những lời "tố" của chị Song Lê, theo họa sĩ Trung là xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh. Song Lê vốn là học viên cũ, sau khi thành nghề ra mở lớp dạy vẽ, vì cạnh tranh nên đã nói xấu thầy giáo cũ.

Còn việc một số học viên cũ "tố" không học được gì sau một khóa học vẽ thì họa sĩ Trung Đinh cho rằng là do những người này không chịu học.

"Hơn 5 năm qua, Trung đào tạo hơn 2.000 học viên trên toàn quốc hiện đang làm nghề rất nhiều. Con số vài người đó không phải là số lượng lớn. Một khóa học chỉ 16 buổi trong 2 tháng thôi mà có người rất làm biếng và hay nghỉ. Nghỉ một ngày thì mất bài một ngày. Mất bài thì họ nản, họ nản thì họ nghỉ, họ nghỉ thì họ không biết gì, họ không biết gì thì họ quay ra bảo Trung không dạy gì".

Nhận định về vụ việc này, luật sư Tám Trần (luật sư chuyên về bản quyền, Công ty IPCom Việt Nam) cho biết, pháp luật Việt Nam và quốc tế đều cho phép một số trường hợp được sao chép tác phẩm đã công bố của người khác mà không bị coi là xâm phạm bản quyền, thậm chí không phải xin phép.

Trong đó có trường hợp tác phẩm sao chép được sử dụng cho mục đích cá nhân/ phi thương mại hoặc tác phẩm được sao chép đã hết thời hạn bảo hộ quyền kinh tế (cho tác giả); Không gây ảnh hưởng tới sự khai thác bình thường tác phẩm gốc; Phải đảm bảo quyền nhân thân của tác giả tác phẩm gốc.

Trong trường hợp của họa sĩ Trung Đinh, luật sư Tám Trần cho rằng, việc sao chép tác phẩm của họa sỹ Antonov rồi đem tặng bạn bè như họa sỹ chia sẻ là phạm luật. Còn việc ký tên người chép tranh lên tác phẩm trong trường hợp sao chép tranh để treo trong nhà là chưa đủ mà cần phải đề rõ tên tác giả của tác phẩm gốc. Việc lờ đi không đề tên họa sỹ Antonov trên tranh của Trung Đinh sẽ dẫn tới sự hiểu lầm cho người chơi tranh.

Bảo Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/on-ao-dao-tranh-chua-qua-hoa-si-trung-dinh-tiep-tuc-bi-to-khong-biet-ve-20190707213422768.htm