Ổn định dân số, góp phần phát triển kinh tế, xã hội
Những năm qua, công tác dân số -KHHGĐ đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để chuyển đổi hành vi dân số cho người dân. Nhờ đó, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 5/2022, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 18,8%; tỷ số giới tính khi sinh là 118,2 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trở lên giảm còn 1,23%; từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...
Ảnh: Lò Thái
Các cấp, các ngành, địa phương và cơ quan chuyên môn đã sử dụng nhiều hình thức truyền thông phong phú, gồm trực tiếp và lưu động; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, bản, tiểu khu; căng treo pa nô, áp phích; tổ chức hội thi, cuộc thi tìm hiểu về công tác dân số - KHHGĐ... Nội dung tuyên truyền chủ yếu về Pháp lệnh dân số, các chính sách dân số-KHHGĐ của Trung ương, của tỉnh; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn I (2016-2021) và giai đoạn II (2021-2025) trên địa bàn tỉnh; các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ; hệ lụy của tỷ số chênh lệch mất cân bằng giới tính khi sinh, của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội CCB, Hội Nông dân, Hội LHPN thường xuyên tuyên truyền lồng ghép công tác dân số trong các hoạt động của đơn vị. Đây còn là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá thi đua của tập thể, cá nhân, cũng như đánh giá phân loại cán bộ hàng năm. Đồng thời, hoạt động của hàng nghìn câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Không sinh con thứ ba trở lên”, “Sinh con một bề”... đã tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên có thêm kiến thức về công tác dân số-KHHGĐ, cũng như được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số các xã, phường, thị trấn; cộng viên dân số tổ, bản, tiểu khu đã thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kiên trì, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động từng cặp vợ chồng, từng hộ gia đình thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ. Nhất là ở các xã vùng III, đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn can thiệp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức sinh hoạt nhóm tại hơn 1.000 bản đặc biệt khó khăn, với hàng chục nghìn lượt người dân tham gia...
Hàng năm, các chiến dịch “Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến các vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn” tổ chức tại 100 xã trong tỉnh đã có chục nghìn lượt người hưởng ứng. Trong mỗi đợt chiến dịch, người dân được tuyên truyền, giải thích về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, của mất cân bằng giới tính khi sinh, của việc đẻ nhiều, đẻ dày... Từ đó, tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại và chủ động tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Ảnh: Huyền Trăng
Bên cạnh đó, ngành Y tế còn phối hợp với các huyện, thành phố duy trì hoạt động nền nếp của mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 35 xã và 12 trường phổ thông dân tộc nội trú; 70 câu lạc bộ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp giảm tỷ lệ bệnh tan máu bẩm sinh. Riêng 13 điểm sàng lọc trước sinh, 12 điểm sàng lọc sơ sinh tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, trung tâm y tế các huyện thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm; sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh, góp phần giảm thiểu những trẻ sinh ra mắc các bệnh bẩm sinh.
Với mục tiêu ổn định, nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các hoạt động của công tác dân số, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, từng dân tộc. Tập trung giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình; tăng cường tầm soát chẩn đoán trước sinh, sơ sinh. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm nhiệm công tác dân số tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả... Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; từng bước giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nguyễn Thị Liễu
Chi cục trưởng Chi cục dân số - KHHGĐ tỉnh