Ông bí thư của 4 quận, huyện
Người dân huyện Củ Chi (TPHCM) vẫn còn nhớ mãi về người Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Luân không chỉ anh dũng, kiên cường bám trụ cùng nhân dân chiến đấu trong kháng chiến, mà xắn quần đào đất, mở dòng kênh Đông để mang màu xanh, no ấm về cho người dân đất thép Củ Chi.
Đi đầu trong chiến đấu
Người dân Củ Chi thường gọi nguyên Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Luân với tên thân mật anh Ba Luân. Ông sinh năm 1929, là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, thanh niên trẻ Ba Luân cùng trai tráng trong xã tham gia tuần hành, cướp chính quyền. Cũng từ ngày đó, anh thanh niên Ba Luân tham gia du kích xã, khi vừa tròn 17 tuổi.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với trách nhiệm của Bí thư Chi bộ xã Phú Hòa Đông, xã Nhuận Đức, rồi làm Chính trị viên Huyện đội Củ Chi, đảng viên trẻ Nguyễn Văn Luân đã gương mẫu và tiên phong, đi đầu trong chiến đấu. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào những ngày khốc liệt, năm 1964, ông được giao trọng trách Bí thư Huyện ủy Củ Chi, lãnh đạo quân dân bám trụ kháng chiến và đã lập nhiều thành tích, góp phần làm nên danh tiếng “Củ Chi đất thép thành đồng”.
Ông Hoàng Trung, nguyên Phó đoàn Văn công Giải phóng, vừa là đồng đội, nay đã tuổi 76, kể: “Lúc làm du kích, Xã đội phó đến cán bộ Huyện ủy, Huyện đội trưởng, Bí thư Huyện ủy, anh Ba luôn giành khó khăn, gian khổ về mình. Anh là người lãnh đạo trực tiếp tham gia chiến đấu cùng đồng đội, chiến sĩ. Anh Ba vẫn nói, trận đánh mà anh nhớ nhiều nhất là trận Gò Đình - Đức Hiệp”.
Trận đánh Gò Đình - Đức Hiệp diễn ra tại ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, vào ngày 11-6-1967. Ông đã chỉ huy 47 chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 cùng bộ đội địa phương và nhân dân tập kích vào đội hình xe tăng địch. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta đã phá hủy 21 xe tăng và tiêu diệt 117 lính địch. Tiếng vang trận Gò Đình - Đức Hiệp không chỉ làm nức lòng quân dân Củ Chi mà làm kẻ thù khiếp sợ. Nhiều đơn vị lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Đông Nam bộ đã đến Củ Chi để học tập kinh nghiệm đánh xe tăng, diệt lính Mỹ.
Những người cán bộ cấp dưới của ông Ba Luân chia sẻ, trong chiến tranh, ranh giới giữa cái chết và sự sống rất mong manh, nhưng “anh Ba có niềm tin mãnh liệt về Đảng, về ngày độc lập, thống nhất của đất nước”. Niềm tin ấy đã giúp ông Ba Luân cùng những lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi lãnh đạo, trực tiếp cùng dân quân chiến đấu giải phóng Củ Chi ngày 29-4-1975.
Nặng lòng vì dân
Chiến tranh đi qua, đất nước đã thống nhất, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, hậu quả chiến tranh để lại cho Củ Chi thật nặng nề. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, ruộng vườn hoang hóa, bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại quá nhiều. Một lần nữa, năm 1975, ông Ba Luân trở lại nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Củ Chi. Với chất lính và tinh thần người cộng sản, ông tiếp tục cùng nhân dân “chiến đấu” khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống người dân. Cuộc sống người dân Củ Chi thực sự ổn định, xóa được nghèo đói từ khi có dòng nước kênh Đông.
Nhiều người dân lớn tuổi ở Củ Chi kể lại, ngày đó, ông Ba Luân, Bí thư Huyện ủy thường xuyên gặp nhân dân vận động: “Chỉ có thủy lợi mới cứu cánh, đưa màu xanh trở lại với ruộng vườn, đưa người dân ra khỏi đói nghèo”. Nói đi đôi với làm, chủ trương đã có, ông cùng lãnh đạo huyện phân công nhau xuống các xã vận động bà con nông dân hiến đất, đào kênh dẫn nước tháo chua, rửa phèn tưới mát ruộng đồng.
Nhớ lại những ngày mới giải phóng, ông Hoàng Trung, tâm sự: đất ruộng gắn liền với nông dân, là tài sản quý nhất của họ, để vận động cho công trình đi qua mà không nhận đền bù là rất khó khăn. Nhưng, tất cả những khó khăn đó đã vượt qua, vì được dân tin, ủng hộ chính quyền và làm theo cách mạng.
“Ngày ấy, anh Ba Luân thường chia sẻ, ý chí và quyết tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tạo động lực, sức mạnh để cùng nhân dân quyết tâm xây dựng hệ thống kênh Đông”, ông Hoàng Trung kể và cho biết, anh Ba Luân đã cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có những giải pháp cụ thể, vận động nông dân hiến hàng ngàn hécta đất, đóng góp hàng trăm ngàn ngày công để công trình kênh Đông đoạn qua Củ Chi được hoàn thành và phát huy tác dụng, diện mạo nông thôn Củ Chi từ đây thay đổi.
Trong dòng người đến viếng, tiễn biệt nguyên Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Văn Luân, không chỉ người dân huyện Củ Chi mà nhiều cán bộ, nhân dân từ quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn... Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông không những hai lần làm Bí thư Huyện ủy Củ Chi mà còn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp, Bí thư Quận ủy Thạnh Mỹ Tây (quận Bình Thạnh hiện nay).
Quá trình hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Luân
Từ năm 1955-1959 làm Bí thư Chi bộ xã Phú Hòa Đông và xã Nhuận Đức; năm 1960-1964 làm Chính trị viên Huyện đội Củ Chi.
Từ năm 1964-1968 làm Bí thư Huyện ủy Củ Chi, Phó Bí thư Phân đoàn phân khu I; năm 1969-1971 làm Bí thư Huyện ủy Củ Chi, Phân khu trưởng Phân khu I; năm 1974-1975 làm Bí thư Quận ủy quận Thạnh Mỹ Tây (quận Bình Thạnh hiện nay).
Từ năm 1975-1978 làm Bí thư Huyện ủy Củ Chi; năm 1978-1980 làm Bí thư Huyện ủy Hóc Môn; năm 1980-1984 làm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra TPHCM (hiện nay là Chánh Thanh tra TPHCM - PV); năm 1984-1991 làm Bí thư Quận ủy Gò Vấp.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ong-bi-thu-cua-4-quan-huyen-post685094.html