Ôn tập thi tốt nghiệp: Mục tiêu kép là an toàn và chất lượng
Trong điều kiện dịch bệnh, các hình thức ôn tập thi tốt nghiệp THPT được cơ sở giáo dục, địa phương tổ chức linh hoạt, để đạt mục tiêu kép: an toàn và chất lượng.
Ôn tập trực tiếp cho học sinh vùng an toàn
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Phú Thọ, với khối lớp 9 và lớp 12, các trường có thể tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức ôn tập phải trên cơ sở thống nhất với phụ huynh học sinh và bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 theo quy định, như thực hiện khai báo y tế, bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 2 địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid-19 là thành phố Việt Trì (có ca dương tính) và huyện Thanh Thủy (có số lượng F1 khá nhiều). Với 2 huyện này, toàn bộ học sinh đều tạm dừng đến trường, kể cả học sinh lớp 9, lớp 12 và chuyển sang dạy học trực tuyến, ôn thi trực tuyến.
Với các huyện còn lại, sau khi thống nhất với phụ huynh học sinh, nhiều trường THPT vẫn tổ chức cho học sinh lớp 12 ôn tập cùng với biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Trường THPT Thạch Kiệt, Tân Sơn, Phú Thọ có 7 lớp 12 với 260 học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thông tin từ hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhà trường đang triển khai ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hình thức trực tiếp trên lớp vào buổi sáng. Buổi chiều, giáo viên dạy ôn thi sẽ trao đổi với học sinh của mình trực tuyến.
“Để bảo đảm giãn cách, một lớp ôn tập chỉ bố trí 25 học sinh. Giáo viên, học sinh đều phải thực hiện nghiêm túc 5K. Nhà trường tổ chức do thân nhiệt từng học sinh trước các buổi ôn và yêu cầu 100% học sinh sau khi đo thân nhiệt đến khu vực rửa tay khử khuẩn mới vào lớp. Dự kiến việc ôn tập thi tốt nghiệp của trường sẽ kết thúc trước 5/7.” – ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Khẳng định của ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cả thầy và trò. Đồng thời, có giải pháp thực hiện có chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình, kế hoạch giáo dục. Cụ thể là xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục với 3 tình huống, kịch bản dịch Covid-19 có thể xảy ra và có giải pháp đi liền với 3 kịch bản đó.
Song hành nhiều giải pháp
Tại Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường học các khối lớp chuẩn bị đầy đủ phương án, điều kiện ôn tập trực tuyến cho học sinh trong tình huống phải thực hiện giãn cách xã hội; tránh bị động tạo tâm lí không an tâm cho học sinh và ảnh hưởng chất lượng các kỳ thi.
Cụ thể, việc tổ chức ôn tập sẽ song hành nhiều giải pháp: Sở khởi động lại hệ thống dạy học qua internet, trên truyền hình; các trường tăng cường tổ chức ôn tập và giám sát học tập của học sinh bằng nhiều hình thức, bảo đảm chuyển tải đầy đủ nội dung ôn tập đến với học sinh, kể cả thí sinh tự do, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để học sinh tham gia và hoàn thành chất lượng các kỳ thi.
Tại Thái Bình, học sinh lớp 9, lớp 12 được tổ chức học trên truyền hình từ 10/5. Học sinh được yêu cầu ghi chép, thực hiện việc ôn tập, làm bài tập và gửi bài cho giáo viên để được hỗ trợ sau khi học và ôn luyện. Với giáo viên, căn cứ lịch phát sóng trên truyền hình, thường xuyên, trực tiếp theo dõi và giao nhiệm vụ cho học sinh lớp mình phụ trách theo nội dung bài học; thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh qua Internet; phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý nền nếp và hỗ trợ học sinh học tập.
Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện trách nhiệm của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và việc học tập của học sinh.
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Từ 12/5, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non của Vĩnh Long cho trẻ nghỉ đến trường và kết thúc năm học. Các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho học sinh, học viên tạm dừng đến trường kể từ ngày 15/5/2021. Các Trung tâm Ngoại ngữ, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trung tâm dạy thêm- học thêm trên địa bàn tỉnh cho học viên tạm dừng đến trường kể từ ngày 15/5/2021 đến khi có thông báo mới.
Riêng với học sinh lớp 9, lớp 12 phổ thông và 12 thường xuyên, các trường tổ chức ôn tập tại trường, đồng thời phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh, giáo viên trong thời gian tổ chức ôn tập tại trường. Phối hợp với phụ huynh học sinh để quản lý chặt chẽ học sinh, tạo sự đồng thuận cao góp, phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Trước đó, Vĩnh Long đã cử giáo viên tham gia dạy ôn tập tham dự đầy đủ các buổi tập huấn ôn thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức. Các tổ chuyên môn phân tích, thảo luận đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT/đề thi tuyển sinh 10 các năm học trước làm định hướng thực hiện công tác ôn tập cho học sinh.
Việc biên soạn tài liệu, lựa chọn nội dung và phương pháp ôn tập, hướng dẫn tự học được Sở GD&ĐT lưu ý phải phù hợp, tránh gây áp lực cho học sinh, cần thiết có thể xếp lớp học theo hướng phân hóa.
Đối với những học sinh có học lực yếu, kém cần tăng cường ôn tập những kiến thức cơ bản, trọng tâm của chương trình, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT/đề thi tuyển sinh 10 các năm học trước.
Riêng học sinh có học lực khá giỏi, có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi và thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, cần được ôn tập các dạng đề nâng cao phù hợp với năng lực.
Các trường tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập để kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp ôn tập cho phù hợp. Đồng thời, vận động học sinh khá, giỏi giúp đỡ học sinh có học lực yếu, kém nhằm giúp các học sinh này nắm được những kiến thức và kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình. Tăng cường phối hợp với gia đình tư vấn tâm lý, sức khỏe để học sinh học có động cơ, thái độ ôn tập tốt…