Ổn định hoạt động của bản, tiểu khu sau sáp nhập ở Thuận Châu
Là huyện có số bản, tiểu khu chưa đạt chuẩn phải thực hiện sáp nhập nhiều nhất tỉnh, nên Thuận Châu đã tổ chức rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo tinh thần Nghị quyết 18, không để ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
hoàn thiện hương ước, quy ước của bản mới.
Chúng tôi đến bản Hua Nà (xã Tông Lạnh) đúng thời điểm diễn ra cuộc họp Ban quản lý mở rộng tại nhà văn hóa của bản, xin ý kiến người dân bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước của bản mới sau khi sáp nhập 2 bản Hua Nà A và Hua Nà B. Vì đây là cuộc họp quan trọng, quyết định nhiều vấn đề liên quan nên ngoài các thành viên trong Ban quản lý bản, cấp ủy viên, đại diện các hội, đoàn thể còn có sự tham dự của các già làng, người có uy tín, trưởng 6 nhóm liên gia tự quản trong bản. Ông Lò Văn Hặc, Trưởng nhóm hộ họ Lò Me, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn có mặt dự họp từ sớm, bởi theo ông phải đến để tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công việc của xã, của bản rồi về truyền đạt lại cho con cháu trong dòng họ. Được biết, dòng họ Lò Me ở bản Hua Nà có tới 40 hộ.
Sau khi sáp nhập, Ban quản lý bản Hua Nà đã vài lần tổ chức họp toàn thể người dân trong bản, nhưng việc tập hợp đầy đủ người dân đến họp rất khó, vì vậy Ban quản lý bản quyết định thành lập nhóm hộ của các dòng họ, chọn người có uy tín làm trưởng nhóm tham gia các cuộc họp bản, thành lập các tổ liên gia tự quản làm nòng cốt, tham dự các cuộc họp, tiếp thu và triển khai hoạt động trong nhóm hộ, dòng họ... hình thức này trên thực tế đã đem lại hiệu quả rất tốt. Theo Trưởng bản Quàng Văn Diêu, sau sáp nhập, Hua Nà có 220 hộ với trên 1.000 nhân khẩu. Do số hộ gia đình đông, nên khi bản có công việc cần huy động dân đóng góp cũng thuận lợi hơn. Để truyền tải đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân, Hua Nà đã vận động người dân đóng góp xây dựng 6 cụm loa truyền thanh tại 6 nhóm hộ, để mọi người dân đều có thể nghe mỗi khi có công việc cần triển khai.
Được sự hỗ trợ của huyện và xã, một số khó khăn, bất cập trong quá trình sáp nhập bản, tiểu khu, như: Sắp xếp cán bộ dôi dư, thay đổi giấy tờ tùy thân... đã và đang được giải quyết triệt để, hạn chế xáo trộn đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Việc tổ chức họp bản, tiểu khu ra sao? cách thức thông báo địa điểm, họp chi bộ như thế nào? huy động người dân tham gia công việc chung, hỗ trợ gia đình có việc hiếu, việc hỷ... đều được các bản, tiểu khu xây dựng phương án cụ thể; người dân trong các bản, tiểu khu đều đồng tình, đoàn kết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Ông Giang Minh Cảnh, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Thuận Châu, nói: Thực hiện Nghị quyết 165 của HĐND tỉnh về sáp nhập và đặt tên bản, tiểu khu, tổ dân phố, Thuận Châu có 193 bản, tiểu khu sáp nhập thành 83 bản, tiểu khu tại 26 xã (giảm 110 bản, tiểu khu). Phòng Nội vụ đã tham mưu cho huyện thành lập các đoàn công tác xuống tận cơ sở để tuyên truyền về chủ trương sáp nhập; các xã, thị trấn cũng thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê diện tích, số hộ, cơ sở vật chất, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp; họp lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập mới bản, tiểu khu; thống nhất phương án sáp nhập, đối thoại giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án. Đối với những bản, tiểu khu không thể sáp nhập thì phải nêu rõ lý do.
Trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập bản, tiểu khu, nhìn chung các địa phương cơ bản tuân thủ đúng quy trình, thủ tục; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp cán bộ cơ sở và người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, cách thức thực hiện sáp nhập, tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào nhân dân các dân tộc, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con.