Ðòn Dong hôm nay
Có dịp trở lại Khu căn cứ cách mạng ấp Ðòn Dong, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, mới thấy được sự đổi thay tích cực về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.
Cựu chiến binh Phạm Văn Thống năm nay 68 tuổi, từng có 3 năm tham gia hoạt động Ðoàn 962 (Quân khu 9) thời kháng chiến. Ông là con trai bà Trần Thị Ty, gia đình có công chăm sóc và che chở cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong giai đoạn đồng chí ở và làm việc tại ấp Ðòn Dong để chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Sau này, địa điểm Nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở trong thời gian hoạt động cách mạng tại Cà Mau là một trong những điểm di tích Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam, giai đoạn 1949-1955, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Ông Thống tự hào: “Thời chiến tranh phải thường xuyên đối đầu với mưa bom lửa đạn, chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng quân và dân Ðòn Dong luôn giữ vững ý chí cách mạng, một lòng theo Ðảng”.
Cũng theo ông Thống, chiến tranh đã lùi xa, trở về thời bình, bà con khu căn cứ ấp Ðòn Dong ai ai cũng phấn đấu xây dựng cuộc sống mới. Những năm về trước, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn; qua thời gian nỗ lực, giờ đây kinh tế hộ phát triển, lộ làng được xây dựng thông thoáng, bà con đi lại mua bán thuận tiện, học sinh đi học dễ dàng hơn, cuộc sống nơi đây đã đổi thay rất nhiều.
Ðòn Dong là địa phương thuần nông, bà con nông dân không ngừng phấn đấu, tăng gia lao động sản xuất, học hỏi nhiều mô hình mới, cách làm hay, áp dụng khoa học - kỹ thuật, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, phát triển cuộc sống gia đình.
Bà Dương Cẩm Tú, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp, chia sẻ: “Từ trước tới nay, gia đình làm lúa 2 vụ. Con gái lớn của tôi đi làm ở TP Hồ Chí Minh, rồi kinh doanh thêm chuối khô, nhưng có khi nguồn cung ở một số nơi không ổn định. Cho nên, năm vừa rồi, gia đình quyết định mở cơ sở, tự đi thu mua và sản xuất chuối khô để cung cấp lên TP Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất hơn 9 tấn chuối khô, theo đó thu mua hơn 60 tấn chuối tươi. Mỗi ngày có gần 20 chị em phụ nữ đến làm các công đoạn: lột, ép, phơi chuối. Bà con trồng chuối trong vùng có đầu ra tiêu thụ, bán cho mình cũng có giá cao hơn". Cơ sở của bà đầu tư thêm nhà kính phơi sấy, máy hút chân không, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh, không phụ thuộc vào thời tiết, sản lượng và giá bán ổn định. Từ đó, không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Trong ấp, những ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng ngày càng nhiều. Hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường học được xây dựng, nâng cấp và mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Bí thư Chi bộ ấp, phấn khởi cho biết, toàn ấp có 205 hộ, hơn 5 năm nay ấp không còn hộ nghèo, cận nghèo; các gia đình chính sách được quan tâm, chăm lo. Nhiều hộ vươn lên khá giàu nhờ có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là mô hình sản xuất lúa, trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi. Bà con tích cực trồng hàng rào cây xanh, xây dựng tuyến đường hoa, giữ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Ðặc biệt, khi xã Khánh Lộc được chọn chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2024, ấp càng quyết tâm thực hiện đạt và vượt các tiêu chí, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu chung, tạo bộ mặt mới cho quê hương./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-on-dong-hom-nay-a32470.html