Ðơn Dương: Nuôi dưỡng tài năng bóng đá từ lớp thanh, thiếu niên
Những năm gần đây, Phong trào Bóng đá thanh, thiếu niên trên địa bàn huyện Đơn Dương đã có nhiều khởi sắc. Nhờ nhiều sân bãi được đầu tư nâng cấp và các câu lạc bộ, đội bóng mới được thành lập, mà các em có điều kiện tập luyện, thi đấu và phát triển năng khiếu.
Với mong muốn tạo nên sân chơi lành mạnh, rèn luyện thể chất cho lứa tuổi thiếu nhi và thanh, thiếu niên trong dịp hè, hơn 5 năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã tổ chức các lớp học bóng đá cho các em có chung niềm đam mê với môn thể thao vua này.
Kỳ nghỉ hè bắt đầu cũng là lúc sân cỏ của trung tâm thể thao huyện trở nên náo nhiệt và sôi nổi hơn thường lệ. Say sưa luyện tập với quả bóng, em Huỳnh Tấn Đạt (13 tuổi), học sinh Trường THCS Ka Đô hào hứng chia sẻ, từ lớp 4, em đã yêu thích môn thể thao này. Bình thường, sau khi kết thúc buổi học, em thường cùng các bạn ra sân bóng đá mini của trường chơi. “Bóng đá giúp em được thoải mái vui chơi, chạy nhảy, giải trí sau mỗi giờ học” - Đạt chia sẻ và cho biết thêm, mỗi dịp hè đến, em lại cùng các bạn tham gia lớp học bóng đá ở Trung tâm. Em được các huấn luyện viên chỉ dạy những kỹ thuật, động tác khống chế, rê dắt, sút bóng cũng như cách chạy chỗ và các sơ đồ chiến thuật. Do đó, càng ngày em càng thấy thích thú với môn bóng đá hơn.
Cũng như Đạt, em Nguyễn Minh Triết (13 tuổi), học sinh Trường THCS Lạc Lâm cũng dành tình yêu cho môn bóng đá từ rất sớm. Với chiều cao vượt trội so với lứa tuổi, gần 1,7 m, và khả năng phản xạ nhanh, bắt bóng dính, Triết được các huấn luyện viên (HLV) của Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cho vị trí thủ môn. Các HLV luôn tận tình hướng dẫn tỉ mỉ để em phát triển hết khả năng của mình. Tuy nhiên, để thật sự tỏa sáng, “em cần cố gắng và dành nhiều thời gian tập luyện hơn nữa” - Triết nói.
Chia sẻ về hoạt động của những lớp học bóng đá ngày hè, anh Hoàng Thái Bình Vương - Tổ trưởng Tổ Thể dục thể thao Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện cho biết, thông thường, mỗi lớp bóng đá hè có khoảng từ 30 đến 40 em tham gia, đều là học sinh của các trường trên địa bàn huyện, có độ tuổi từ 6 đến 12. Là huấn luyện viên luôn theo sát các em từ những ngày đầu, anh Vương cho rằng, những lớp học này thực sự hữu ích, bởi không những các em được thỏa sức vui chơi hết mình với niềm đam mê bóng đá mà còn phát triển toàn diện từ thể chất đến tinh thần. Đồng thời, thông qua lớp học này, “nhiều em có tố chất và năng khiếu cũng được phát hiện và đào tạo để tham gia các giải thi đấu phong trào” - anh Vương nói.
Trong huấn luyện, tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng và trình độ, HLV sẽ triển khai các phương pháp, cách tiếp cận cũng như cường độ phù hợp. Với các nhóm nhỏ tuổi, hoạt động tại những buổi tập chủ yếu là nâng cao khả năng vận động, làm quen với bóng, rèn luyện thể lực. Các nhóm tuổi lớn hơn, sẽ được HLV rèn luyện thêm những kỹ thuật đỡ bóng, rê dắt bóng, tâng bóng, sút bằng lòng và mu bàn chân…
Bên cạnh việc duy trì lịch tập luyện, trung tâm còn tạo điều kiện cho các em tham gia những giải đấu, giao lưu với các đội, nhóm, câu lạc bộ bóng đá tại một số huyện, thành lân cận để thử sức, học hỏi kinh nghiệm thi đấu; từ đó, cải thiện và nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Từ sự quan tâm sâu sát đó, nhiều cầu thủ nhỏ tuổi của Đơn Dương đã khẳng định được khả năng của mình và mang về nhiều thành tích cho bóng đá huyện nhà. Mới đây, các đội bóng trẻ của huyện đã vô địch tại cả hai giải bóng đá 7 người thiếu niên U13 Lâm Đồng và Giải Bóng đá mini U11 tỉnh. Đây được xem là thành quả cho những nỗ lực của bóng đá trẻ Đơn Dương trong suốt nhiều năm qua. Từ những giải này, nhiều em có thêm cơ hội tham gia vào đội tuyển bóng đá trẻ của tỉnh thi đấu tại các giải bóng đá thanh, thiếu niên toàn quốc.
Không chỉ quan tâm, tạo điều kiện phát triển bóng đá phong trào, bóng đá trong trường học cũng được huyện khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Kháng - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đơn Dương cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc quan tâm đầu tư sân bãi, trang thiết bị… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh luyện tập thể thao, Phòng cũng đề nghị các trường quan tâm phát triển môn bóng đá thông qua việc thành lập và duy trì các CLB bóng đá, đội bóng ở trường. Hằng năm, các trường tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, trong đó đưa bóng đá trở thành môn thi đấu giữa các khối lớp với nhau. Hiện nay, “hầu hết các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đều có sân bóng đá mini và đội bóng đá trường học” - ông Kháng nói. Bên cạnh đó, Phòng thường xuyên phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin cùng Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng, tạo điều kiện cho học sinh tham gia, phát triển toàn diện.
Có thể thấy, sự phối hợp của nhiều ngành từ giáo dục, thể thao đến sự vào cuộc, hỗ trợ của địa phương đã giúp Phong tràoBóng đá của Đơn Dương bước đầu khởi sắc. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện ươm mầm, phát triển những hạt giống bóng đá tiềm năng. Qua đó, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy phát triển môn bóng đá địa phương nói riêng cũng như phong trào tập luyện thể dục thể thao nói chung.