Ông Ahmed al-Masri: Bác sĩ là nghề nghiệp tồi tệ nhất ở Syria lúc này
Bác sĩ Ahmed al-Masri mô tả lại nỗi kinh hoàng mà anh cảm thấy khi điều trị cho trẻ em Syria bị thương trong trận động đất vừa qua.
Khi bác sĩ Ahmed al-Masri kiệt sức cũng là lúc hơn 30 tiếng đã trôi qua kể từ sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ahmed al-Masri và một bác sĩ khác đã phải điều trị cho rất nhiều người bị thương được đưa đến bệnh viện của họ ở Afrin - thị trấn ở phía Tây Bắc Syria do phe đối lập kiểm soát.
Trong số đó có cậu bé 7 tuổi Mohammed, được cứu ra từ bên dưới đống đổ nát của một căn nhà bị sập, theo BBC.
Tính đến đầu ngày 9/2, số người thiệt mạng trong trận động đất hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt mốc 12.000 người, Guardian đưa tin.
Lực lượng phòng thủ dân sự tại Syria cho hay có hơn 2.850 người bị thương trong trận động đất ở khu vực Tây Bắc của nước này. Theo các nhân chứng, điều kiện ở phía Tây Bắc Syria được mô tả là "khủng khiếp" sau trận động đất kinh hoàng.
Khalil Ashawi - phóng viên ảnh tại Jindayris - cho biết trong 10 năm đưa tin về cuộc chiến ở Syria, anh chưa từng chứng kiến những cảnh tượng thảm khốc như hôm 6/2, theo CNN.
Trận động đất ngoài sức tưởng tượng
Lực lượng cứu hộ tìm thấy Mohammed nằm cạnh thi thể của cha mình. Người đàn ông đã bị đè chết cùng với mẹ và các anh chị em của Mohammed.
“Cách đứa bé nhìn chúng tôi làm tôi cảm thấy như rất được tin tưởng. Đứa bé ấy biết rằng bản thân giờ đây đang được bảo vệ an toàn", bác sĩ Masri nói với BBC trong cuộc gọi qua Zoom.
"Nhưng tôi cũng cảm thấy cậu bé rất mạnh mẽ, như cách đứa trẻ ấy kìm nén nỗi đau từ những vết thương. Điều gì khiến một đứa trẻ 7 tuổi trở nên mạnh mẽ và kiên cường đến vậy?", anh chia sẻ.
Bác sĩ Masri là bác sĩ phẫu thuật nội trú tại Bệnh viện Al-Shifa, được hỗ trợ bởi Hiệp hội Y khoa Mỹ gốc Syria (SAMS). Anh nói rằng nơi này đã tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân ngay sau thảm họa.
Một nạn nhân nhỏ tuổi khác được lực lượng cứu hộ đưa đến là em bé mới 18 tháng tuổi.
Bác sĩ Masri đã kiểm tra và xác nhận em bé vẫn ổn. Nhưng sau đó anh nhận ra cha mẹ em bé không ở bên cạnh.
"Đột nhiên, tôi thấy cha em bé chạy đến và ôm con khóc nức nở", ông kể lại. "Người cha nói với tôi rằng đứa trẻ này là thành viên duy nhất sống sót trong gia đình anh. Những người còn lại trong gia đình đã chết, thi thể họ được đặt ở hành lang".
Bác sĩ Masri cho biết các nhân viên tại bệnh viện rất sửng sốt trước quy mô của thảm họa, với "làn sóng" bệnh nhân đổ đến cùng một lúc.
"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng một trận động đất có thể gây ra nhiều thiệt hại như vậy, có thể dẫn đến số lượng bệnh nhân như vậy", anh nói.
Đáng buồn thay, Masri đã quen với việc đối phó với các sự cố lớn.
Năm 2013, anh làm việc trong một bệnh viện dã chiến khi tên lửa chứa chất độc thần kinh sarin được bắn vào một số vùng ngoại ô do phe đối lập nắm giữ của thủ đô Damascus. Hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
“Vào thời điểm đó, chúng tôi đã được đào tạo và chuẩn bị với tư cách là bác sĩ cho vụ việc như vậy”, anh cho biết. "Chúng tôi đã có thể tự tổ chức một cách nhanh chóng. Nhưng với kịch bản lần này, chúng tôi không có sự chuẩn bị. Tình hình này còn tồi tệ hơn nhiều".
"Điều tồi tệ nhất là trở thành bác sĩ trong hoàn cảnh này"
Sau trận động đất hôm 6/2, Masri và các đồng nghiệp của mình ở Afrin đã xử lý những bệnh nhân thoạt nhìn có vẻ bị thương nhẹ.
"Đó là những vết thương mà bạn nghĩ là không nghiêm trọng, nhưng sau đó có người đã phải cắt bỏ một chi", anh nói. "Chúng tôi không có khả năng để đối phó với loại thảm họa này trong bệnh viện của mình".
"Điều tồi tệ nhất là trở thành bác sĩ trong hoàn cảnh này. Bạn không thể cứu bệnh nhân hay xoa dịu nỗi đau của ai đó", anh chia sẻ.
Khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Masri cũng phải đối mặt với việc không biết liệu gia đình mình có an toàn hay không vì cả nguồn điện và Internet đều bị cắt.
Cha mẹ và anh chị em của anh sống cách bệnh viện chỉ vài trăm m, nhưng vợ con anh sống ở bên kia biên giới thành phố Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ - nơi gần tâm chấn và cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Cảm giác tồi tệ nhất mà bạn có thể có trong những cuộc khủng hoảng như vậy là không biết liệu gia đình và người thân yêu của mình có ổn không", Masri nói.
"Chúng tôi đang nhìn bệnh nhân bằng hai con mắt - một mắt để đánh giá vết thương của họ và mắt còn lại để xem bệnh nhân có phải là thành viên gia đình hay không", anh cho hay.
Bác sĩ Masri sau đó đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy anh trai đến bệnh viện để báo tin cả gia đình đều an toàn. Masri cũng cố gắng xoay xở để có thể nghỉ ngơi trong thời gian ngắn ngay tại bệnh viện.
"Khi ngủ vào thời điểm đó, tôi đã gục luôn", anh nói. "Có những lúc tôi cần ai đó đỡ tôi dậy để có thể tiếp tục làm việc".
Bác sĩ Masri sau đó cũng sắp xếp để tạm thời nghỉ tay và ăn sáng cùng gia đình. Anh hy vọng rằng sau tất cả, anh có thể đi gặp vợ con ở Gaziantep.
Masri cũng đã đến kiểm tra Mohammed vào ngày hôm sau và hỏi cậu bé 7 tuổi có nhận ra anh không.
"Có ạ, chú là bác sĩ đã cứu mạng con", Mohammed trả lời.
“Tôi thực sự xúc động trước ánh mắt của đứa trẻ”, bác sĩ Ahmed al-Masri nói. "Tôi không biết tại sao nhưng ngay khi cậu bé nhìn tôi, tôi bắt đầu khóc".