Ổn định và nâng cao chất lượng dân số

Cách đây 15 năm, ngày 26/9/2007, tại châu Âu, Liên minh các tổ chức phi chính phủ, Hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế, đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới. Ngày này có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn, chủ động tránh thai vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai để có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe sinh sản.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn, huyện Mường La hướng dẫn người dân sử dụng thuốc tránh thai.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn, huyện Mường La hướng dẫn người dân sử dụng thuốc tránh thai.

Những năm qua, công tác dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ta đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành. Nội dung công tác dân số được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của các huyện, thành phố. Bộ máy đảm nhiệm công tác dân số thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao. Hiện, toàn tỉnh có 1 chi cục dân số-KHHGĐ cấp tỉnh; các phòng trực thuộc trung tâm y tế huyện, thành phố; 204 cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn và gần 2.500 cộng tác viên dân số tổ, bản, tiểu khu.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, chia biết: Phòng tránh thai an toàn mang lại nhiều lợi ích, trong đó giúp phụ nữ chủ động việc sinh đẻ. Đồng thời, giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều để có điều kiện chăm sóc, giáo dục con tốt hơn, cải thiện và nâng cao đời sống. Do vậy, ngành Y tế đã củng cố, kiện toàn, mở rộng và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ, nhằm đa dạng hóa các biện pháp tránh thai hiện đại để mọi người dân trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện, an toàn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cung ứng, sử dụng các phương tiện tránh thai, đảm bảo thực hiện đúng quy định của chuyên môn và pháp luật.

Bên cạnh đó, hàng năm, ngành Y tế phối hợp với chính quyền các xã vùng khó khăn triển khai chiến dịch “Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn” trong tỉnh. Trước khi triển khai Chiến dịch, trung tâm y tế các huyện chỉ đạo cán bộ chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số các bản rà soát, lập danh sách đối tượng có nhu cầu thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; bố trí địa điểm, thời gian hợp lý, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng triển khai chiến dịch tham gia hưởng ứng… Trong mỗi đợt chiến dịch, đã có hàng nghìn người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền về lợi ích của gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ; được hướng dẫn lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp; được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngay tại chiến dịch. Hiện, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai đạt trên 72%.

Bác sỹ Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, thông tin: Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện. Tổ chức Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” tại 9 xã của huyện. Tại các chiến dịch, đã có hàng nghìn người được tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ, trong đó được giới thiệu về các biện pháp tránh thai hiện đại để lựa chọn áp dụng.

Thực hiện Đề án “Tăng cường tư vấn cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên”, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính, bình đẳng giới, dân số - KHHGĐ vào các môn học của các trường trung học phổ thông, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của việc mang thai ở tuổi vị thành niên. Đồng thời, thông tin cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên các phương tiện tránh thai hiện đại; giải đáp những thắc mắc về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tạo môi trường cũng như cung cấp các dịch vụ thân thiện chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.

Thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số để chuyển đổi hành vi dân số, từ đó tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại để không mang thai ngoài ý muốn; tiếp tục tổ chức Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”; thành lập các đội lưu động cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao; bảo đảm đáp ứng đủ các phương tiện tránh thai hiện đại cho người dân... Góp phần nâng cao chất lượng dân dân số và chất lượng đời sống của nhân dân.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/on-dinh-va-nang-cao-chat-luong-dan-so-53568