Ông Abe từ chức, Nhật Bản và châu Á chịu tác động như thế nào?

CNN nhận định, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo là người theo chủ nghĩa đa phương nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế mới dựa trên luật pháp.

Giáo sư chính trị học Paul Sracic, cố vấn nghiên cứu các vấn đề khu vực Đông Á của tổ chức Logos Group International, mới đây đã có bài bình luận trên CNN về những tác động từ tuyên bố từ chức mới đây của ông Abe.

Sự ổn định tại Đông Á

Dù từng có một số động thái gây tranh cãi, song Thủ tướng Abe vẫn là người theo chủ nghĩa đa phương, với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế mới dựa trên luật pháp. Ông cũng là người kiên định trong việc cải thiện và duy trì quan hệ liên minh Mỹ-Nhật.

Năm 2015, ông đã thúc đẩy việc thông qua một đạo luật an ninh quốc gia mới, trong đó có điều khoản gây tranh cãi là sửa đổi một số quy định trong hiến pháp về việc hạn chế các hoạt động vũ trang của Lực lượng Phòng vệ. Đạo luật mới cho phép Nhật Bản thực hiện trách nhiệm phòng vệ tập thể, và nhờ đó có thể hỗ trợ quân đội Mỹ nếu cần thiết.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, Thủ tướng Abe Shinzo đã nhanh chóng đáp máy bay đến New York để trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến gặp tân Tổng thống Mỹ ngay tại Tháp Trump.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: AP

Cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: AP

Dù Tổng thống Trump sau đó đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận mà ông Abe tin rằng có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn chiến lược, nhưng Thủ tướng Nhật Bản vẫn giữ nguyên thỏa thuận tổng thể với 11 quốc gia còn lại dưới tên gọi mới - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP).

Cùng lúc đó, Thủ tướng Abe đã đồng ý hợp tác với Chính phủ Mỹ để hình thành một hiệp định song phương riêng biệt, dù nhiều hạn chế hơn so với TPP, song vẫn phù hợp với các mức thuế của hai nước, và quan trọng hơn là giúp tránh xảy ra căng thẳng thương mại song phương.

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Sracic nhận định Nhật Bản đang lâm vào tình thế khó xử. Dù dè chừng trước sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn bị ràng buộc nhiều mặt về kinh tế với nước láng giềng châu Á. Vì thế, Thủ tướng Abe vừa phải đảm bảo quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa tránh gây khiêu khích không cần thiết với Trung Quốc.

Ai sẽ thay thế ông Abe?

Theo Giáo sư Sracic, những người có khả năng kế nhiệm ông Abe gồm Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Taro Kono và cựu Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida.

Dù vậy, bất kỳ ai được Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền lựa chọn vào tháng tới sẽ phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích và năng lực cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế. Ông Sracic hy vọng trạng thái cân bằng như hiện tại của Nhật Bản vẫn sẽ được duy trì như dưới thời ông Abe, theo hướng có lợi cho Mỹ.

Nhật Bản từng duy trì quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, dưới thời cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama. Tuy vậy, quan hệ liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn đủ mạnh và đã phần nào được thể chế hóa qua Đối thoại An ninh tứ giác, dẫn đến những hội nghị thường xuyên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Giáo sư Paul Sracic kết luận, việc từ chức của Thủ tướng Abe không đáng báo động ngay lập tức, nhưng nó đặt ra một thách thức quan trọng đối với sự ổn định của khu vực châu Á. Dù chưa biết người kế nhiệm ông Abe là ai, nhưng ông Sracic hy vọng tân Thủ tướng Nhật vẫn sẽ cam kết mối quan hệ liên minh với Mỹ.

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/ong-abe-tu-chuc-nhat-ban-va-chau-a-chiu-tac-dong-nhu-the-nao-670655.html