Ông bà lão nổi tiếng vì mặc quần áo khách để lại

Công việc giặt là bị chững lại do đại dịch, ông bà Wan Ji và Sho-er được cháu trai chụp cho nhiều bộ hình thời trang.

Bức ảnh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 84 của Chang Wan Ji vào giữa tháng 1 thu hút hàng trăm bình luận từ giới trẻ Đài Loan. Ông và vợ Hsu Sho-er đều đã ngoài 80 tuổi nhưng luôn mang đến sự tươi trẻ qua cách phối quần áo.

 Ông Chang Wan Ji và vợ Hsu Sho-er mặc sành điệu trong cửa hàng giặt là của mình. Ảnh: AFP.

Ông Chang Wan Ji và vợ Hsu Sho-er mặc sành điệu trong cửa hàng giặt là của mình. Ảnh: AFP.

Những bộ quần áo bị bỏ quên

Ông bà lão này trở nên nổi tiếng kể từ khi được hỗ trợ bởi cháu trai Reef (32 tuổi). Họ tạo dáng sành điệu trong nhiều trang phục khác nhau như áo sơ mi, quần shorts, váy, áo cánh cổ điển, cầm ví, đội mũ và đeo kính râm. Mọi thứ cả hai mặc là quần áo không có người nhận, bị để quên nhiều năm tại cửa hàng giặt của họ.

Wan Ji bắt đầu mở cửa hàng giặt là vào năm 1951. Ông cho biết có 1.000-2.000 bộ quần áo khách đã bỏ lại do họ chuyển nhà, qua đời hoặc quên lấy.

Đại dịch làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều người, vợ chồng Wan Ji cũng không ngoại lệ. Theo BBC, cháu trai không thể chịu đựng nổi khi thấy họ buồn chán mỗi ngày. Vì vậy, anh chụp ảnh họ ăn mặc sành điệu để truyền tải thông điệp "tuổi tác không phải là rào cản trong thời trang" hay "quần áo cũ cũng trở nên hợp thời". Reef đã chụp ảnh ông bà mình tạo dáng trước máy giặt, máy sấy trong cửa hàng cũ.

Những bộ ảnh thời trang được chụp bởi cháu trai của họ. Ảnh: Wantshowasyoung.

Những bộ ảnh thời trang được chụp bởi cháu trai của họ. Ảnh: Wantshowasyoung.

Từ đó, ông bà lão vô tình trở thành biểu tượng thời trang đối với nhiều người trong thời gian ở nhà do dịch. Một số người bình luận để hỏi mua chiếc mũ của bà nội đội hay bị ám ảnh với áo sơ mi nam kết hợp hoa văn.

Cả hai được xuất hiện trên các tạp chí thời trang hàng đầu như Vogue, GQMarie Claire. Họ thậm chí còn xuất hiện trên thảm đỏ Tuần lễ thời trang Đài Bắc.

Đừng quên lấy đồ giặt

Sau đó, Reef đã thực hiện chiến dịch quảng bá "thời trang vòng tròn" để giúp các cửa hàng giặt là chứa nhiều quần áo không có người nhận được làm sạch và bán lại. Vào thời điểm đó, anh đã huy động được hơn 25.000 USD. Ngày nay, ông bà lão thu hút được gần 700.000 lượt theo dõi. Nói theo cách của thế hệ millennial, họ là những người có ảnh hưởng.

Gia đình ông Wan Ji đã giặt quần áo của những người sống ở thị trấn trong hơn 7 thập kỷ. Với chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang, việc giặt khô một chiếc áo sơ mi tại cửa hàng đã tăng từ 0,036 USD lên 57 USD trong những năm qua.

 Ban đầu, cả hai không biết cháu mình định làm gì với những bức ảnh này. Ảnh: Wantshowasyoung.

Ban đầu, cả hai không biết cháu mình định làm gì với những bức ảnh này. Ảnh: Wantshowasyoung.

Reef chia sẻ: "Nhiều thứ đã thay đổi trong những năm qua tại cửa hàng giặt là. Trước đó, họ giặt tay quần áo bằng xà phòng và nước nóng rồi xoắn, vắt. Bây giờ, họ sử dụng máy. Khi hai vợ chồng còn trẻ và công việc làm ăn phát triển, cửa hàng chỉ đóng cửa vào lúc nửa đêm. Ngày nay, họ đóng cửa lúc 21h".

Về những buổi chụp hình thời trang, Sho-er cho biết bà không biết cháu mình làm nghề gì và chẳng mong trở nên nổi tiếng. "Chúng tôi nghĩ cháu mình chỉ chụp ảnh bình thường để thỏa mãn sở thích", bà nói.

 Ông Wan Ji nhắc nhở mọi người đừng quên lấy đồ giặt. Ảnh: Wantshowasyoung.

Ông Wan Ji nhắc nhở mọi người đừng quên lấy đồ giặt. Ảnh: Wantshowasyoung.

Ban đầu, Reef cũng không nói rõ với họ về việc chụp các bộ hình thời trang. Ông bà lão nghĩ cháu mình thật kỳ lạ khi yêu cầu họ mặc quần áo của người khác. Sau khi Reef bắt đầu đăng bài và nhận nhiều sự quan tâm, họ mới dần hiểu ra.

Trong bài đăng cuối cùng cho năm 2021, ông Wan Ji trông lịch lãm với bộ suit cổ điển màu đen. Ông không quên kèm theo lời nhắc thân thiện: "Đừng quên lấy đồ giặt của bạn".

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-ba-lao-noi-tieng-vi-mac-quan-ao-khach-de-lai-post1294537.html