'Ông bếp' Nguyễn Huỳnh Đạt: Viết tiếp câu chuyện cà phê Việt
Mở chuỗi cửa hàng cà phê nhượng quyền khi nhiều doanh nghiệp phá sản, theo ông Nguyễn Huỳnh Đạt, thách thức là đương nhiên, nhưng cánh cửa thành công vẫn rộng mở với người có đủ ước mơ, khát vọng.
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ông bếp Bình Dương
Lối đi không an nhàn
Hơn 20 năm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao cấp tại các tập đoàn đa quốc gia như Unilever Bestfood, Nestlé và góp phần đưa các thương hiệu Knorr, Maggi… thống trị trên các quầy hàng thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ông Nguyễn Huỳnh Đạt luôn thấy “áy náy” với hàng triệu nông dân và người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm có xuất xứ Việt Nam trong những bao bì, nhãn mác nước ngoài.
Rồi một ngày, ông quyết định dừng làm công cho các tập đoàn nước ngoài để tự tay gây dựng hệ sinh thái các sản phẩm gia vị nhà bếp thuần Việt với thương hiệu “Ông bếp Việt Nam”. Sau những khó khăn ban đầu khó tránh khỏi, từ con số không, đến nay, thương hiệu “Ông bếp Việt Nam” của Công ty cổ phần Ông bếp Bình Dương do ông Nguyễn Huỳnh Đạt làm Tổng giám đốc đã xây được hệ sinh thái hơn 100 sản phẩm xoay quanh bàn ăn của người tiêu dùng.
Trong năm 2020, với những sản phẩm chất lượng, tiện dụng và giá bình dân như nước sốt thịt đa dụng, dầu hào chay, nước mắm cá cơm, nước tương đậu nành, dầu hào, “Ông bếp Việt Nam” không những đứng vững trong đại dịch, mà còn gặt hái thêm thành công với Top 10 thương hiệu bền vững của năm. Cá nhân ông Nguyễn Huỳnh Đạt được vinh danh là một trong 36 doanh nhân vàng của Việt Nam vì đã góp phần tạo nên sự bình ổn và an sinh xã hội.
Bằng những giải thưởng được cộng đồng ghi nhận, ông Nguyễn Huỳnh Đạt muốn chứng minh với những người trẻ tuổi rằng, thách thức là đương nhiên, nhưng cơ hội thành công vẫn rộng mở với những người có ước mơ và khát vọng, suy nghĩ điều chưa ai nghĩ đến và dám làm điều chưa ai từng làm.
“Cách làm thị trường tốt nhất là mang đến cho khách hàng sản phẩm có chất lượng tốt và giải pháp tiêu dùng giá trị. Chiến lược mở rộng thị trường này thể hiện bằng việc nắm bắt cơ hội, liên kết các đặc tính của sản phẩm với thị trường rộng hơn mà không đi ngược lại giá trị cốt lõi của văn hóa và tính cách của người Việt Nam”, ông Nguyễn Huỳnh Đạt chia sẻ.
Viết tiếp câu chuyện cà phê Việt
Thành công của “Ông bếp Việt Nam” thôi thúc ông Nguyễn Huỳnh Đạt phải làm gì đó với hạt cà phê Việt Nam. “Mỗi khi nghĩ đến hàng ngàn tấn cà phê cao cấp từ Việt Nam xuất đi nhiều thị trường trên thế giới mà người dân trong nước vẫn phải tiêu thụ cà phê chất lượng thấp, tôi rất trăn trở. Tôi muốn viết lại câu chuyện cho cà phê Việt, để ly cà phê Việt về đúng giá trị ngay tại nơi nó sinh ra”, ông Đạt nói về xuất xứ của Công ty cổ phần Vietcup International.
Thực ra trước đó, năm 2017, doanh nghiệp của ông Nguyễn Huỳnh Đạt đã xuất khẩu cà phê sang Đức, một số nước Đông Nam Á và đang gia công sản xuất, đóng gói cà phê cho đối tác Philippines. Đây là nền tảng để ông tiến bước vào thị trường nhượng quyền thương hiệu cà phê.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Đạt, hiện tại, 90% chuỗi nhượng quyền cà phê xoay quanh ly cà phê sạch, an toàn, nên không tạo được sự khác biệt, nhiều nhà đầu tư phải đóng cửa vì thua lỗ sau 2 - 6 tháng hoạt động. Tại chuỗi cửa hàng Vietcup Coffee, Vietcup International tự tin mang đến 2 điều mới mẻ: công nghệ pha chế từ nước Kangen ion lượng tử đem lại chất lượng tuyệt hảo cho ly cà phê và cam kết lợi nhuận gấp 5 lần các thương hiệu nhượng quyền khác - mối quan tâm hàng đầu của bất cứ đơn vị kinh doanh nào.
“Đó cũng là giá trị cốt lõi để Vietcup Coffee hấp dẫn được khách hàng và Vietcup International thuyết phục đối tác nhượng quyền”, ông Nguyễn Huỳnh Đạt chia sẻ.
Nghiêm túc khi chuyển tải “lời hứa thương hiệu”
Theo ông, thế nào là một thương hiệu mạnh?
Bản chất của thương hiệu là một ý tưởng hấp dẫn thu hút sự quan tâm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo tôi, một thương hiệu mạnh là một thương hiệu có sự kiên định và thấu hiểu giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Vậy làm sao để xây dựng một thương hiệu mạnh?
Phải ưu tiên và nghiêm túc khi chuyển tải “lời hứa thương hiệu”.
Cần làm gì để thắt chặt thêm sự gắn bó của khách hàng với thương hiệu, thưa ông?
Các thương hiệu mà tôi tạo ra luôn duy trì sự thích hợp đối với toàn bộ nhóm khách hàng mục tiêu mà tôi quan tâm, đảm bảo tính an toàn, tiện ích, quyền lợi và sự khác biệt mà khách hàng nhận được. Tôi cũng phải chắc chắn quyền sở hữu vị trí rõ ràng và khác biệt với các đối thủ cạnh tranh…