Ôn thi tốt nghiệp THPT 2025: Cơ hội trải nghiệm cấu trúc đề thi mới
Kỳ khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 là cơ hội để học sinh trải nghiệm cấu trúc đề thi mới...

Học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: INT
Được tổ chức từ 21 - 23/3, Kỳ khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 tại Hà Nội không chỉ là bước chuẩn bị quan trọng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn là cơ hội để học sinh trải nghiệm cấu trúc đề thi mới.
Đợt tập dượt ý nghĩa
Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường THPT, Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn thành phố bắt đầu tăng tốc chuẩn bị cho chặng cuối của kế hoạch ôn tập.
Căn cứ tình hình cụ thể, các trường tổ chức rà soát toàn bộ kế hoạch học tập, ôn luyện từng môn; xây dựng, điều chỉnh lộ trình và giải pháp ở mỗi chặng; duy trì khảo sát chất lượng. Đặc biệt, sau đợt kiểm tra khảo sát toàn thành phố, các thầy cô đã nắm bắt được năng lực học sinh và phân nhóm để có cách thức phụ đạo phù hợp, hiệu quả.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, gần 119.000 học sinh lớp 12 đã hoàn thành các bài khảo sát. Để bảo đảm nghiêm túc, khách quan và học sinh làm quen với không khí trường thi, điểm trưởng các điểm khảo sát được đổi chéo giữa các trường trong cụm. Các công đoạn như phân công cán bộ coi thi số 1, số 2 và các vị trí giám sát được vận hành như quy định. Học sinh cũng xác định tâm thế, tuân thủ quy chế và cố gắng trong quá trình làm bài như khi tham gia kỳ thi thật.
Thầy Nguyễn Huy Diện - Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) nhận định, kỳ khảo sát chất lượng học sinh được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nhiều năm nay và có tác động tích cực đến việc dạy, học ở các trường. Từ kết quả kỳ khảo sát, giáo viên có đánh giá chính xác hơn về chất lượng, năng lực hiện tại của học sinh, qua đó tiếp tục có giải pháp tốt hơn trong việc giảng dạy, ôn tập.
Tương tự, tại Trường THPT Quốc Oai (huyện Quốc Oai), theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nghiêm Hồng Trung, trước khi diễn ra khảo sát, trường chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng thi, cơ sở vật chất. Với cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, nhà trường thường xuyên quán triệt kỹ, đầy đủ về quy chế, trách nhiệm, đặc biệt là cách xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ.
Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ khảo sát, Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức kỳ khảo sát như kỳ thi thật về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như phương án bảo đảm an ninh, an toàn. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được huy động làm nhiệm vụ ở các khâu.
“Kỳ khảo sát chất lượng là lần tập dượt ý nghĩa với học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên. Dù không ít thầy, cô giáo đã tham gia làm thi nhiều năm, nhưng nhà trường vẫn quán triệt kỹ, đầy đủ về quy chế, trách nhiệm, đặc biệt cách xử lý tình huống có thể phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ”, cô Hiệu trưởng Bùi Thùy Linh nói.

Gần 119.000 học sinh lớp 12 tại Hà Nội hoàn thành bài kiểm tra khảo sát. Ảnh: Vân Anh
Hào hứng với đề thi
Theo cô Nguyễn Thị Lan Anh - Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), đề thi Ngữ văn dạng mở, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Nhìn chung cấu trúc đề thi giống đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đưa ra trước đó. Sự phân hóa ở phần Nghị luận xã hội giúp học sinh cơ hội để tìm hiểu chính mình qua những trải nghiệm, vốn sống thực tế.
Đợt thi khảo sát lần này giúp học sinh nhận thức rõ năng lực, kiến thức, điểm số của mình, đồng thời rèn luyện kỹ năng, tâm lý tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Đưa ra nhận xét, cô Trần Thị Thơ - Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) đồng thời cho hay: Đối với môn Sinh học, đề thi dài và khó, nhiều câu hỏi liên hệ thực tế, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.
Tham dự kỳ thi khảo sát với tâm thế như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trương Thế Khang - học sinh lớp 12, Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) chuẩn bị đầy đủ thẻ học sinh, căn cước công dân, bút chì, thước kẻ và tự tin khi hoàn thành các bài khảo sát.
Theo nam sinh, đề Toán khá dễ chịu, một số câu hỏi phân loại chủ yếu nằm ở phần trả lời ngắn, đòi hỏi khả năng tư duy logic cao. Đối với môn Ngoại ngữ, định dạng đề có nhiều đổi mới. Em đặc biệt thích thú với đề Ngữ văn vì sát thực tế, không bị gò bó hay phụ thuộc vào văn bản trong sách giáo khoa như trước.
Còn Hoàng Gia Bảo - học sinh Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) thích đề thi ra theo hướng mở bởi em không phải học thuộc lòng quá nhiều, không gò bó trong các tác phẩm trong sách giáo khoa, được sáng tạo hơn trong thời gian làm bài. Môn Ngữ văn đã đưa những nội dung gần gũi hơn với đời sống học sinh.
“Trong suốt quá trình ôn luyện, em đã cố gắng nắm vững kiến thức lý thuyết, nhưng qua kỳ thi thử, em nhận ra rằng cần phải cải thiện khả năng áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế, vì đây là yếu tố quan trọng trong các bài thi hiện nay. Đặc biệt đối với môn Văn, khi các tác phẩm không còn trong sách giáo khoa, đòi hỏi em phải liên hệ với thực tế nhiều hơn”, Bảo chia sẻ.
Với Trần Đức Minh - học sinh Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì), được giảm số môn và chọn môn thi là thuận lợi cơ bản của thí sinh năm nay. Sau kỳ khảo sát, em đã hình dung được nội dung cần ôn tập. Em mong sẽ tiếp tục được thầy, cô giáo hỗ trợ, đồng hành để thêm tự tin, sẵn sàng đáp ứng tốt trước những đổi mới của kỳ thi.
Kỳ khảo sát chất lượng là “thi thử như thật” được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hằng năm giúp học sinh làm quen với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả của kỳ khảo sát giúp nhà trường, giáo viên có đánh giá chính xác về chất lượng học sinh, qua đó dẫn hướng việc dạy, học hiệu quả.