Ổn định đời sống nhân dân, chủ động trước diễn biến mới của thời tiết
Trong ngày 16-10, dù mưa chưa dứt hẳn nhưng chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương của TP Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai phương án hỗ trợ người dân vùng ngập lụt sớm ổn định cuộc sống. Do ứng phó chủ động với mưa lũ nên các hộ gia đình bị ảnh hưởng cũng sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường.
Gần 7.000 người dân sơ tán trở về nhà an toàn
Trong 3 ngày vừa qua đã có 6.840 người dân thành phố được sơ tán để đảm bảo an toàn. Trong đó, sơ tán tập trung 377 người, sơ tán tại chỗ 6.463 người. Quận Liên Chiểu có số người dân được sơ tán cao nhất với 5.867 người. Sau khi nước rút, các quận huyện đã cho người dân trở về nhà an toàn. Về thiệt hại do mưa lũ tại Đà Nẵng, theo thống kê nước cuốn trôi 5,7 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, làm ngập 28,1 ha rau màu.
Tính đến tối 16-10, toàn quận Liên Chiểu có 118 điểm ngập úng cục bộ, trong đó gần 30 điểm ngập nước từ 1m đến 2m. Sau các trận mưa lớn trong 2 ngày 14 và 15-10, nhiều khu vực trên địa bàn phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc bị ngập sâu, bùn non tràn xuống một số tuyến đường chính trong khu dân cư, trong chợ khiến cuộc sống của các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay sau khi ngớt mưa, UBND các phường đã triển khai lực lượng tham gia giúp dân dọn dẹp với phương châm nước rút đến đâu đường thông thoáng, sạch sẽ đến đó. Trong 2 ngày qua, gần 100 người gồm lực lượng dân quân, công an, đoàn thanh niên và cộng đồng tiểu thương chợ Thanh Vinh khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, giải phóng khối lượng rác, bùn non rất lớn tấp vào. Đến chiều 16-10 chợ Thanh Vinh đã hoạt động buôn bán trở lại bình thường, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong P. Hòa Khánh Bắc và xã Hòa Sơn. Tại các vùng xung yếu như đường Bàu Mạc, Mê Linh, Âu Cơ, Lê Công Kiều, Lạc Long Quân, Nguyễn Chánh, Ngã ba cơ khí (đường Nguyễn Lương Bằng - đường số 2KCN), đường Nguyễn Văn Cừ và khu vực lân cận trong KCN Hòa Khánh..., lực lượng chức năng cùng nhân dân cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, đường sá, khơi thông cống rãnh, cửa thu nước, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa lớn tiếp tục xảy ra.
Trong khi đó, tại Hòa Vang xảy ra ngập cục bộ tại 7/11 xã, 37/113 thôn trên địa bàn huyện ngập sâu. Theo báo cáo của UBND H. Hòa Vang, có tổng cộng 644 nhà dân bị ngập. Toàn huyện đã phải di dời 174 hộ dân, 643 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất là xã Hòa Sơn 99 hộ dân, xã Hòa Bắc di dời 7 hộ, 29 nhân khẩu tại khu vực xung yếu của thôn Tà Lang. Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, tại Hòa Sơn, đường liên thôn Phú Thượng – Hòa Khê đang thi công bị xói lở chiều dài 300m, đất đá từ trên Núi Sọ tràn xuống bồi lấp đường Phan Thêm, tuyến kênh mương bê-tông thoát nước tại nghĩa trang Hòa Sơn giai đoạn 4 mở rộng. Trong ngày 16-10, cơ quan chức năng H. Hòa Vang lên phương án giải phóng hàng nghìn khối đất đá sạt lở trên các tuyến đường của các xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú… Trong đó nghiêm trọng nhất là xã Hòa Phú với 5 điểm sạt lở trên Quốc lộ 14G, 16 điểm khác ở các thôn Phúc Túc, Hòa Phước gây xói lở đường và hư hỏng hệ thống thoát nước.
Ông Lê Đình Ca - Trưởng phòng NN-PTNT Hòa Vang cho biết, mưa lũ gây bồi lấp 3 ha ruộng, thiệt hại 13ha rau, cuốn trôi hàng nghìn lồng nuôi trồng thủ sản, làm chết rất nhiều gia súc, gia cầm. Hiện UBND H. Hòa Vang đã kiến nghị thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, các đơn vị có liên quan khẩn trương có giải pháp xử lý, kè chống sạt lở một số vị trí đoạn đường ĐT 601 khu vực xã Hòa Bắc để đảm bảo an toàn và thuận tiện đi lại của nhân dân tại khu vực.
Không chủ quan trước diễn biến mới của thời tiết
Cũng trong chiều 16-10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng (Ban Chỉ huy) đã có công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất khu vực thành phố.
Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ 16-10 đến 18-10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 350mm. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Trong đợt này, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 1 đến trên báo động 2, trên các sông thuộc Đà Nẵng ở mức báo động 2. Hiện trên biển đang tồn tại vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị tiếp tục theo dõi các bản tin thời tiết, chú ý đề phòng mưa lũ lớn, tiếp tục rà soát các khu dân cư đang ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Các địa phương chủ động phương án sơ tán nhân dân, nhất là tại các khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đồng thời quản lý chặt, ngăn chặn việc đi lại trong các khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm. Tuyệt đối không chủ quan khi nghĩ rằng đợt mưa lũ lớn nhất đã qua, không để bị động các phương án dẫn đến thiệt hại do mưa lũ.
Chủ động trước thời tiết, đảm bảo an toàn cho học sinh
Mưa lớn nhiều ngày khiến rất nhiều trường học của Đà Nẵng bị ngập nước. Các trường tiểu học Hồng Quang, trường mầm non Tuổi Ngọc ở Q. Liên Chiểu, trường tiểu học Lâm Quang Thự, trường mầm non Hòa Phong, trường THCS Trần Quốc Tuấn ở Hòa Vang đều bị ngập sâu khiến giáo viên phải thu dọn bàn ghế, cơ sở vật chất lên cao để đảm bảo khô ráo, không bị hư hỏng. Ngay sau khi nước rút, Phòng GD&ĐT các địa phương đã yêu cầu các trường học huy động giáo viên, cán bộ, nhân viên tổng dọn vệ sinh với sự hỗ trợ của lực lượng công an, đoàn viên thanh niên, phụ huynh.
Hôm nay (17-10), học sinh toàn thành phố đi học trở lại bình thường sau những ngày nghỉ do ảnh hưởng của mưa lũ. Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học tập trung, khẩn trương tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp; tổ chức rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy - học. Đặc biệt, kiểm tra các nguồn điện đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Các cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra. Khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, liên hệ trực tiếp đến lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo địa phương để được hướng dẫn xử lý.
Ban Chỉ huy đề nghị Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại, đảm bảo việc dạy và học trở lại bình thường và thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tại các khu vực nguy hiểm, ngập lụt.