Ổn định để phát triển - phát triển để ổn định (Bài 4)

NẮM CHẮC NHÂN TỐ ĐẶC THÙ, SÁNG TẠO PHÁT HUY LỢI THẾ

BPO - Bình Phước có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 258,939km; có gần 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, biên giới; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều. Để phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định địa bàn, Bình Phước đặc biệt quan tâm những yếu tố đặc thù này và đã ban hành nhiều quyết sách đảm bảo an sinh xã hội, vừa củng cố quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng cho sự phát triển để giữ vững ổn định.

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định

Với đặc thù tuyến biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu thông thương với các nước trong khu vực để giữ vững ổn định, Đảng ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Bình Phước thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP về công tác quản lý, bảo vệ biên giới; thực hiện tốt các hiệp định, hiệp nghị biên giới Việt Nam - Campuchia; tăng cường tuần tra song phương…

Tận dụng địa bàn huyện Lộc Ninh đất rộng, địa phương có số giờ nắng cao, nhiều dự án điện năng lượng mặt trời đang được đầu tư góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đóng góp cho thu ngân sách địa phương (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) - Ảnh: Bùi Liêm

5 năm qua, BĐBP Bình Phước đã phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức tuần tra biên giới 12.741 lần, thường xuyên tổ chức lực lượng quản lý chặt việc cư trú, đi lại trên tuyến biên giới. Hai bên định kỳ tổ chức hội đàm cấp bộ chỉ huy và cấp đồn biên phòng; thường xuyên trao đổi tình hình, phối hợp tuần tra cùng thời điểm khi có tình huống đột xuất xảy ra... Công tác hội đàm, gặp gỡ, thăm hỏi xã giao giữa các lực lượng và chính quyền các tỉnh, huyện biên giới tiếp giáp được thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là các hoạt động thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động được thực hiện đơn giản, ngắn gọn ngay trên tuyến biên giới để đảm bảo phòng, chống dịch. BĐBP Bình Phước cũng đã chỉ đạo các đồn tham mưu địa phương tổ chức ký kết, giao lưu 9 cụm dân cư 2 bên biên giới. Qua đó góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đưa Bình Phước trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc chính trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia từ năm 2012.

Củng cố thế trận lòng dân làm “chúng chí thành thành” nơi phên dậu

Ăn lương quân đội nhưng làm việc xã, chương trình tăng cường cán bộ cho các xã biên giới khó khăn đã góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết tình quân dân. Đặc biệt, tiếp nối thành công của chương trình, năm 2020, BĐBP Bình Phước tiếp tục phân công 316 cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ 1.461 gia đình ở khu vực biên giới, cử 7 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, 90 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 124 chi bộ thôn, ấp, đảm bảo 100% chi bộ thôn, ấp giáp biên có đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt. BĐBP Bình Phước cũng đang duy trì 65 tổ chốt cố định và 11 tổ tuần tra cơ động trên tuyến biên giới nhằm kiểm soát, không để dịch Covid-19 lây lan vào nội địa.

Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc chính trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia từ năm 2012. Trong ảnh, lực lượng biên giới các tỉnh giáp biên Việt Nam - Campuchia cùng kiểm tra lần cuối công tác xây dựng cặp mốc 73 (1,2) trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Ông Điểu Khuya, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho hay: Lộc Hòa có Phó bí thư Thường trực Đảng ủy là cán bộ biên phòng tăng cường về xã và nhiều đảng viên biên phòng đang tham gia sinh hoạt đảng tại chi bộ các thôn, ấp. Không chỉ tham gia sinh hoạt đảng, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, củng cố quốc phòng, an ninh cơ sở, cán bộ, đảng viên biên phòng còn là những tuyên truyền viên tích cực, người trực tiếp tham gia giúp các hộ dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng địa bàn biên giới ổn định và phát triển.

Với đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối tắt, trong khi dịch Covid-19 tại Campuchia chưa được kiểm soát ở mức an toàn thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vào tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, với “lá chắn xanh” như những vành đai thép vững chắc trên tuyến biên giới, đến nay, phòng tuyến này vẫn vững vàng, chưa để lây lan dịch từ biên giới vào nội địa.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, chủ trương tăng cường BĐBP về cơ sở rất thiết thực và phù hợp với đặc thù các xã biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ gắn kết tình quân dân mà trong điều kiện trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ các xã biên giới còn hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn thì đây là giải pháp rất hữu ích nhất.

Ông ĐIỂU KHUYA,
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh

Chuyển khó khăn, thách thức thành lợi thế và ưu thế phát triển

Các huyện biên giới của Bình Phước có đặc thù xa trung tâm tỉnh, đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Điển hình là huyện biên giới Lộc Ninh, nhiều vùng đất “thẳng cánh cò bay” nhưng chỉ thích hợp cho cây tràm phát triển. Đất đai khô cằn, nắng gắt, rất khó để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong khi việc thu hút doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp về đây là không dễ…

Với mục tiêu biến khó khăn, thách thức thành lợi thế phát triển, tranh thủ mặt bằng rộng, địa phương có số giờ nắng cao, Bình Phước đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có dự án điện mặt trời ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh quy mô 800MW do Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư; dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ, công suất 50MW được xây dựng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập và phường Thác Mơ, thị xã Phước Long. Các dự án điện mặt trời không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm cho người dân địa phương mà khi đưa vào vận hành còn đóng góp không nhỏ cho thu ngân sách địa phương.

Thực hiện Quyết định số 811/QĐ-BTLQK7 của Bộ tư lệnh Quân khu 7 về Đề án xây dựng “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn quân khu giai đoạn 2019-2025”, qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Bình Phước đã mở rộng được 9 điểm dân cư liền kề, xây 80 căn nhà, đưa 80 hộ dân lên sinh sống. Ngoài hỗ trợ nhà, các hộ dân còn được hỗ trợ đất để phát triển kinh tế. Dự kiến đến năm 2025, sau khi hoàn thành đề án, các điểm dân cư liền kề sẽ phát triển thành những cụm dân cư, không chỉ góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên mà còn là thành trì bảo vệ vững chắc tuyến biên giới.

Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là một chủ trương lớn của Quân khu 7 nhằm đưa nhân dân ra vùng biên giới để phát triển kinh tế. Đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng BĐBP, nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; góp phần đẩy mạnh giảm nghèo khu vực vùng biên và từng bước hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới, phát huy vai trò mỗi người dân là “cột mốc sống” canh giữ biên cương.

Đại tá NGUYỄN THÀNH RUÂN,
Phó chính ủy, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Đặc biệt sáng 20-6-2021, tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Cụm công trình X16). Cụm công trình có tổng trị giá đầu tư gần 300 tỷ đồng, gồm 4 cụm thành phần, kết nối bằng các tuyến đường X16 và quốc lộ 13B được đầu tư khang trang, rộng lớn, với tổng chiều dài hơn 23km. Công trình không chỉ có ý nghĩa chính trị, ngoại giao, quốc phòng to lớn mà còn mang giá trị kinh tế đối với vùng biên giới này khi có các tuyến giao thông huyết mạch kết nối, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, bởi thực chất biên giới có ổn thì nội địa mới phát.

Sau gần 25 năm tái lập, nhờ nắm chắc nhân tố đặc thù, sáng tạo phát huy lợi thế, Bình Phước đã và đang có sự chuyển mình đúng hướng, bắt nhịp với xu thế và yêu cầu hội nhập. Đây chính là nền tảng, cơ sở vững chắc cho sự ổn định và phát triển của Bình Phước trong tương lai.

Minh Nhâm - Tùng Sơn - Hoàng Thu - Minh Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127433/on-dinh-de-phat-trien-phat-trien-de-on-dinh-bai-4