Ồn ào 'thuốc điều trị' Vipdervir: Dược phẩm Vinh Gia liên tục xóa thông tin rồi 'dọa' mời luật sư
Trước ồn ào về TPBVSK Vipdervir C 'ăn theo' thuốc chữa COVID-19, Dược phẩm Vinh Gia khẳng định không liên quan và 'dọa' sẽ mời luật sư vào cuộc. Trước đó, không ít sản phẩm của Vinh Gia vướng 'ồn ào' khi được quảng cáo như thần dược chữa bệnh, thông tin trên website công ty liên tục bị xóa khi có phản ánh.
Vipdervir
và Vipdervir C: Hợp đồng ra trước, TPBVSK "rảo bước" theo sau
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước thì những thông tin liên quan đến thuốc điều trị COVID-19 càng thu hút sự chú ý của dư luận.
Do đó, sự kiện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của thuốc điều trị COVID-19 ngày 10/8 vừa qua khiến không ít các bên quan tâm khi đây là một tin vui với công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài các thành viên thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN), công trình này còn được sự hỗ trợ của lãnh đạo Viện VAST, Bộ Y tế và có sự liên kết với Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam.
Theo thông báo mới nhất của Viện Hàn lâm KHCNVN, ngày 20/3/2020, Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia đã ký hợp đồng hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để sản xuất chế phẩm Vipdervir (nay gọi là thuốc Vipdervir). Tuy nhiên, sau đó ngày 29/6/2021, chỉ ít ngày trước khi Viện Hàn lâm KHCNVN công bố kết quả tiền lâm sàng, Công ty Vinh Gia bất ngờ ra mắt sản phẩm có tên tương tự là Vipdervir C.
Người tiêu dùng sẽ khó lòng phân biệt được hai sản phẩm TPBVSK Vipdervir C và thuốc thử nghiệm Vipdervir.
Điều đáng nói, ngoài cái tên gần như giống nhau thì vỏ họp, màu sắc, thiết kế bố cục hai sản phẩm này gần giống nhau, nếu nhìn thoáng qua sẽ khiến nhiều người tưởng rằng đây cùng là một sản phẩm.
Điều lạ lùng hơn là từ khi ra mắt TPBVSK Vipdervir C, đơn vị này không hề tiến hành quảng bá cho sản phẩm "con cưng" mà chỉ tập trung quảng cáo cho sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 có tên tuổi, "ngoại hình" giống với sản TKBKVS.
Liêu đây có là "chiêu ăn theo" của doanh nghiệp khi biết thông tin thuốc điều trị COVID-19 sắp ra đời như hợp tác và đã mau chóng cho ra sản phẩm thực phẩm chức năng với cái tên gần giống và mẫu mã tương tự?
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), trên website của Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia (duocphamvinhgia.vn) vẫn còn liên tục đăng tải, dẫn nguồn các bài viết về buổi công bố thuốc điều trị COVID-19 Vipdervir do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức trước thời điểm chiều 11/8. Nhưng bất ngờ, Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia sau đó xóa hết thông tin đã từng đăng tải đồng thời cho ra một bản thông cáo với lời lẽ "dọa dẫm" yêu cầu báo chí không được đăng tải là thuốc Vipdervir.
Nội dung nhanh chóng bị gỡ bỏ sau khi Dược phẩm Vinh Gia đưa ra thông tin đính chính.
"Soi" lại các sản phẩm của Vinh Gia, trước đó đã có không ít sản phẩm dù chỉ là TPBVSK nhưng đã được thổi phồng công dụng như "thần dược" chữa bệnh. Theo đó, chỉ đầu năm 2021, sản phẩm Kiều Xuân, An Trĩ Vương của công ty này bị nhắc tên khi đều sử dụng chiêu trò tung hô có công dụng như thần dược.
Ngoài ra, những sản phẩm này còn vi phạm những quy định về quảng cáo như: Sử dụng tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Dù đang bị vướng vào nghi vấn ăn theo thuốc điều trị COVID-19 kèm theo không ít "ồn ào" sai phạm quảng cáo nhưng Dược phẩm Vinh Gia vẫn đưa ra lời lẽ dọa dẫm với cơ quan báo chí khiến nhiều người "ngán ngẩm".
Còn trách nhiệm đằng sau sự việc này thuộc về ai? Các hoạt động kinh doanh sản phẩm TPBVSK, thuốc của Vinh Gia có tuân thủ quy định pháp luật hay không? Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều làm rõ.
hững tác dụng được "thổi phồng" của TPBVSK Kiều Xuân trên trang web kieuxuan.vn. (ghi nhận tại thời điểm 4/2021)
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ có "vô tình" gây hiểu lầm?
Theo thông tin họp báo ra mắt, nhóm nghiên cứu sản xuất thuốc Vipdervir do PGS.TS Lê Quang Huấn hướng dẫn và thực hiện trực tiếp. Thành viên của nhóm còn có nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ sinh học (VAST) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh Vipdervir an toàn và có khả năng ức chế phát triển SARS-CoV-2 cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị COVID-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng. Dự kiến, thuốc Vipdervir sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 200 người bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Nghĩa là sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 Vipdervir mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm tiền lâm sàng và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh. Vậy, việc Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức họp báo công bố sản phẩm Vipdervir là "thuốc điều trị COVID-19" liệu có gây hiểu lầm?
Dù hiện mới có kết quả tiền lâm sàng khả quan đối với việc điều trị Covid-19 nhưng Viện Hàn lâm KHCNVN đã công bố Vipdervir là "thuốc điều trị COVID-19".
Theo một số dược sĩ, chuyên gia y tế, việc trong khi đang nghiên cứu lâm sàng nhưng các đơn vị đã gọi là “thuốc điều trị COVID-19 VIPDERVIR” là chưa chính xác. Sản phẩm chỉ được phép gọi là thuốc và có tên thương mại khi đã nghiệm thu nghiên cứu lâm sàng và được cấp phép lưu hành.
Thế nhưng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mới đang tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng nhưng đã đưa luôn tên thương mại VIPDERVIR dễ gây hiểu lầm cho người dân và cộng đồng. Ngay cả khi nghiên cứu pha 3 thành công, lưu hành trên thị trường cũng chỉ nên "khiêm tốn" gọi là "thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 thể nhẹ”.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, việc sản phẩm Vipdervir mới đang được chuyển qua giai đoạn lâm sàng mà lại tổ chức truyền thông đăng tải rầm rộ, gọi là thuốc điều trị COVID-19 trong khi thị trường có sản phẩm tương tự thì người dân rất dễ lầm tưởng và đổ đi mua.