Ổn định đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú
Sau 4 năm triển khai và thực hiện Đề án 'Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020', đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khơ Mú ở huyện Mường Lát có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện đáng kể.
Tập huấn kiến thức pháp luật cho đồng bào Khơ Mú tại huyện Mường Lát.
Đến thăm gia đình anh Lương Văn An ở bản Lách, xã Mường Chanh, anh cho biết: Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã do không có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Thực hiện Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, năm 2016, gia đình được hỗ trợ giống lúa, cây ăn quả và được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Do kiên trì, chịu khó học hỏi, khai hoang, phục hóa, đến nay gia đình anh có trang trại rộng hơn 4 ha trồng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, mỗi năm cho thu nhập trên 70 triệu đồng.
Ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đồng bào Khơ Mú ở tỉnh ta có 227 hộ, với 1.022 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là thị trấn Mường Lát) và bản Lách (xã Mường Chanh), đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, nhằm nâng cao đời sống, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Thực hiện đề án, giai đoạn 2016-2020, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với huyện Mường Lát, các cấp, các ngành đầu tư xây dựng 5 công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có 1 nhà văn hóa, 3 công trình giao thông, 1 công trình nước sinh hoạt. Hiện, các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp mở 4 lớp tập huấn kiến thức cho trên 600 lượt đại biểu là đồng bào Khơ Mú về Luật Trợ giúp pháp lý, Luật An ninh mạng, Luật Mua bán người và kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Nhiều dự án, mô hình hỗ trợ người dân tộc Khơ Mú phát triển sản xuất được thực hiện có hiệu quả, điển hình như mô hình chăn nuôi bò, dự án hỗ trợ giống cây trồng và phân bón, dự án hỗ trợ chăn nuôi gia súc, mô hình trồng rừng đang giúp nhiều người giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện Mường Lát cũng đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo như Chương trình 135, Nghị quyết 30a, trong đó tập trung nâng cao trình độ dân trí, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình “Vườn - ao - chuồng” cho đồng bào Khơ Mú học tập và làm theo. Do có nhiều chính sách hỗ trợ cùng sự nỗ lực vượt khó của người dân, nên tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú bình quân mỗi năm giảm 8,14%. Ước tính hết năm 2020, số hộ nghèo người dân tộc Khơ Mú giảm xuống còn 188 hộ, giảm hơn 39 hộ so với năm 2016; 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% cán bộ thôn, bản có trình độ THPT trở lên...
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với huyện Mường Lát, các đơn vị liên quan tiếp tục có nhiều giải pháp tuyên truyền đồng bào Khơ Mú xóa bỏ các hủ tục, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn. Đồng thời, có thêm chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.